23:54 26/04/2023

Làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi lạm dụng tình dục trực tuyến?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam M.P

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nằm trong số các nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục trực tuyến nghiêm trọng nhất và tính cực đoan đã tăng gấp đôi trong hai năm qua.

Theo Sky News, năm 2022, Tổ chức Giám sát mạng internet (IWF) đã thực hiện việc xóa hoặc chặn 51.369 trang web chứa tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em Danh mục A. Danh mục A là loại hình ảnh nghiêm trọng nhất và bao gồm các loại lạm dụng tình dục tồi tệ nhất.

Lượng nội dung cực đoan đã tăng gấp đôi kể từ năm 2020 khi IWF phát hiện ra 20.050 trang lạm dụng Danh mục A. Vào năm 2022, tổng số đường link chứa nội dung lạm dụng nghiêm trọng này cao hơn số lượng mà tổ chức này từng ghi nhận trước đây.

Bản báo cáo cho thấy, trẻ em tham gia càng nhỏ thì mức độ lạm dụng càng cao. Trong số những hình ảnh được tìm thấy về trẻ em từ 2 tuổi trở xuống, 81% là lạm dụng loại A. Con số này so với 50% tài liệu liên quan đến trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, 20% từ 7 đến 10 tuổi và 17% từ 11 đến 13 tuổi.

a
Bà Susie Hargreaves, Giám đốc điều hành của Tổ chức Giám sát mạng internet (IWF) (Ảnh: Sky News).

Bà Susie Hargreaves, Giám đốc điều hành của IWF, nói với Sky News rằng, các nhà phân tích của họ đang chứng kiến ngày càng nhiều trẻ em bị lạm dụng và chúng ngày càng trẻ hóa.

"Sau 12 năm, tôi vẫn bị sốc khi biết mức độ lạm dụng tồi tệ nhất là ở trẻ sơ sinh đến 2 tuổi. Và đó là những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất, hoàn toàn không có cơ hội tự vệ, bị người lớn làm mồi nhử và lạm dụng", bà Hargreaves nói.

Cũng theo bà Hargreaves: "Mọi người cần phải nhận ra đây là điều rất nghiêm trọng".

Theo tỷ lệ, tài liệu Danh mục A hiện chiếm 20% tổng số nội dung mà IWF dhi nhận, tăng từ 18% vào năm 2021 và 17% vào năm 2020. IWF cho biết, nhiều trẻ em trong số này thậm chí không nhận ra mình đang bị quay phim. Số lượng nội dung tự tạo ngày càng tăng, cho thấy những đứa trẻ bị kẻ lạm dụng từ xa bị ép buộc thực hiện các hành vi.

lam-dung-tinh-duc
Ảnh minh hoạ.

Chia với báo Đại đoàn kết, TS. Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) nhận định, hầu hết các trường hợp trẻ em tiếp cận các trang web, hình ảnh, video về tình dục do lỗi đánh máy trong quá trình tìm kiếm và vô tình bị dẫn tới trang không định tìm, hoặc bị dụ dỗ bấm vào các đường link không an toàn.

Bên cạnh đó, những hình ảnh, từ ngữ gợi dục... ngày càng xuất hiện phổ biến trong các sản phẩm văn hóa hướng đến giới trẻ như video ca nhạc, phim… Các thông tin truyền thông về tình dục hầu hết mang tính tiêu cực, trong khi các thông điệp tình dục lành mạnh lại rất thiếu.

Theo bà Hoàng Thu Giang - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông, các ứng dụng, nền tảng, mạng xã hội đã có rất nhiều công cụ để có thể giúp người dùng kiểm soát những nội dung độc hại, mất an toàn khi sử dụng internet.

Theo đó người dùng có thể tìm đến các kênh như Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an các cấp, hoặc gọi hotline 113, mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp ứng phó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng về sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ hoàn hảo nhất.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn. Tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng; Hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận