Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS) là trường hợp tử vong đột ngột và không rõ nguyên nhân ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Một nghiên cứu từ năm 2022 đã phát hiện ra rằng, những trẻ sơ sinh thiếu một loại enzyme đặc biệt trong não có nguy cơ mắc SIDS cao hơn.
SIDS là gì?
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) đề cập đến bất kỳ trường hợp trẻ sơ sinh tử vong trước 1 tuổi mà không có nguyên nhân rõ ràng. SIDS là một phân nhóm của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SUIDS).
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), SIDS là bất kỳ "trường hợp tử vong đột ngột và bất ngờ nào, dù giải thích hay không giải thích được, xảy ra trong thời kỳ sơ sinh".
SIDS phổ biến như thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), mỗi năm có khoảng 3.400 ca tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh ở Mỹ. Tuy nhiên, con số đó bao gồm cả những trường hợp tử vong không phải do SIDS, chẳng hạn như do vô tình bị siết cổ, ngạt thở hoặc chấn thương. Vào năm 2020, CDC báo cáo rằng có 1.389 trẻ sơ sinh tử vong do SIDS, 1.062 trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân và 905 trường hợp do vô tình bị siết cổ và ngạt thở trên giường.
Nguyên nhân tiềm ẩn của SIDS
Nguyên nhân gây ra SIDS vẫn chưa được xác định hoàn toàn, nhưng các bác sĩ đưa ra giả thuyết rằng khuyết tật não, yếu tố sinh học hoặc môi trường đều có thể đóng một vai trò nào đó.
Tiến sĩ Carmel Harrington chia sẻ: “Thông thường, nếu trẻ sơ sinh gặp phải tình huống nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như khó thở khi ngủ vì nằm sấp, chúng sẽ thức giấc và khóc. Nghiên cứu này cho thấy một số trẻ sơ sinh không có phản ứng kích thích mạnh mẽ như vậy."
Các triệu chứng của SIDS
Bác sĩ William Mudd, bác sĩ nhi khoa tại Phòng khám Nhi đồng Cleveland cho biết: “Thật không may, không có triệu chứng nào trước đó của SIDS” . Melissa Manrique, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Lurie thuộc Bệnh viện DuPage Trung tâm Y học Tây Bắc, cho biết thêm rằng phần lớn trẻ sơ sinh tử vong do SIDS đều dưới 6 tháng tuổi và không phản ứng, người lạnh hoặc có màu da nhợt nhạt hoặc chuyển sang xanh xám sau khi đi ngủ.
Theo Viện Y tế Quốc gia, những thói quen ngủ không an toàn cho trẻ sơ sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc SIDS. Những thói quen này bao gồm: Ngủ chung giường, cho trẻ nằm sấp khi ngủ, đắp chăn, thú nhồi bông hoặc để bất kỳ thú cưng trên giường cùng trẻ.
Phòng ngừa SIDS
Mặc dù hiện tại chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra SIDS, cũng không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn, CDC khuyến cáo cha mẹ và người chăm sóc trẻ thực hiện các bước sau để giúp giảm thiểu nguy cơ mắc SIDS cho bé:
- Luôn cho bé nằm ngửa khi ngủ: ngay cả giấc ngủ trưa. Nền ngủ phải phẳng, chắc chắn, trải một tấm ga giường vừa vặn.
- Không ngủ chung giường với bé: Tuyệt đối tránh cho bé ngủ chung giường với người lớn hoặc thú cưng.
- Giữ cũi gọn gàng: Không dùng chăn, gối, đệm hay đồ chơi trong cũi hoặc nôi của bé. Tránh sử dụng tã lót, quần áo ngủ, hay chăn nặng.
- Ngủ cùng phòng với bé: Đặt cũi của bé trong cùng phòng ngủ với bố mẹ cho đến ít nhất 6 tháng tuổi, lý tưởng nhất là đến 1 tuổi.
- Kiểm soát nhiệt độ: Không che đầu bé hoặc để bé quá nóng khi ngủ. Kiểm tra mồ hôi hoặc sờ ngực bé để đảm bảo nhiệt độ phù hợp.
- Chọn vị trí ngủ an toàn: Không cho bé ngủ trên xích đu, ghế rung hay ghế ô tô.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất