Sữa giả tràn lan, lựa chọn nào an toàn cho trẻ nhỏ?
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam, để bảo vệ sức khỏe trẻ em, phụ huynh cần tự trang bị kiến thức lựa chọn sản phẩm an toàn và phù hợp, tránh mua phải sữa giả hoặc sữa kém chất lượng.
Trong các hội nhóm review sữa công thức trên mạng xã hội, phụ huynh chia sẻ nhiều mong muốn khác nhau. Người thì muốn sữa tăng cân, giúp con có thể tiêu hoá tốt, người thì mong muốn dòng sữa mát, có vị nhạt thanh như sữa mẹ, đồng thời phải giúp con phát triển trí não, tăng chiều cao. Những phụ huynh này đều có một điểm chung là không có nhiều kinh nghiệm chọn sữa và đó là lý do Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã khảo sát và ghi nhận kinh nghiệm từ chuyên gia, nhằm giúp các gia đình bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ.
Phụ huynh gặp khó khăn khi chọn sữa công thức cho con
Chị Diễm Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội), mẹ bầu sắp sinh em bé vào cuối tháng 10, đang rất băn khoăn trong việc lựa chọn sữa cho con. Với vô vàn loại sữa trên thị trường, chị lo lắng không biết nên chọn loại nào để đảm bảo con có đủ dinh dưỡng, tiêu hóa tốt và tăng cân đều khi sữa mẹ chưa về.
“Tôi không biết làm thế nào để chọn được loại sữa vừa thơm ngon vừa đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho con. Tôi đã nghe nhiều thông tin trái chiều về các loại sữa giả trên thị trường và lo lắng con sẽ gặp phải các vấn đề sức khoẻ như táo bón, ốm vặt”, chị Quỳnh nói.
Chị Thúy Trần (Long Biên, Hà Nội) đang vô cùng lo lắng vì bé nhà chị 7 tháng tuổi vẫn chưa tìm được loại sữa phù hợp. Sau khi thử qua nhiều loại sữa khác nhau, bé vẫn gặp phải tình trạng nóng trong, táo bón và đi ngoài khó khăn.
Một người mẹ khác đã chia sẻ kinh nghiệm rằng, hiện nay trên thị trường giá của 1 hộp sữa ở cửa hàng với giá của hãng lại có sự chênh lệch đáng kể, hơn nữa công nghệ làm sữa giả, sữa nhái ngày nay rất tinh vi. Do đó phụ huynh phải hết sức lưu ý về tình trạng sữa giả tràn lan, đặc biệt là các sản phẩm sữa ”vỏ thật, ruột giả”, hầu như người mua không thể nào phân biệt qua bề ngoài.
Chị Xuân Ly (Hà Nội) - một người mẹ có ba con nhỏ, đang vô cùng tức giận và chưa thể bình tĩnh khi phát hiện sữa bột Nan Nga mà gia đình đã tin dùng trong suốt 4 năm qua có thể là hàng giả. Chị nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về mùi vị và chất lượng sữa giữa hai hộp sữa mua từ cùng một nhãn hiệu nhưng ở hai cửa hàng khác nhau. Theo tìm hiểu của chị Ly, sữa Nan Nga chị mua cửa hàng quen có vị ngọt gắt còn sữa mua cửa hàng khác thì lại ngọt nhẹ - hương vị này cũng là ý kiến chung của các vị phụ huynh khác.
Đặc biệt, bé nhà chị khi uống sữa giả đã gặp phải các triệu chứng như đầy hơi, bụng cứng, sốt nhẹ và phân có mùi rất khó chịu. Điều này khiến chị bắt đầu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm và cảm thấy vô cùng lo lắng khi nghĩ đến việc con mình đã vô tình sử dụng phải hàng giả trong suốt thời gian dài. Khi chị Ly yêu cầu cửa hàng cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì họ lại không cung cấp.
“Thật sự vụ việc này tôi không thể cứ nhắm mắt cho qua và để yên cho cửa hàng đó lộng hành như thế được. Mình tin tưởng và đồng hành với họ trong suốt bao nhiêu năm mà thực chất lại đang làm hại con mình vì sự thiếu hiểu biết của mẹ. Ngoài những dấu hiệu trên thì hiện tại tôi sẽ tiếp tục mang sữa đi để kiểm nghiệm”, chị Ly nói.
Có thể thấy, các loại sữa giả, nhái, kém chất lượng không chỉ khiến người tiêu dùng bị “móc túi” mà còn phải trả giá đặt cho chính sức khỏe của con em và người thân trong gia đình. Trong làn sóng liên tiếp của nạn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là các sản phẩm sữa bột, người tiêu dùng chưa có kinh nghiệm chọn sữa đều dễ rơi vào bẫy của những quảng cáo hấp dẫn về sữa bột dinh dưỡng cao cấp. Trong khi thực tế, nhiều sản phẩm này không chỉ không đáp ứng được những lời quảng cáo mà còn mang theo những rủi ro về chất lượng và an toàn.
Cần có sự cảnh giác và lựa chọn kỹ càng khi mua sữa
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ThS. BS Phạm Thị Ngọc - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi tại Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng theo hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) do Bộ Y tế ban hành. Với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm và cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho trẻ nhỏ, QCVN đã đặt ra các quy định về thành phần dinh dưỡng, nhãn các sản phẩm dinh dưỡng công thức,.. vô cùng nghiêm ngặt.
Hiện nay trên thị trường tràn lan các sản phẩm sữa cho trẻ em rất đa dạng, phong phú. Các bà mẹ khi vào các cửa hàng, các siêu thị có thể dễ dàng thấy rất nhiều các loại sản phẩm sữa khác nhau xuất xứ trong nước cho tới nhập khẩu. Do đó, khi lựa chọn sữa công thức an toàn và phù hợp, phụ huynh cần chú ý đến 6 tiêu chí chính.
Tại các cửa hàng, siêu thị, các mẹ dễ dàng tìm thấy vô số loại sữa công thức khác nhau, từ sản phẩm trong nước đến sản phẩm nhập khẩu. Với sự đa dạng này, việc chọn sữa phù hợp cho bé trở nên phức tạp hơn. Do đó, ThS. BS Phạm Thị Ngọc nhấn mạnh, phụ huynh cần nắm rõ 6 tiêu chí quan trọng khi lựa chọn sản phẩm phù hợp cho con.
Thứ nhất, khi chọn sữa cho bé, phụ huynh nên tìm những hộp sữa có dán tem ghi rõ số đăng ký sản phẩm. Số đăng ký này chứng tỏ sản phẩm đã đáp ứng đầy đủ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm, được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm và được phép lưu hành trên thị trường.
“Để đảm bảo an toàn cho trẻ, khi mua sữa, mẹ cần kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm và ưu tiên những loại sữa đã được cấp số đăng ký công bố bởi các cơ quan quản lý nhà nước như Cục An toàn thực phẩm, Chi cục an toàn thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm, Ban An toàn thực phẩm của 63 tỉnh, thành xác nhận. Điều này cho biết sản phẩm sữa đó đã được kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có nội dung ghi nhãn đúng quy định và đảm bảo an toàn cho bé”, ThS. BS Phạm Thị Ngọc nói.
Thứ hai, nguồn gốc rõ ràng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi chọn sữa cho trẻ. Hiện nay, việc mua sữa qua các kênh online như Youtube, Facebook tiềm ẩn nhiều rủi ro do khó kiểm chứng thông tin về sản phẩm. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phụ huynh nên ưu tiên chọn sữa của các thương hiệu uy tín và có mặt tại các cửa hàng, siêu thị lớn như Vinamilk, VitaDairy, Nutricare, Nutifood, Mead Johnson,.. bởi các thương hiệu sữa uy tín thường có bao bì đẹp, thông tin in rõ ràng và có hệ thống phân phối rộng khắp.
Ngoài ra, với một cộng đồng người tiêu dùng đông đảo, nhà sản xuất luôn đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Chính vì vậy, chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo và niềm tin của khách hàng được xây dựng qua nhiều năm.
Thứ ba, hạn sử dụng là yếu tố quan trọng khi chọn sữa cho trẻ. Phụ huynh cần kiểm tra kỹ ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì. Không nên mua sữa sắp hết hạn, đặc biệt là những hộp sữa mà bé phải mất thời gian dài mới dùng hết. Để đảm bảo sữa luôn tươi ngon và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, nên chọn những hộp sữa còn hạn sử dụng dài, tránh mua sữa cận date, vì có thể sữa sẽ bị mất chất hoặc gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Thứ tư, sản phẩm phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển tương ứng với độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt của trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng cần sữa đặc trị, trẻ dị ứng sữa bò thì không nên chọn sữa thông thường mà phải tìm sử dụng sữa không chứa lactose.
Thứ năm, phụ huynh nên dành thời gian để đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết rõ thành phần và thông tin chi tiết về sữa để đưa ra quyết định chính xác nhất khi lựa chọn sản phẩm chất lượng. Theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12năm 2021 của Chính phủ, các thông tin cần thiết như Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; Định lượng của hàng hoá; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hoá; Thành phần định lượng; hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thông tin cảnh báo,... phải được ghi rõ ràng và đầy đủ trên nhãn.
Thứ sáu, bao bì sản phẩm là lá chắn bảo vệ sữa khỏi các tác động từ môi trường. Khi hộp sữa bị móp méo, biến dạng, rất có thể sữa bên trong đã bị ô nhiễm bởi vi khuẩn hoặc các chất lạ. Việc cho bé uống sữa này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé, mẹ nên chọn những hộp sữa có bao bì nguyên vẹn, không bị hư hỏng.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng
Theo ThS. BS Phạm Thị Ngọc, để chấm dứt tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, sữa, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh sản các sản phẩm sữa bắt buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật, các doanh nghiệp sản xuất sữa phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và cạnh tranh lành mạnh. Việc không tuân thủ các quy định này có thể dẫn đến việc sản phẩm bị thu hồi, phạt tiền, đình chỉ hoạt động, thậm chí bị truy tố hình sự. Vì vậy, để bảo vệ uy tín và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.
Đặc biệt, phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người tiêu dùng, trang bị kiến thức để phân biệt sữa thật, sữa giả và giải pháp phòng, chống. Khi mua hàng online qua kênh thương mại điện tử, phụ huynh nên ưu tiên các nền tảng uy tín, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, bao bì, mùi vị,.. khi nhận hàng, so sánh với đơn đặt hàng. Đồng thời lưu ý đến điều kiện bảo quản, vận chuyển của đơn vị giao hàng.
“Trước khi quyết định mua sữa công thức, mẹ nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như các trang web chính thức của nhà sản xuất, diễn đàn, cộng đồng mẹ và bé. Ngoài ra, lựa chọn các đơn vị bán hàng có chính sách bảo hành, giải quyết khiếu nại rõ ràng”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Trên thị trường hiện nay không chỉ có những loại sữa giả, sữa kém chất lượng mà tình trạng quảng cáo sai sự thật cũng đã diễn ra. Điển hình là vụ việc Sở Y tế TP. Hà Nội đã có Quyết định số 75/QĐXPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam, địa chỉ tại tầng 5 tòa nhà Láng Trung, số 60, tổ 33, ngõ 850 Đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội vì hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm sữa HIUP 27.
Sở Y tế Hà Nội xác định, Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam đã có hành vi quảng cáo thực phẩm (sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 tại trang web https://www.hiupchinhhang.vn/) không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 21/2022/XNQC do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Phúc cấp ngày 26/08/2022).
Công ty đã bị xử phạt 25 triệu đồng và buộc cải chính thông tin, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất