17:04 19/08/2022

Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp mùa tựu trường

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Thời tiết giao mùa, cùng đó mùa tựu trường đang đến gần, các chuyên gia lo ngại bệnh đường hô hấp có nguy cơ gia tăng.

Tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai hơn tháng nay duy trì điều trị nội trú cho khoảng 130 bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, trong tuần đầu tháng 8 ghi nhận hơn 4800 ca xét nghiệm cúm, trong đó có hơn 1.400 ca cúm A, chiếm 30%; cúm B chiếm 3,2%. So với cùng kỳ tháng 7, số lượng người xét nghiệm cúm tăng 467% và phát hiện cúm A tăng 144%.

ThS.BS Dương Thị Thủy - Chuyên khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết: Thời gian qua, tại đây ghi nhận lượng bệnh nhân mắc cúm A đến khám nhiều. Các năm trước, cúm A hay gặp ở mùa đông xuân, nhưng năm nay cúm A xuất hiện bất thường trong mùa hè, mùa thu.

BS Thủy chia sẻ, nhiều trẻ đến khám tại chuyên khoa Nhi do sốt. Sau khi thăm khám, cộng với yếu tố dịch tễ (nơi ở, nơi làm việc có người mắc bệnh), bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh rất đa dạng, không chỉ là bệnh cúm, mà còn ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết, Covid-19, sốt virus thông thường.

 “Có trường hợp nếu biểu hiện của trẻ kèm thêm khò khè thì lưu ý nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV ở trẻ nhỏ, hen phế quản ở trẻ lớn, hoặc nếu xuất hiện mụn tay chân thì lưu ý bệnh tay chân miệng”, BS Thủy nói.

tre
Thời tiết giao mùa khiến nguy cơ của một số bệnh hô hấp gia tăng đặc biệt trong thời điểm học sinh dần chuẩn bị quay lại trường học. Ảnh: Internet

Trung bình khoảng 3 tuần trở lại đây, mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 20 - 30 trẻ phải nhập viện do mắc bệnh đường hô hấp, có các yếu tố nguy cơ nặng.

Trả lời trên Dân Trí, TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong giai đoạn chuyển mùa và sắp tựu trường tới đây, nguy cơ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ tiếp tục gia tăng.

"Khi trẻ đi học tập trung trở lại, đặc biệt là các em nhỏ ở dưới 5 tuổi thường sinh hoạt tập trung ở môi trường có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. Hơn nữa, trong môi trường này, khi một trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ lây cho các trẻ khác nhanh hơn", TS Hải thông tin.

TS Hải lưu ý, các dấu hiệu xuất hiện sau giai đoạn giảm sốt, đó là trẻ bỗng dưng sốt lại, kèm theo mệt mỏi, ăn kém…, là dấu hiệu mà chúng ta phải nghĩ rằng liệu có phải bội nhiễm do vi khuẩn sau khi nhiễm virus hay không để đưa đến viện khám?", bác sĩ nhấn mạnh.

Để phòng bệnh hô hấp giai đoạn chuyển mùa, TS Hải khuyến cáo, ở lớp học cũng như gia đình không nên bật điều hòa cả ngày. Buổi sáng sớm, chiều hãy mở toang cửa để không khí được lưu thông tốt.

Bên cạnh đó, cần chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên…

TS.BS Hải cũng khuyến cáo, khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, kể cả những trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ phụ huynh nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để đánh giá sơ bộ, chẩn đoán bệnh. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ có bội nhiễm, và cần có chỉ định của bác sĩ.

Ở giai đoạn trẻ sốt, có ho, chảy mũi... cũng là giai đoạn có nguy cơ lây truyền bệnh lớn nhất, vì thế khi trẻ nhỏ ốm, không nên tới lớp để hạn chế lây lan cho các trẻ khác.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận