08:41 15/11/2022

Nghĩ từ một vụ cãi nhau ở lớp con trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Hôm qua con tôi về nói trong lớp có vụ cãi nhau to tiếng rất "vô duyên". Câu chuyện của trẻ con ở cấp tiểu học làm tôi suy nghĩ khá nhiều về tâm lý trẻ và đám đông xung quanh trẻ.

Chuyện là sau khi thi xong giữa học kỳ, cô chủ nhiệm phải vắng mặt một chút để đi chấm thi, cô nhờ bạn lớp trưởng lên giảng bài cho cả lớp.

toi-noi
Hoạt động ngoài giờ làm trẻ thích thú - Ảnh minh họa: THẾ VINH

Bạn lớp trưởng đang ghi các đề mục lên bảng thì bỗng nghe tiếng cãi nhau dữ dội ở bàn các bạn nam, nữ cuối lớp. Lớp trưởng dừng lại và yêu cầu mọi người trật tự, cũng không quên ghi tên một bạn nam to tiếng, gây sự đầu tiên với một bạn nữ. 

Nhưng việc không dừng ở đó, bạn nam không chịu thua, phân trần là bạn ấy nói bạn nữ T.H. là "mập địt" chứ không phải nói bạn T.Q., mà bạn T.Q. tưởng nói mình nên quay lại phản ứng dữ dội. 

Sau một hồi, con tôi không kiềm chế được nên hét vào mặt bạn nam: "Bạn có im đi không. Sao tự nhiên đi gọi người ta như vậy? Bạn muốn lớp khác nhìn lớp mình mất trật tự hả?". 

Đến lúc này thì bạn nam mới gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Bạn không đứng lên theo yêu cầu của lớp trưởng mà quỳ tại bàn học của mình và khóc. 

Bạn nam bên cạnh thấy vậy mới nói đỡ lời: "Thôi các bạn, bạn ấy chỉ nói đùa thôi, đừng la bạn ấy nữa. Hôm qua mình xem TikTok thấy một anh lớp 11 tự tử vì bị chê cười thi điểm 0 đó!".

Câu chuyện của trẻ con ở cấp tiểu học làm tôi suy nghĩ khá nhiều về tâm lý trẻ và đám đông xung quanh trẻ. Đôi khi chỉ là chuyện ứng xử chưa đúng, thêm phản ứng của đám đông có thể dẫn đến những hệ lụy lớn hơn, cãi cọ, đánh nhau, tuyệt vọng, làm điều không nên. 

Khi một số trẻ cá tính mạnh mẽ muốn thể hiện bản thân trước đám đông, bung cái tôi trước người khác, làm cách nào để giúp trẻ thể hiện một cách tích cực và không dẫn sự việc đi quá xa? Thiết nghĩ cần lắm một sự trầm lắng hiểu đúng về nó từ nhiều phía: gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội liên quan trực tiếp đến các em. 

Tại các gia đình, có lẽ việc cần giao một vài việc nhà cho các em đảm nhận khi còn là tiểu học đến khi nào rời tổ ấm, để các em cảm nhận rõ hoàn cảnh sống của mình, tập dần những kỹ năng tự lập, tính ngăn nắp đến xây dựng những đức tính cần kiệm. 

Qua đó, cha mẹ có thể cùng con chắt lọc lại những giá trị gia đình trong thời đại mới, cùng thụ hưởng những giá trị do chính mình và các thành viên gia đình tạo nên như tôn trọng - bình đẳng - vị tha - giúp đỡ nhau. 

Những giá trị từ mạng xã hội cũng giúp cho việc các thành viên phải nắm bắt và cùng chia sẻ, vì hơn bao giờ lúc này mạng xã hội cũng góp phần truyền tải nhiều thông điệp, hiện tượng nổi trội để cùng tạo tiếng nói chung.

Và không thể thiếu những hoạt động ngoài trời dành cho cả gia đình vào những dịp được nghỉ ngơi, điều đó giúp mỗi thành viên háo hức chuẩn bị cho những điều mới mẻ, sáng tạo và thật thoải mái.

Và trường học hôm nay cũng sẽ phải thay đổi tư duy đến hành động, không nên còn những quan điểm giáo viên được quyền dùng lời lẽ, hành động bạo lực với học sinh, dù dưới bất cứ lý do gì. Ở đó cần tính xây dựng tập thể, nêu cao tinh thần tự mày mò trao đổi với nhau để tìm ra đáp án tốt nhất cho môn học. 

Người thầy dạy tốt là giúp học sinh qua những bài học, những điều rút ra, cách phản ứng tình huống, thay vì răn đe, chạy theo thành tích. 

Trường học nên tổ chức các giờ dạy kỹ năng sống cho thực chất, phổ biến kiến thức pháp luật về những điều các em có quyền được bảo vệ, chăm sóc, và cơ quan nào phụ trách điều đó, cũng như những điều các em không được làm vì phạm pháp, vi phạm nội quy nhà trường, hoặc vi  phạm những quy ước hành xử nơi mình sinh sống. 

Việc thường xuyên kể về những câu chuyện thật đời thường, hay tổ chức các buổi thuyết trình về những quyển sách, truyện trong nước và nước ngoài do chính các em thực hiện cũng sẽ giúp các em biết nhiều hơn về các khía cạnh cuộc sống.

Tăng cường hoạt động từ các đơn vị tổ chức xã hội liên quan đến học sinh, tham gia vào các sự kiện học đường thường xuyên, để giúp các em có sân chơi lành mạnh, đoàn kết và sáng tạo. Và hơn bao giờ hết là giám sát gắt gao, hành động quyết liệt để ngăn ngừa các vụ bạo lực học đường.

Theo Trương Thế Vinh/Tuổi trẻ

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận