14:41 24/10/2022

Đồ chơi cũ bằng nhựa độc hại thế nào?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Đồ chơi bằng nhựa càng cũ thì càng chứa nhiều độc tố có thể gây ra các vấn đề về hormone và phát triển của trẻ em.

945aa807934a7a14235b
Hàm lượng hóa chất trong đồ chơi đang vượt ngưỡng.

Một trong số những hóa chất đó là phthalate và paraffin clo hóa mạch ngắn (SCCPs).

Hàm lượng hóa chất trong đồ chơi đang vượt ngưỡng

Trong các sản phẩm đồ chơi trẻ em có chứa một số hóa chất độc hại như phthalate và SCCPs. Tần suất và hàm lượng các chất độc hại này trong các sản phẩm mới thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm cũ. Hàm lượng chất độc hại trong các sản phẩm cũ cao hơn gấp 400 lần giới hạn cho phép, gây ra nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ em, trong khi các đồ chơi mới không phát hiện thấy hay có hàm lượng thấp hơn so với quy định.

Chính phủ các nước khuyến khích tái sử dụng, tái chế và quay vòng các sản phẩm và vật liệu nhằm mục đích cắt giảm chất thải. Tuy nhiên, hàng nghìn hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa, trong đó có nhiều hóa chất có tính độc tiềm tàng, có thể gây ra các vấn đề về hormone và phát triển của trẻ em. Một trong số những hóa chất đó là phthalate và paraffin clo hóa mạch ngắn (SCCPs) được sử dụng để tạo độ dẻo và chống cháy cho sản phẩm nhựa.

Pháp luật của EU về hàm lượng hóa chất trong đồ chơi (Quy định về đồ chơi an toàn) quy định hàm lượng cho phép của một số hóa chất trong đồ chơi nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ em. Giá trị giới hạn cho phép đối với đồ chơi mới theo quy định này là 0,1% khối lượng đối với phthalate và 0,15% khối lượng đối với paraffin clo hóa mạch ngắn.

Những quy định này sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ trẻ em tránh phơi nhiễm với các hóa chất độc hại. Hình thức sử dụng và thải bỏ hiện nay được đánh giá là lãng phí và làm cạn kiệt tài nguyên tái tạo trên Trái đất.

Thông qua các nguyên tắc về hệ thống cấp bậc chất thải, chất thải sẽ được ngăn chặn và giảm thiểu thông qua việc tái sử dụng, tái chế và phục hồi các sản phẩm sau khi sử dụng.

Có một rủi ro khi thực hiện các nỗ lực cắt giảm chất thải là làm cho các hợp chất độc hại tồn tại trong các sản phẩm này vẫn tiếp tục được sử dụng trong chu kỳ tiếp theo. Điều này được minh chứng trong việc mua đồ chơi cũ hoặc sử dụng lại đồ chơi cũ để làm đồ chơi cho trẻ em khi đồ chơi cũ đó có thể chứa các hợp chất hóa học độc hại.

Trong một nghiên cứu gần đây về xác định kim loại độc hại trong đồ chơi cũ, TS Andrew Turner (Đại học Plymouth, Anh) đã cho thấy rằng, những đồ chơi này chứa các kim loại có hàm lượng khác nhau và vượt ngưỡng cho phép, khuyến cáo đồ chơi cũ có thể là nguồn phơi nhiễm độc hại đối với trẻ em.

Trẻ em thường nhạy cảm hơn người lớn khi phơi nhiễm với các hóa chất độc hại, do trọng lượng cơ thể nhỏ hơn, tốc độ trao đổi chất cao hơn, hệ hormone đang phát triển và sự khác nhau về sự trao đổi chất thông qua thận và gan. Đồ chơi của trẻ em có chứa các chất độc hại như kim loại, chất chống cháy, paraffin clo hóa mạch ngắn và phthalate.

Mặc dù, những hóa chất này có các chức năng khác nhau trong vật liệu nhựa vốn dĩ rất độc hại đối với sức khỏe con người và đặc biệt hơn là đối với trẻ em. Trẻ em có nguy cơ phơi nhiễm lớn hơn so với người lớn vì trẻ em có thời gian tiếp xúc dài hơn và thường tiếp xúc bằng miệng do thói quen.

Đồ chơi cũ chứa nhiều hóa chất độc hại hơn

Bên cạnh về số lượng các độc chất được phát hiện trong một số đồ chơi cũ và mới, hàm lượng của các độc chất này cũng được phân tích, đánh giá. Nhựa và các chất hóa học được sản xuất và sử dụng với khối lượng lớn, vượt quá mức cân bằng và có ảnh hưởng đến sự ổn định, sức khỏe của môi trường và con người. Hơn nữa, việc hình thành các chính sách để kiểm soát các chất hóa học độc hại trong quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ các sản phẩm là hết sức cần thiết.

Nhóm nghiên cứu của TS Linn Persson tại Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) tập trung vào việc phân tích phthalate và các paraffin clo hóa mạch ngắn với mục đích đánh giá các quy định hiện tại có đáp ứng được hiệu quả bảo vệ trẻ em khỏi sự phơi nhiễm đối với các hóa chất độc hại trong đồ chơi của chúng hay không.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, hiệu quả của quy định về đồ chơi an toàn năm 2009 khi số lượng các sản phẩm sản xuất trước thời điểm quy định này có hiệu lực (các đồ chơi cũ) có chứa nhiều hóa chất độc hại hơn so với các sản phẩm được sản xuất sau khi quy định có hiệu lực (đồ chơi mới).

Tuy nhiên, mặc dù nguy cơ phơi nhiễm với phthalate có xu hướng giảm, nhưng một số nghiên cứu dịch tễ học gần đây đã chỉ ra rằng, vẫn cần nhiều sự quan tâm đến vấn đề này.

Những nghiên cứu này cho thấy mối tương quan giữa phơi nhiễm phthalate (phân tích trong máu và trong nước tiểu) với sức khỏe con người như ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh, nguy cơ hen suyễn ở tuổi vị thành niên.

Mặc dù, các phân tích về mối tương quan này cần được thực hiện thêm, nhưng các tác giả này đều đưa ra nhận định rằng, các khung pháp lý hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Kết quả về hàm lượng hóa chất độc hại trong đồ chơi cũng nên được nhìn nhận trên quan điểm về kinh tế tuần hoàn. Các nỗ lực để cắt giảm chất thải thông qua việc tái sử dụng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa chất độc hại. Trên thực tế, việc tái sử dụng các sản phẩm này có thể làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm của trẻ em đối với phthalate.

Các chất hóa học độc hại là một cản trở lớn trong việc xây dựng kinh tế tuần hoàn đối với nhựa. Mặc dù có một số công nghệ tái chế nhựa nhưng chủ yếu là áp dụng đối với PE hoặc PET, còn đối với nhựa PVC thì gặp nhiều khó khăn do chứa hàm lượng lớn phthalate và SCCPs.

Trong khi tái chế bằng các lò đốt nhiệt độ cao để thu hồi nhiệt có thể hạn chế phát thải chất ô nhiễm nhưng công nhân vận hành có thể là đối tượng bị phơi nhiễm với phthalate, còn phương án đốt hở ở nhiệt độ thấp để xử lý rác thải tại một số nước đang phát triển lại có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Quá trình tái chế cơ học sử dụng dung môi để loại bỏ tạp chất và hòa tan polymer tạo thành các monomer để sản xuất vật liệu nguyên sinh nhưng không thể thực hiện trên quy mô lớn.

Nếu các vật liệu và hóa chất độc hại không được hạn chế trên thị trường thì các mặt tích cực của kinh tế tuần hoàn đối với chất thải nhựa vẫn không thể đánh đổi được các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

TS Nguyễn Ngọc Tú (Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Theo Giáo dục và Thời đại

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận