16:36 18/09/2023

Nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Bình An

Vừa qua, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2025 phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho 1.400 người nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới ở các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Mục tiêu của Hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), công tác xã hội, bình đẳng giới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.

Tại Hội nghị, các học viên được cấp phát tài liệu, được nghe phổ biến, giải thích về chính sách của Nhà nước trong công tác Trợ giúp pháp lý đối với nhóm người nghèo, đối tượng chính sách và những người yếu thế có khó khăn về tài chính được thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí; các hình thức TGPL (tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng); phạm vi, lĩnh vực thực hiện TGPL; tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện TGPL; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phối hợp, giới thiệu, thông tin về TGPL; Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

11
Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới ở huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu).

Thông qua Hội nghị tập huấn, các đại biểu được trang bị kiến thức pháp luật hữu ích về TGPL, cơ chế, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp thông tin TGPL. Từ đó, tăng cường sự kết nối tại cộng đồng, nâng cao hiểu biết về TGPL cho người có uy tín trong cộng đồng, tạo cầu nối gần gũi, tin cậy giúp người dân tiếp cận dịch vụ TGPL nói riêng và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung, giúp người dân thụ hưởng quyền được TGPL đã được pháp luật ghi nhận, hạn chế đối đa việc người dân bị bỏ lỡ cơ hội được TGPL khi có nhu cầu.

Về trách nhiệm phối hợp, thông tin, giới thiệu về TGPL của phòng tư pháp, UBND cấp xã trong TGPL, ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2021 (Thông tư số 03/2021/TT-BTP). Theo đó, Thông tư số 03/2021/TT-BTP đã sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã.

2
1.400 người trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới.

Ngay khi Thông tư số 03/2021/TT-BTP có hiệu lực, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức triển khai và yêu cầu Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND cấp huyện quán triệt, triển khai cho cán bộ, công chức cấp xã tại Công văn số 669/STP-TGPL ngày 19/7/2021 của Giám đốc Sở Tư pháp về việc thông tin, giới thiệu về TGPL.

Từ thực tiễn cho thấy trách nhiệm thông tin, giải thích và giới thiệu về trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân của tổ chức, cá nhân là rất cần thiết, trong đó có Phòng Tư pháp, UBND xã.

Theo Điều 17a của Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì UBND cấp xã giới thiệu theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Như vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã phải giải thích quyền của người được TGPL theo quy định tại Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Sau khi giải thích nhận thấy người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thuộc diện người được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì có trách nhiệm giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước và việc giới thiệu được thực hiện theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BTP.

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được tiến hành sâu rộng trong ban ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân đã đáp ứng được nhu cầu TGPL của người nghèo, người có công, người dân tộc cư trú ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và đối tượng yếu thế khác trong xã hội, tuy nhiên, trên thực tế công tác này còn nhiều hạn chế.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận