17:20 16/12/2022

Đồ chơi độc hại ‘bủa vây’ trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Đồ chơi trẻ em là công cụ giúp con phát triển trí tuệ, tuy nhiên, không phải đồ chơi nào cũng tốt và đã qua kiểm định chất lượng.

Gặp họa từ đồ chơi “bẩn”... 

Đầu tháng 12/2022, 6 em học sinh lớp 5, trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh, Nghệ an) đã nhập viện trong tình trạng khó thở và co giật nhẹ. Trước đó, một phụ huynh học sinh đã mua cho con mình khẩu súng đồ chơi ở quầy tạp hóa gần cổng trường. Đến giờ ra chơi, học sinh này đưa súng ra nghịch thì phát hiện súng bị xì hơi nên đã vứt vào sọt rác.

Sau khi súng đồ chơi bị vứt bỏ, một số cháu xung quanh cho biết thấy khó thở, một số em khác thấy bạn như vậy sợ hãi và khóc. Cá biệt có 1 em bị co giật nhẹ. Qua tìm hiểu từ phụ huynh, em này có tiền sử hay bị khó thở. Sau khi nhân viên y tế trường sơ cứu đã chuyển 6 em đến bệnh viện. Cô Phạm Thị Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao (TP.Vinh, Nghệ An) cho biết, các em học sinh nhập viện do nghi hít phải khói từ súng đồ chơi đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn 2 em đang phải theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh.

Trước đó, ngày 16/4, hơn 30 học sinh thuộc các khối lớp của Trường Tiểu học Hòa Khương 1 (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu, khó thở do chơi đồ chơi slime mua trước cổng trường.

do-choi-1
Đồ chơi được bọc trong túi bóng sơ sài không có bất cứ thông tin gì thể hiện chất lượng sản phẩm 

Có thể thấy, rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra đều do mua phải đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, đồ chơi trẻ em có vô vàn thứ độc hại ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ nếu tiếp xúc lâu dài. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vẫn ngó lơ hoặc xem thường những món đồ chơi tưởng chừng vô hại này.

Thông thường mặt hàng đồ chơi trẻ em phải được sản xuất với tiêu chuẩn rất khắt khe. Chất liệu sử dụng phải là loại tốt nhất, ví dụ như nhựa phải là nhựa nguyên chất, không thể sử dụng nhựa tái sinh có nhiễm tạp chất bẩn để làm đồ chơi. Hơn nữa, những chất đưa vào như chất làm dẻo hoá, chất chống lão hoá,... đều phải là những chất nằm trong danh mục được sử dụng cho sản xuất đồ chơi trẻ em do những chất này nếu tồn dư nồng độ cao phơi nhiễm với hàm lượng lớn thì có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của bé.

Đắt khách nhưng… chất lượng bỏ ngỏ

Hiện nay đồ chơi trẻ em kém chất lượng đang được bán rất nhiều trên thị trường với đủ mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng khác nhau,... chúng ta có thể bắt gặp những gian hàng đồ chơi ở bất cứ đâu, đặc biệt là ở cổng trường học. Thường những cửa hàng bán đồ chơi nhỏ lẻ sẽ không có tem nhãn, không có dấu hợp quy, không qua khâu kiểm định chất lượng và nhiều trường hợp thường rơi vào các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Để tìm hiểu thông tin, PV Chất lượng Việt Nam đã trực tiếp đến mua hàng tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, P. Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức.

Theo quan sát của phóng viên, tại đây rất nhiều mặt hàng đồ chơi như súng, robot, lego, xe mô hình, xe điều khiển, đồ chơi hình con vật, búp bê.... đều không gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên nhãn mác sản phẩm và không dán nhãn phụ ở các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Chủ cửa hàng cho biết: “Buôn bán mà em, phải có lời mới bán chứ. Chị mà lấy những mặt hàng có dấu CR hay giấy kiểm định thì giá cao, như thế, rất khó bán và ít người mua. Nhiều phụ huynh không quá chi tiền vào những đồ chơi mắc tiền cho con. Thông thường, họ cũng không quá chú trọng đến việc có dấu hợp quy hay không, họ thấy rẻ và bắt mắt thì mua thôi".

“Những mặt hàng này chị lấy mối từ một đại lý, giá mềm hơn so với việc lấy những mặt hàng có chứng nhận hay kiểm định và bán cũng chạy hơn nhiều”, chị N.T.K chia sẻ thêm. 

Theo chị K. sản phẩm đồ chơi Siêu nhân Iron Man có giá 450 nghìn đồng và Innovation Snake (Rắn đồ chơi điều khiển) có giá 430 nghìn đồng. Những sản phẩm này được nhiều phụ huynh lựa chọn và bán rất chạy.

Thông thường, sản phẩm đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông ra thị trường phải chứng nhận hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2019/BKHCN) do Bộ KH&CN ban hành. Tuy nhiên, theo quan sát ngoài thông tin thể hiện trên bao bì về xuất xứ Trung Quốc thì sản phẩm này không có nhãn phụ, tem CR. Nhìn chung, các sản phẩm đồ chơi bán tại cửa hàng đều ghi xuất xứ từ Trung Quốc (Made in China) nhưng lại không dán nhãn phụ lên sản phẩm và không có dấu CR trên từng hàng hoá. Thậm chí, có những sản phẩm đóng gói sơ sài, chỉ đựng trong túi bóng rồi buộc lại bằng dây chun, không có thông tin gì về sản phẩm nhưng có giá tới 230 nghìn đồng.

do-choi
Những sản phẩm đồ chơi không được chứng nhận hợp quy, liệu có đảm bảo chất lượng?  

Được biết, đây là một trong những cửa hàng bán đồ chơi gần 2 trường học và được nhiều phụ huynh ghé mua cho con. Thế nhưng, sản phẩm đồ chơi này có đảm bảo hàm lượng Formaldehyt trong đồ chơi dành cho trẻ em dưới 3 tuổi, Phtalat và Amin thơm không vượt quá quy định hay không? Khi những sản phẩm đồ chơi này đều không có chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy cho sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông ngoài thị trường, thậm chí không có nhãn phụ. Không có bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện đây là sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Đến một cửa hàng khác, đối diện cổng trường tiểu học Giồng Ông Tố chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi những đồ chơi tại đây được bán với giá khá rẻ, dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn. Điều đáng nói, sản phẩm này đều xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên cứ mỗi buổi chiều tan học cửa hàng này lại tấp nập người ra kẻ vào mua đồ.

Theo thống kê của tổ chức GreenPeace, 1/3 số đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc đều chứa kim loại nặng như chì, đồng, nickel hay admium, chưa kể các chất độc hại khác. Vì thế, khi chọn đồ chơi cho con, các bậc phụ huynh nên lưu ý tới xuất xứ sản phẩm, nhãn mác đồ chơi để kiểm tra xem chúng có được dán tem chứng nhận hoặc kiểm định chất lượng hay không, tránh mua phải những sản phẩm chưa được kiểm định chất lượng.

Theo VietQ

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận