14:38 21/01/2023

Ký ức ca đẻ rơi trên taxi và chuyện chưa kể về tắm bé ngày Tết

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Năm đầu tiên trực Tết là kỷ niệm khó quên nhất đối với chị Tâm. Bệnh viện tiếp nhận ca “đẻ rơi” trên taxi, chị quá bất ngờ khi mở cửa xe ra thì đã nghe thấy tiếng em bé khóc oe oe, mẹ bé vừa đau vừa sợ, bố bé chân tay luống cuống.

Trách nhiệm với công việc ngày Tết

Tết là khoảng thời gian mọi người dành trọn cho gia đình. Tuy nhiên đối với những người làm nghề chăm sóc trẻ sơ sinh thì dường như không có ngày nghỉ. Đó chính là vì trách nhiệm trong công việc, và hơn cả là tình cảm đối với mỗi sinh linh mới chào đời. 

Cuối ngày, mọi người sum họp cùng gia đình, còn những người làm nghề nữ hộ sinh thì đêm hôm túc trực, luôn phải canh chừng vì không biết sản phụ sẽ sinh vào giờ nào, khi nào bé chào đời. Đó là công việc đặc biệt trong suốt 18 năm của chị Nguyễn Thị Tâm (Khoa Sản, Bệnh viện Vinmec, Hà Nội). Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã ước ao được làm trong ngành y, đến với nghề hộ sinh như một cái duyên.

Tắm bé ngày Tết - n
Chị Tâm (bế em bé đứng giữa) chụp ảnh cùng đồng nghiệp khoa Sản, Bệnh viện Vinmec, Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Chị kể, năm đầu tiên trực Tết là kỷ niệm khó quên nhất đối với chị. Bệnh viện có ca “đẻ rơi” trên taxi. Chị quá bất ngờ, khi mở cửa xe taxi ra thì đã nghe thấy tiếng em bé khóc oe oe, mẹ bé vừa đau vừa sợ, bố bé chân tay luống cuống, hoảng sợ. 

“Chú tài xế mặt méo xệch, dở khóc dở cười, nhưng mỗi người vẫn một tay xử trí nhanh gọn, cả mẹ và bé đều khoẻ mạnh, an toàn”, chị nhớ lại.

Tắm bé ngày Tết - n
Tết là khoảng thời gian mọi người dành trọn cho gia đình. Tuy nhiên đối với những người làm nghề chăm sóc trẻ sau sinh thì dường như không có ngày nghỉ Tết (Ảnh: NVCC).

Chị Nguyễn Thị Hải Nhung (Khoa Sản,  Bệnh viện 198 Hà Nội) bồi hồi nhớ về những kỷ niệm trong những ngày đầu làm việc “xuyên” Tết: “Dù không được cùng gia đình quây quần bên mâm cỗ, dành nhiều thời gian cho gia đình, đi thăm họ hàng và đi du xuân nhưng đến cơ quan cũng có niềm vui riêng”.

Ngày nào chị cũng được gặp đồng nghiệp cùng ca trực, tay bắt mặt mừng, mừng tuổi nhau, chúc nhau. Không khí khác hẳn những ngày bình thường, rồi hàn huyên kể kỷ niệm Tết mấy năm trước như thế nào, trực với ai, có gì đặc biệt khó quên.

“Vui nhất là trực đêm giao thừa, ban lãnh đạo bệnh viện tổ chức chúc Tết, thăm hỏi tại sảnh chính bệnh viện. Những mẹ bầu đi sinh cũng có nỗi lo lắng riêng như bệnh viện ngày Tết có đông không, các y bác sĩ có trực 24/7 không,... nhưng có vẻ không khí Tết cũng làm cho các mẹ phấn chấn hơn, vui vẻ át cái đau đi. Rồi thời khắc giao thừa đúng vào lúc mẹ bầu sinh em bé, cả phòng xúm lại xem là đón bé trai hay gái đầu năm, bé sinh thường hay sinh mổ, rất đáng nhớ”, chị vui vẻ kể lại.

Chỉ cần mẹ bầu cần là còn tiếp tục gắn bó với nghề 

Chị Nhung bộc bạch, công việc này không như những công việc khác cần sự đều đặn, có thể mấy hôm không tắm, nhưng phần rốn tránh nhiễm trùng là quan trọng nhất. 

“Bởi vậy Tết các hộ sinh không bỏ được là như thế, nghỉ ngày mùng một Tết có khi đến rốn các bé đã bị chảy nước rồi, mà nghỉ thêm vài ngày Tết thì người ta biết gọi ai, vì vậy gia đình sản phụ không thể thiếu mình được”, chị Nhung nói.

Công việc tắm bé tưởng đơn giản nhưng khó khăn về nghề nhiều vô kể, lúc trời nắng trời mưa vẫn phải di chuyển ngoài đường, một năm 365 ngày thì có đến 364 ngày đi làm và chỉ có một ngày nghỉ duy nhất là mùng một Tết.

Chị Nhung tâm sự: "Nhiều khi ốm cũng không nghỉ được bởi các mẹ đã ưng cô là không muốn thay, nếu ốm tôi cũng chỉ nghỉ cùng lắm là một ngày".

Tắm bé ngày Tết - những câu chuyện chưa kể 3

Khó khăn là vậy, nhưng vẫn có những gia đình không thông cảm. “Nhiều khách khó tính trong vấn đề chăm sóc rốn, tôi luôn đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho em bé, nhưng có những gia đình không tin tưởng nên không làm theo, đến khi em bé có vấn đề thì lại đổ lỗi tại mình", chị Nhung bộc bạch.

Chính vì vậy, đối với mỗi người làm công việc chăm sóc trẻ sau sinh, họ chỉ mong các gia đình hiểu và phối hợp trong việc chăm sóc con để em bé luôn sạch sẽ, mạnh khỏe.

Cả chị Tâm và chị Nhung đều cho rằng, bên cạnh những khó khăn thì đây là công việc mang lại nhiều niềm vui vì được tiếp xúc, chăm sóc những thiên thần vừa mới chào đời. Thêm nữa, hạnh phúc lớn nhất với họ chính là nhìn thấy các em bé khỏe mạnh, sạch sẽ. Đó chính là động lực giúp họ cảm thấy yêu công việc hơn, càng muốn gắn bó với nghề hơn.

Một mùa xuân mới lại về, thêm một năm các chị bận rộn với những thiên thần bé nhỏ, nhưng cảm xúc đón và chăm sóc em bé trong những ngày Tết chắc chắn sẽ là những ký ức khó quên đối với những người làm nghề chăm sóc sau sinh.

Chia sẻ thêm về những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh, chị Tâm cho biết, khi tắm việc đầu tiên là phải đảm bảo nhiệt độ phòng tắm từ 28-30 độ C, phòng kín gió nhưng phải thoáng, sạch sẽ, đồ dùng đầy đủ, khăn tắm mềm, dầy đủ ấm, thấm hút tốt. 

Nhiệt độ nước trong mùa lạnh khoảng 37-38 độ, chuẩn bị một chậu tắm, một chậu tráng, lượng nước phải đủ ngập vai bé, tránh ít nước quá bé dễ bị lạnh. Đặc biệt, thời gian tắm bé thường chỉ 3-4 phút, chú ý giữ nhiệt độ cơ thể của em bé, tránh để em bé bị hạ thân nhiệt nhất là vào mùa đông. Khi em bé tắm xong sẽ lau người và vệ sinh rốn. Bên cạnh đó, quần áo phải cho dưới đèn sưởi để ấm mới mặc cho bé.

Sau khi tắm có thể bôi kem dưỡng ẩm, tránh da khô nẻ mùa hanh khô, mặc quần áo ấm, thoáng, thoải mái cho bé và cho bé bú, giúp bé ấm bụng, tăng nhiệt độ cơ thể. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận