Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho trẻ
Sự trở lại trường của các em học sinh khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội trở nên nhộn nhịp, sầm uất. Bên cạnh đó, một số hình ảnh mất an toàn giao thông (ATGT) liên quan đến trẻ em cũng xuất hiện.
Ùn tắc giao thông tại cổng trường
Từ đầu năm học mới 2022 – 2023, nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã ùn tắc trở lại vào giờ cao điểm. Cùng với sự hối hả của những người đi làm, các em học sinh cũng vội vàng di chuyển đến trường, khiến cho áp lực giao thông ngày càng tăng cao.
Anh Nguyễn Thành, ở phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, mỗi lần đưa đón con đi học anh đều phải đi rất sớm để tránh tắc đường và đảm bảo cho con đến trường đúng giờ, tuy nhiên vẫn có ngày ùn ứ ngay tại cổng trường.
Theo anh Thành, một phần nguyên nhân vì nhiều trường nằm trong các tuyến phố chật hẹp hoặc gần các điểm giao cắt nên tạo ra các điểm tắc cục bộ. Thêm nữa, nhiều em học sinh khi đến hoặc tan trường còn tụm năm tụm bảy đứng chờ bạn, đi xe dàn hàng ngang với nhau để nói chuyện.
“Các trường hầu như không có điểm đưa đón con nên mới xảy ra tình trạng ùn ứ trước cổng trường. Nhiều nơi còn thêm cả những người bán hàng rong đứng bán vào giờ đưa đón, lại càng tạo thêm áp lực giao thông”, anh Thành chia sẻ thêm.
Thực tế, việc ách tắc giao thông tại các trường tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đối với các học sinh, đặc biệt là khi phần lớn các trường không có điểm dừng đỗ để đưa đón học sinh.
Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của các em học sinh, sinh viên cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Bên cạnh những học sinh, sinh viên tuân thủ nghiêm túc Luật giao thông đường bộ thì cũng có không ít em vẫn cố tình vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang,...
Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh khi đưa đón con đến trường cũng không hề đội mũ cho con theo quy định. Thậm chí có những phụ huynh vì vội nên đã luồn lách, leo lên vỉa hè.
Chị Bích Liên, ở phường Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, có khá nhiều gia đình sợ con đi học vất vả nên mua xe máy cho các cháu sử dụng, nhưng lại không hề yêu cầu các con học thuộc luật giao thông cũng như không có biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng xe của con. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nhưng không có bằng lái, không nắm được luật giao thông.
Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Tuân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, theo quy định pháp luật, khi phát hiện trẻ em – là người dưới 16 tuổi (theo quy định của Luật trẻ em năm 2016) thực hiện các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông như điều khiển phương tiện xe gắn máy, xe điện, xe mô tô, xe máy, ô tô, ... tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi; lạng lách, đánh võng; không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông; v.v... thì lực lượng chức năng căn cứ vào độ tuổi của trẻ em để có biện pháp xử lý, cụ thể: Đối với trẻ em có độ tuổi dưới 14 tuổi thì không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà chỉ nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục tại chỗ; Đối với trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức xử phạt vi phạm cao nhất là phạt cảnh cáo, không áp dụng hình thức phạt.
Theo ông Tuân, do trẻ đang trong quá trình hình thành và phát triển cả thể chất và tinh thần nên hình thức xử lý hành vi vi phạm đối với các em phải vừa nghiêm khắc nhưng cũng vừa không gây tổn thương tâm lý. Chính vì thế mà những quy định này rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với trẻ em. Tuy nhiên việc này cũng khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý răn đe những bạn trẻ có hành vi ngỗ ngược, vi phạm luật giao thông.
“Tôi chỉ lấy ví dụ đối với trường hợp dưới 14 tuổi tự ý lấy xe máy của người nhà tham gia giao thông, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, ... thì khi bị lực lượng CSGT phát hiện cũng chỉ nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục và yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ của các em phối hợp nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục các em, chứ không có chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gia đình không quan tâm và chấn chỉnh ngay thì một số trẻ sẽ vẫn tiếp tục vi phạm”, ông Tuân chia sẻ thêm.
Ông Phạm Tuấn Anh, nguyên Giám đốc kinh doanh Công ty D&T Việt Nam (đơn vị nhập khẩu và phân phối xe máy điện Honda) chia sẻ, một số phụ huynh có tâm lý nuông chiều, “thương con”, sợ con đi xe đạp vất vả nên đã giao xe máy dung tích trên 50CC cho trẻ điều khiển trong khi trẻ mới ở bậc học THCS. Trẻ em ở lứa tuổi này chưa nhận thức đầy đủ, cộng thêm tâm lý dễ bị tác động, dễ thay đổi của tuổi mới lớn nên có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác khi tham gia lưu thông trên đường.
Theo ông Tuấn Anh, trước khi giao xe máy dung tích nhỏ dưới 50cc hay xe điện, xe đạp điện cho con thì phụ huynh cần giáo dục con về ý thức khi tham gia giao thông. Đặc biệt, cần yêu cầu các con phải đọc và biết các quy định cơ bản của Luật giao thông đường bộ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần có biện pháp giám sát việc sử dụng phương tiện của con có đúng với mục đích ban đầu của phụ huynh không, để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời nếu cần.
Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm, một điều cốt lõi nữa là trẻ em rất dễ nhận thức lệch lạc nên phụ huynh cần phải chấp hành nghiêm túc Luật giao thông đường bộ, để trẻ noi theo. "Có rất nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi nguyên nhân chính ở đây là sự quản lý, giáo dục trẻ về luật giao thông vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó là sự thiếu gương mẫu của những người làm cha, làm mẹ khi tham gia giao thông", ông Tuấn Anh nói.
Vì vậy, theo ông Tuấn Anh, cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ tại các trường học, xây dựng các tình huống cụ thể để học sinh hiểu và thấy được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất