15:48 11/10/2022

Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An An (t/h)

Để đảm bảo trẻ được phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần, các bé cần được bổ sung nhiều nguồn dinh dưỡng khác bên cạnh sữa mẹ. Do vậy, thường từ tháng thứ 6 trở đi, cha mẹ bắt đầu cho con làm quen với việc ăn dặm.

Ăn dặm là gì?

Khi chào đời, sữa mẹ là nguồn thức ăn chính của bé. Đến mốc 6 tháng tuổi, trẻ sẽ cần nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt hơn so với các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ mà bé nhận được. Lúc này cha mẹ cần cho bé ăn bổ sung thêm những thực phẩm khác như thịt, cá, trứng, sữa,... Việc này được gọi là ăn dặm. Trong quá trình ăn dặm, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ cho tới khi trẻ được 1 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, không phải em bé nào cũng sẽ ăn dặm vào thời điểm này, bằng chứng là có những mẹ quyết định cho con ăn sớm hơn (khi con 4 đến 5 tháng) và cũng có nhiều bà mẹ cho con tiếp xúc với ăn dặm muộn hơn (từ 7- 8 tháng tuổi). Loại trừ một số lý do khách quan như con ăn bột sớm vì mẹ phải đi làm… thì đã bao giờ các mẹ thắc mắc đâu là dấu hiệu để nhận biết bé yêu đã sẵn sàng cho hành trình ăn dặm?

Trên thực tế, một em bé cảm thấy hứng thú với việc ăn dặm sẽ bộc lộ qua những biểu cảm và hành động dưới đây, nhờ đó giúp mẹ nhận biết thời điểm thích hợp để đa dạng hóa thực đơn dinh dưỡng của con bên cạnh sữa.

20211102_tre-nho-can-duoc-bo-sung-vitamin-va-chat-xo

Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Dấu hiệu 1: Bé ăn mọi thứ mà mẹ đưa cho

Đến một giai đoạn, bé sẽ cầm ăn bất kỳ thứ gì mẹ đưa. Đây cũng là một trong những dấu hiệu để mẹ biết rằng con đã muốn thử các món mới rồi đó. Lúc này, mẹ cũng có thể thử bằng cách cho bé ăn một vài muỗng bột ăn dặm hoặc thức ăn xay nhuyễn để xem biểu cảm của bé ra sao nhé.

Dấu hiệu 2: Bé chăm chú nhìn khi người khác ăn một thứ gì đó

Mỗi lần chuẩn bị nấu ăn hay đang dùng bữa cùng cả nhà, bạn cảm thấy như có ai đó đang theo dõi? Không ai khác, đó chính là ánh mắt thèm thuồng của nhóc nhỏ trong nhà. Bất cứ một cử động nào của mẹ trong lúc ăn uống đều được bé theo dõi rất nhiệt tình. Lúc này, mẹ có thể sẽ cảm thấy rất tội nghiệp cho con vì thèm nhưng không ăn được gì. Dấu hiệu này cũng đáng để lưu ý mẹ nhé vì đó là báo hiệu đã đến lúc cho bé ăn dặm!

Dấu hiệu 3: Bé thích thú khi nếm một hương vị mới

Khi được bố mẹ, ông bà đưa cho một chút chuối, một xíu khoai tây, cà rốt, bé đã cười rất mãn nguyện, đó chính là biểu cảm khi bé được nếm một hương vị nào đó khác hoàn toàn với sữa mẹ mà con vẫn uống hàng ngày. Đây cũng chính là lúc mẹ xác định được em bé của mình đã sẵn sàng cho hành trình ăn dặm rồi đấy!

Dấu hiệu 4: Bé thường xuyên cảm thấy đói dù đã bú đủ sữa mẹ

Trong vài tháng đầu sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có nhu cầu ăn nhiều, khoảng 2-3 giờ/lần. Tuy nhiên, khi sắp đạt mốc 6 tháng tuổi, thói quen ăn uống của trẻ dần ổn định hơn, khoảng cách mỗi bữa ăn thưa dần, khối lượng thức ăn tăng lên.

Vào thời gian này, mẹ phát hiện thấy bé thường xuyên đói dù mới vừa bú xong. Đó là dấu hiệu tốt cho thấy bé đang bắt đầu muốn ăn thêm món khác để giúp bé no lâu hơn.

Dấu hiệu khác

Ngoài ra nếu bé có những biểu hiện như: tự biết lấy thức ăn và cho vào miệng cảm nhận đồ ăn; biết chủ động quay đầu ra nơi khác khi không muốn bú sữa hay không muốn ăn; có phản xạ đưa môi dưới ra ngoài trước để nhận thức ăn, đây là một phản xạ khi ba mẹ dùng thìa đút thức ăn cho bé ăn dặm; có thể tự ngồi vững, giữ thăng bằng một mình mà không cần trợ giúp của bố mẹ... thì cũng rất có thể là con đã sẵn sàng cho hành trình ăn dặm rồi đó ba mẹ ạ.

20211102_tre-tu-6-thang-tuoi-tro-len-duoc-khuyen-khich-tap-an-dam

Dinh dưỡng trong chế độ ăn dặm cho trẻ

Khi tìm hiểu về chế độ ăn dặm khoa học cho trẻ, các bậc phụ huynh cần nắm được nhóm dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của bé. Trong đó, 4 nhóm chất không thể thiếu là bột đường, nhóm chất đạm, chất béo và nhóm chất xơ cùng vitamin.

Đối với những thực phẩm giàu tinh bột, cha mẹ thường ưu tiên lựa chọn bột gạo xay hoặc cháo xay nhuyễn. Đây là những món ăn mềm và dễ tiêu hóa, bước đầu giúp trẻ làm quen với các món ăn trong thực đơn ăn dặm. Bên cạnh đó, chúng ta nên kết hợp thêm các đồ ăn dễ nuốt, ví dụ như súp khoai tây hoặc các loại bún, miến,… Như vậy, bữa ăn hàng ngày sẽ trở nên đa dạng hơn, giúp trẻ hào hứng khi bước vào bữa ăn.

Những thực phẩm giàu chất đạm cũng được ưu tiên bổ sung vào bữa ăn dặm của trẻ nhỏ. Trong thời gian đầu, bé có thể ăn thịt lợn nạc băm hoặc say nhuyễn, lòng đỏ trứng gà nấu mềm hoặc xay,… Khi đã bắt đầu quen, chúng ta nên đa dạng hóa các món ăn, cho bé tập ăn cá tôm hoặc thịt bò để bổ sung thêm nhiều dưỡng chất cho cơ thể.

Đặc biệt, chất xơ và vitamin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển toàn diện của bé. Chúng hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn, đồng thời kiểm soát cân nặng của bé ở mức ổn định. Thông thường, mọi người sẽ xay rau củ kèm cháo để bé dễ ăn hơn.

Bên cạnh đó, mọi người đừng quên bổ sung chất béo vào chế độ ăn dặm khoa học cho trẻ và kết hợp cho bé ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật nhé!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận