06:26 21/12/2022

Cô giáo ‘không chân’ và tình yêu với trẻ đặc biệt

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Ngọc Anh

Sinh ra không có chân, bị bỏ rơi ở bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), Phạm Thị Thu Thủy không ngừng nỗ lực để hoàn thành ước mơ trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt.

Vượt lên hoàn cảnh, cố gắng học tập không ngừng nghỉ

Thủy chào đời ở bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) với đôi chân co quắp từ đầu gối đến bàn chân. Sau khi sinh, Thuỷ bị bỏ rơi. Ở bệnh viện hơn một tháng, Thủy được chuyển sang Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Tam Bình.

Ký ức về tuổi thơ của Thủy là những lần bị bạn bè trêu chọc, bàn tán về ngoại hình khác lạ của mình.

co giao
Thu Thủy cho biết, cô không hề oán hận số phận hay chán ghét bản thân.

“Ngày đầu tiên vào lớp 1, tôi bị bạn gọi là đứa không cha không mẹ, đi bằng đầu gối. Tôi khi ấy chỉ có suy nghĩ không muốn đi học nữa và "ước gì ba mẹ đừng sinh ra mình". Được các cô ở trung tâm động viên, tôi dần vượt qua nỗi mặc cảm, tiếp tục đến trường”, cô giáo khuyết tật sinh năm 1997 chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam.

Năm 12 tuổi, Thủy được đưa về lại làng Hòa Bình (bệnh viện Từ Dũ). Ở đây, Thủy cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn vì gặp gỡ các bạn có hoàn cảnh giống như mình.

"Tôi đã dần lấy lại sự tự tin và cố gắng học để theo đuổi ước mơ. Tôi cũng không oán trách ba mẹ nữa, bắt đầu có suy nghĩ muốn tìm lại gia đình mình", Thu Thủy tâm sự.

Từ đó, Thủy cởi mở và tự tin hơn. Khi được sống chan hòa trong môi trường cộng đồng người khuyết tật, Thủy được là chính mình, Thủy không còn co cụm lại vì sợ những ánh nhìn từ người khác.

“Trong thời gian đó, tôi được học ở Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật quận 3. Chính nơi này đã ươm mầm cho ước mơ trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt của tôi”, Thủy cho biết.

Cô giáo cao 1m1 và tình yêu với trẻ đặc biệt

Tháng 7/2022, Thu Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm TPHCM, ngành Giáo dục đặc biệt. Hiện tại, cô công tác ở Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên, dạy can thiệp 5 lĩnh vực (vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm - xã hội) cho các em nhỏ.

các em nhỏ đặc biệt
Tiếp xúc với các em đặc biệt nên Thủy chia sẻ, hình thức của mình sẽ dễ dàng gần gũi và đồng cảm cùng các em.

“Mỗi trẻ có những tính cách, đặc điểm khác nhau. Tôi phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp riêng cho từng trẻ mà mình đang dạy. Tất nhiên với tôi, khó khăn lớn nhất khi dạy đó chính là lĩnh vực vận động thô. Vì bản thân tôi là người khuyết tật vận động. Nhưng tôi luôn nhận được sự yêu mến, động viên của đồng nghiệp để hoàn thành tốt công việc của mình”, Phạm Thị Thu Thủy tâm sự.

Mỗi ngày, cô luôn dành thời gian cho việc lên kế hoạch, chọn phương pháp giảng dạy thế nào để đạt hiệu quả nhất với học sinh của mình.

21671578004.jpeg
Thủy là Chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ ký hiệu của trường Đại học Sư phạm TPHCM, tham gia phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và truyền thông, lan tỏa loại hình ngôn ngữ này tại các trung tâm dành cho người khiếm thính.

“Tôi luôn biết ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc vì bất kỳ điều gì. Biết ơn cuộc đời luôn dành những điều tử tế cho mình. Đối với tôi, những nỗi đau đã trở thành động lực, là bài học, là cơ sở để sống trọn vẹn hơn. Hoàn hảo hay không là do quan điểm của mỗi người khi nhìn vào số phận đó như thế nào, có niềm tin và lòng biết ơn đối với cuộc sống này”, cô giáo giàu nghị lực chia sẻ.

Với Thu Thủy, mỗi ngày được sống, được thở đã là một ngày tuyệt vời.

“Mình phải là chính mình, phải nỗ lực để ngày một tốt hơn, trở thành phiên bản tốt nhất, đặc biệt nhất”, Thu Thủy trải lòng.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, cô giáo cho biết, sẽ tập trung vào ngành Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cùng mơ ước mở lớp học nhỏ dành cho trẻ rối loạn phát triển.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận