GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Chuyện chưa kể về 'tượng đài phẫu thuật' nhi khoa Việt Nam
“Tôi vẫn nói vui với các đồng nghiệp là tôi đã có đủ bộ tổng sắp “huy chương” nhưng trong thâm tâm tôi luôn nghĩ mình là một người bình thường”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm bày tỏ.
Bài viết này thuộc chuyên đề Tự hào chiến sĩ áo trắng
Hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam thực hiện chuyên đề “Tự hào chiến sĩ áo trắng”, nhằm tôn vinh những y bác sĩ giỏi, tận tâm, cống hiến; tập thể bệnh viện, cơ sở, trung tâm khám chữa bệnh
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với người sở hữu nhiều thành tựu về nhi khoa vang danh thế giới - GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc Vinmec, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thành công với nhiều ca mổ phức tạp đi vào lịch sử y học Việt Nam, ông là bác sĩ, nhà khoa học duy nhất của châu Á đạt giải thưởng danh giá NIKEI châu Á trong lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2018. Ngoài ra, ông còn là một trong hai nhà khoa học của Việt Nam lọt vào danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2019, do Tạp chí Asian Scientist (Singapore) bình chọn.
Thưa GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, là người gắn bó và có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhi khoa, ông cảm nhận như thế nào về nguồn năng lượng tích cực mà các bệnh nhi truyền lại cho các y bác sĩ?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Với tôi được làm việc với trẻ em là một đặc ân. Trẻ con luôn vô tư, vui nhộn, không bi quan, sầu não như người lớn. Về khía cạnh y học thì trẻ em nói chung có khả năng phục hồi sức khỏe rất tốt, đôi khi là rất kinh ngạc.
Được tiếp xúc với các em nhỏ hàng ngày, nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt trẻ thơ luôn là một nguồn năng lượng tích cực truyền thêm sức mạnh, quyết tâm cho các thầy thuốc.
Thưa ông, vào cuối tháng 12/2022, ông có chia sẻ video về điệu nhảy trong ngày xuất viện của cậu bé A.Đ (3,5 tuổi, bị bệnh tan máu bẩm sinh). Video này đã khiến công chúng vô cùng ấn tượng trước sự lạc quan, dễ thương của cậu bé. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện truyền cảm hứng ấy?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Đây là một bệnh nhân đặc biệt, người cho tủy xương/tế bào gốc cũng đặc biệt. Bệnh nhân 3,5 tuổi, người cho là chị ruột 5,5 tuổi. Cả hai chị em đều rất vô tư, hồn nhiên. Người chị còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, biết là sẽ cho máu để cứu em nên không hề sợ đau, không hề sợ tiêm, không kêu khóc ngay cả khi được đưa vào phòng mổ, chỉ mong sao em mình chóng khỏi bệnh để về nhà chơi cùng chị.
Bé Đ. thì luôn tươi cười, múa hát kể cả những ngày nằm trong khu cách ly đặc biệt, những ngày có nhiều biến chứng, sức khỏe giảm sút và rất mệt.
Là người chứng kiến những cơn đau, mệt mỏi trong quá trình điều trị cho bé Đ. từ những ngày đầu tiên, ông có cảm xúc như thế nào khi ca ghép tế bào gốc cho bé thành công và bé có thể nhảy trở lại trong ngày xuất viện?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Cả ê-kíp đã rất lo lắng và căng thẳng vì nói chung tỷ lệ thất bại trong ghép tế bào gốc cho bệnh tan máu bẩm sinh còn cao, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cả trong quá trình ghép và sau ghép.
Sau khi ghép tế bào gốc, bé Đ. đã có nhiều biến chứng nặng khiến cả ê-kíp phải thường xuyên túc trực, trao đổi để đề xuất các biện pháp ứng phó nhanh nhất, chính xác nhất. Chúng tôi chỉ thở phào khi các tế bào gốc được ghép đã cư trú ở tủy xương của bé và bắt đầu tạo ra các dòng tế bào máu.
Thưa ông, trong suốt hơn 40 năm kinh nghiệm, câu chuyện về bệnh nhi nào khiến ông xúc động nhất?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Có rất nhiều câu chuyện không thể nào quên nhưng với tôi, ca mổ cho cặp song sinh C - A là khó quên nhất. Cách đây 19 năm, tôi và đồng nghiệp đã tiến hành tách rời cho một cặp song sinh.
Ca mổ rất đặc biệt vì hai bé chung nhau nhiều bộ phận, nhất là chỉ có một lá gan chung.
Hồi đó các phương tiện chẩn đoán còn rất nghèo nàn, chỉ có máy siêu âm đen trắng, máy chụp X-quang thông thường nên rất khó đánh giá được cấu trúc giải phẫu nội tạng của hai bé trước khi phẫu thuật.
Các phương tiện và thuốc hồi sức cũng rất hạn chế. Phương tiện truyền thông theo dõi sát sao và liên tục đưa tin về tình trạng sức khỏe của hai bé trước mổ cũng tạo nên áp lực rất lớn.
Chúng tôi bảo nhau ca mổ phải thành công, không được phép thất bại. Ca mổ tiến hành trong nhiều giờ với sự tham gia của rất nhiều cán bộ. Sau mổ tôi vẫn theo dõi các cháu trong nhiều năm. Rất vui vì giờ đây các cháu đã trưởng thành, sức khỏe tốt và đã là sinh viên đại học.
Khi điều trị, tinh thần là một trong những yếu tố hỗ trợ, thúc đẩy sự “chiến đấu” mãnh liệt của người bệnh. Vậy ông có thể chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhi được điều trị thành công, hiện đã khôn lớn, trưởng thành hoặc trường hợp bệnh nhi mắc một căn bệnh hiếm gặp nhưng luôn vững tin, không bỏ cuộc để truyền cảm hứng, sự lạc quan, niềm hy vọng cho những bệnh nhi cũng như người nhà?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân có ý chí kiên cường, không chịu khuất phục, bỏ cuộc trước số phận. Trường hợp gần đây nhất là bé G.L, bé bị một căn bệnh đặc biệt, viêm não tự miễn.
Mặc dù cháu được điều trị bằng các phác đồ tốt nhất với các loại thuốc tốt nhất trong 5 tháng tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng bệnh không có tiến triển. Bé rơi vào tình trạng sống thực vật, mất nhận thức, mất vận động, co giật thường xuyên, phải ăn uống qua ống thông dạ dày.
Quyết tâm đồng hành trên con đường chữa trị cùng con, mẹ của bé tiếp tục cho bé tập phục hồi chức năng, châm cứu thêm 3 tháng nhưng tình trạng sức khỏe của bé vẫn không có cải thiện. Không chịu bỏ cuộc, người mẹ đã đưa bé đến Bệnh viện Vinmec gặp tôi với hy vọng còn nước còn tát.
Cuối cùng thì trời đã không phụ lòng người. Rất may sau ba lần ghép/truyền tế bào gốc, bé đã hồi phục ngoài sức tưởng tượng. Hiện nay, bé G.L. đã có thể vận động, nhận thức hoàn toàn bình thường và đã đến trường đi học cùng các bạn. Trong dịp Tết vừa qua, khi gặp lại hai mẹ con G.L., tôi đã rất vui khi nhìn thấy bé hồi phục hoàn toàn.
Trường hợp của bé G.L. không chỉ truyền cảm hứng cho nhiều bệnh nhi trong nước mà khi chúng tôi công bố kết quả trên một tạp chí quốc tế, nhiều bệnh nhân nước ngoài cũng mong muốn được đến Việt Nam để điều trị.
Vậy khi gặp lại những trường hợp bệnh nhi được ông cứu sống một cách thần kỳ gần như được tái sinh, nay đã trưởng thành khỏe mạnh, ông có cảm xúc như thế nào?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Rất khó để diễn tả hết cảm xúc của tôi khi gặp lại các bệnh nhân như vậy. Có lẽ những từ như vui mừng, hạnh phúc là chưa đủ để diễn đạt được xúc cảm lúc đó.
Có những bệnh nhân giờ đã là thầy thuốc, là đồng nghiệp của tôi. Có bệnh nhân ở miền Nam, sống thực vật sau khi bị bệnh, nhưng giờ đây đã là bạn trên Facebook, có bệnh nhân từ New Zealand được phẫu thuật từ nhiều năm trước ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bố mẹ, đưa cháu lại Việt Nam với mục đích duy nhất là được đến chào và nói lời cảm ơn với thầy thuốc đã chữa trị cho mình.
Đó có phải là động lực thôi thúc các y bác sĩ, đặc biệt đối với các bác sĩ nhi khoa vượt qua những khó khăn, cống hiến trí - đức - tài - lực để cố gắng cứu chữa cho người bệnh không thưa GS?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Đúng như vậy, chính sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc của người bệnh và gia đình là động lực giúp thầy thuốc luôn cố gắng hết sức mình để cống hiến trí tuệ, sức lực vì người bệnh.
Trong hơn 40 năm công tác tại ngành y, đã có trường hợp bệnh nhi nào mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu chữa được không thưa ông? Cảm xúc của ông lúc đó ra sao? Sau trường hợp đó, tâm lý của GS có bị “ám ảnh” không?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân, nhiều loại bệnh mà y học phải “bó tay”.
Với người thầy thuốc không có gì buồn hơn là thấy mình bất lực, không có khả năng giúp được người bệnh.
Điều đó luôn làm tôi trăn trở, day dứt nhưng cũng là động lực để tôi cùng với các đồng nghiệp tiếp tục tìm tòi các phương pháp điều trị mới cho các bệnh nan y.
Thưa ông, ông có thói quen gì đặc biệt trước những ca phẫu thuật phức tạp để tinh thần được thoải mái và tỉnh táo nhất?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Để có tinh thần thoải mái và tỉnh táo nhất trước ca mổ tôi thường chuẩn bị rất kỹ, xem lại tài liệu, nghiên cứu kỹ bệnh án, trao đổi với các đồng nghiệp trong kíp mổ, các bác sĩ gây mê, bác sĩ hồi sức về các tình huống bất thường có thể xảy ra và phương án ứng phó để không rơi vào tình cảnh bị động, lúng túng.
Trước những quyết định khó khăn, ông thường làm gì để đưa ra lựa chọn chính xác nhất?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Để đưa ra quyết định trong các tình huống khó khăn luôn không dễ dàng. Nhiều người nói người bác sĩ ngoại khoa luôn cô đơn vì dù có nhiều người xung quanh thì phẫu thuật viên vẫn là người quyết định cuối cùng. Các quyết định đúng đắn đều phải dựa trên tính logic, tính hợp lí và dựa trên y học bằng chứng.
Thưa ông, nhiều người yêu mến thường gọi ông với cái tên “bác sĩ quốc dân” hay “tượng đài nhi khoa Việt Nam”. Vậy ông nghĩ sao về sự trân trọng mà các bệnh nhân và gia đình bệnh nhân dành cho ông?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Tôi vẫn nói vui với các đồng nghiệp là tôi đã có đủ bộ tổng sắp “huy chương” nhưng trong thâm tâm tôi luôn nghĩ mình là một người bình thường, có khác chăng thì chỉ là một người thầy thuốc mát tay và gặp may mà thôi.
Thưa ông, nếu để tự họa bức chân dung về mình, ông nghĩ điều đó sẽ là gì?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Tính chất đặc biệt nhất mà tôi có là ham học hỏi. Học bất cứ tuổi nào, bất cứ từ người nào và không bao giờ hài lòng với những kiến thức, những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được.
Được biết, trên trang Facebook cá nhân của ông, có rất nhiều bình luận nhờ ông tư vấn trực tiếp phương pháp. Ông giải đáp tất cả các thắc mắc của người bệnh, người nhà bệnh nhân, không bỏ sót bất cứ bình luận nào, kể cả những bình luận chúc mừng, cảm ơn… Mặc dù công việc vô cùng bận rộn nhưng tại sao ông vẫn dành thời gian chu toàn, tương tác với mọi người như vậy?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Tôi đã cố gắng thu xếp thời gian để có thể làm như vậy vì muốn bày tỏ sự tôn trọng và lòng biết ơn với những người đang theo dõi, những người tin tưởng tôi.
Trước khi tới bệnh viện, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, ông sẽ bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng như thế nào?
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm: Tôi thường bắt đầu một ngày làm việc vào lúc 5h sáng. Các công việc thường làm là đọc các tài liệu y văn mới công bố trên các tạp chí quốc tế, 15 phút tập thở, ăn sáng và đi làm.
Xin chân thành cảm ơn GS.TS Nguyễn Thanh Liêm. Kính chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục mang đến những cơ hội sống, khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhi hơn nữa.
Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, y học tái tạo (tự kỷ bại não và tế bào gốc), GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm được giới phẫu thuật nhi coi là chuyên gia về phẫu thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ (với kinh nghiệm hơn 500 trường hợp) và phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị cơ hoành (với hơn 300 trường hợp).
Dành trọn sự nghiệp của mình chữa bệnh cho nhân dân, GS.TS Liêm còn là tác giả cụm công trình ghép tạng đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2005) và Cụm Công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt (năm 2012). Những công trình khoa học này mở ra một hướng đi mới trong phẫu thuật nội khoa của y học Việt Nam và khẳng định tên tuổi của bác sĩ Việt Nam trong ngành nhi khoa thế giới.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất