10:17 15/09/2022

Hiểu như thế nào là hành vi xâm hại tình dục trẻ em?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ nào, ở bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ địa điểm nào. Mọi trẻ em, không phân biệt giới tính, độ tuổi đều có thể bị (XHTD), tuy nhiên trẻ dưới 13 tuổi và trẻ khuyết tật là nhóm có nguy cơ bị XHTD cao nhất.

Theo Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam, xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

xamhaitreem
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

XHTDTE bao gồm những hành vi nào?

Có rất nhiều hành vi XHTD đối với trẻ em, dựa trên quy định pháp luật, có thể chia làm 3 nhóm hành vi để cha mẹ hướng dẫn trẻ nhận biết dễ hơn.

Nhóm 1: Có tiếp xúc cơ thể

- Đụng chạm vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của trẻ;

- Đụng chạm vào các bộ phận riêng tư của trẻ gồm: ngực, bộ phận sinh dục, mông, đùi, miệng;

- Dùng dụng cụ tình dục hoặc bất kỳ đồ vật nào để động chạm, tiếp xúc với bộ phận riêng tư, hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của trẻ;

- Buộc trẻ sờ mó vào các bộ phận trên cơ thể mình nhằm thỏa mãn tình dục;

- Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận khác của cơ thể, dụng cụ tình dục hoặc bất kỳ đồ vật nào xâm nhập vào bộ phận sinh dục, miệng, hậu môn,…

- Quan hệ tình dục với trẻ;

- Lôi kéo trẻ em vào các hành vi được kể trong nhóm này với trẻ khác hoặc người lớn khác;

Nhóm 2: Không tiếp xúc với cơ thể

- Cho trẻ xem phim, ảnh, nghe âm thanh, câu chuyện khiêu dâm hoặc liên quan đến tình dục;

- Dùng lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, nhằm kích thích tình dục ở trẻ;

- Thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục với trẻ;

- Trực tiếp trình diễn khiêu dâm trước mặt trẻ hoặc dụ dỗ trẻ trực tiếp trình diễn khiêu dâm;

- Phô bày bộ phận sinh dục, khỏa thân, thoát y trước mặt trẻ;

- Nhìn trộm trẻ hoặc bắt/dụ dỗ trẻ phô bày bộ phận sinh dục, khỏa thân trước người khác;

- Chụp ảnh trẻ khỏa thân vì những mục đích khác nhau;

- Ép trẻ chứng kiến hành vi tình dục.

Nhóm 3: Qua phương tiện công nghệ

- Gửi cho trẻ các hình ảnh, phim, trang web chứa đựng văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm qua điện thoại, mạng xã hội;

- Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ khỏa thân và phát trực tiếp âm thanh; hình ảnh qua môi trường mạng;

- Sử dụng hình ảnh quay cơ thể trẻ phát tán trên mạng xã hội, các diễn đàn, web khiêu dâm;

- Cho trẻ xem các hoạt động trình diễn khiêu dâm trực tuyến.

minh hoa
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vì sao trẻ không nói ra câu chuyện bị XHTD?

Có nhiều lý do khiến trẻ không nói ra câu chuyện, dưới đây là một số lý do:

- Trẻ lo sợ bị trả thù, XHTDTE là vi phạm pháp luật, để không bị lộ, thủ phạm thường đe dọa hoặc mua chuộc, dụ dỗ,… để trẻ không tiết lộ sự thật;

- Trẻ sợ bị khiển trách vì đã để xảy ra sự việc hoặc bị đổ lỗi là đã để sự việc XHTD xảy ra;

- Trẻ lo sợ không ai tin mình và sợ bị trừng phạt khi nói ra, đặc biệt khi thủ phạm là người thân, người quen biết;

- Trẻ sợ không còn được ai yêu thương. Trẻ cảm thấy mình không còn trong sạch, có lỗi về những gì đã xảy ra và cho rằng mọi người sẽ khinh thường, rời xa trẻ;

- Một số trường hợp trẻ không biết đó là hành vi có hại; trẻ cho rằng đó là hành động thể hiện sự quý mến, gần gũi, yêu thương;

- Đôi khi trẻ có mối quan hệ thân thiết với thủ phạm, nên giấu sự việc;

- Trẻ còn quá nhỏ hoặc bị khuyết tật không có khả năng truyền đạt được cho cha mẹ câu chuyện của mình;

- Trẻ xấu hổ, ghê sợ sau khi sự việc xảy ra, không muốn nhắc lại chuyện đó nữa.

GIÚP TRẺ PHÒNG NGỪA XÂM HẠI TÌNH DỤC

Những điều cha mẹ có thể làm để giúp trẻ phòng ngừa XHTD

- Chủ động nói với trẻ những vấn đề liên quan đến bộ phận sinh dục hay tình dục;

- Dạy trẻ về bộ phận riêng tư gồm miệng, ngực, bộ phận sinh dục, đùi, mông, hậu môn;

- Dạy trẻ kín đáo khi thay quần áo, không để người khác nhìn thấy các bộ phận trên cơ thể của mình;

- Không ép trẻ bày tỏ tình cảm như: ôm, hôn, ngồi vào lòng ai đó hoặc không ép trẻ ở một mình hoặc sang nhà một ai đó mà trẻ không muốn;

- Cùng trẻ xác định địa điểm có nguy cơ như: những nơi ít người qua lại, đường trong ngõ hẻm, trong thang máy,… Dặn trẻ với các địa điểm đó tuyệt đối không đi qua một mình nếu không có người lớn tin tưởng trợ giúp;

- Dạy trẻ quy tắc 3 bước an toàn: 1 - Nói không, 2 - Bỏ đi/bỏ chạy, 3 – Kể với cha mẹ/người lớn tin tưởng;

- Dành thời gian quan tâm tới con, thường xuyên lắng nghe và trò chuyện để nhận biết dấu hiệu còn kịp thời trợ giúp trẻ.

Lưu ý khi hướng dẫn trẻ về bộ phận riêng tư:

- Với trẻ nhỏ, chúng ta chỉ hướng dẫn 3 bộ phận miệng, ngực, bộ phận sinh dục để các con có thể ghi nhớ;

- Khi hướng dẫn, cha mẹ cần nhấn mạnh 2 điểm:

+ Không ai có quyền chạm vào bộ phận riêng tư, trừ khi con ốm và cần chăm sóc, khám bệnh liên quan đến các bộ phận riêng tư. Nhưng trong trường hợp đó, cần nói rõ với con và được cha mẹ cho phép, ở cạnh giám sát.

+ “Thân thể của con là do con quyết định. Nếu con không muốn thì không ai có quyền đụng chạm”.

Trích: Cẩm nang hướng dẫn dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ phòng chống xâm hại tình dục trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận