'Con cô đơn quá, mẹ bỏ điện thoại xuống chơi với con'
Ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã chia sẻ về câu chuyện bà mẹ bật khóc vì đứa con gái 4 tuổi tâm sự rằng: “Con cô đơn vì không ai chơi với con”.
Sáng nay (3/11), hội thảo “Giới thiệu phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ và trao đổi về cơ hội hợp tác nhằm đạt được mục tiêu phát triển trẻ thơ toàn diện” thuộc dự án “Phát triển trí tuệ cho tương lai tươi sáng” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra ở Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã chia sẻ câu chuyện về một bé gái 4 tuổi phải thốt lên với mẹ rằng: “Con cô đơn quá”. Khi được hỏi tại sao con cô đơn, câu trả lời của bé gái 4 tuổi đã khiến người mẹ phải rơi lệ và nhận ra mình đã dành quá ít thời gian cho con: “Vì không ai chơi với con, bố thì đi làm chưa về, mẹ suốt ngày cầm điện thoại”.
Qua đó có thể thấy, giao tiếp là chìa khóa của thành công. Trong xu thế xã hội hiện đại, công nghệ 4.0 phát triển thì các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh chiếm rất nhiều thời gian của chúng ta".
"Khi đi làm về, ăn cơm, tắm giặt xong, người bận thì “ôm” máy tính, người không bận thì “ôm” điện thoại. Điều này tạo ra một cuộc sống chúng ta tưởng là rất văn minh, hiện đại nhưng ngầm trong đó đã dần dần giảm đi sự tương tác giúp đánh thức tiềm năng não bộ và giảm đi sự giao tiếp trong chính gia đình mình", ông Khoa nói thêm.
Hội thảo có sự hiện diện của các vị khách mời đến từ chương trình giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng tại Hà Nội cùng đại biểu khách mời đại diện tỉnh: Yên Bái, Điện Biên,...
Hội thảo đã giới thiệu về phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ, chia sẻ về tài liệu định hướng lồng ghép phương pháp vào các hoạt động thường quy của ngành giáo dục và y tế.
Bên cạnh đó, các vị đại biểu cũng đã chia sẻ về những thành tựu nổi bật khi thí điểm phương pháp này tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
“Đánh thức tiềm năng não bộ” là phương pháp tiếp cận được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) nghiên cứu với mục tiêu hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ từ 0-3 tuổi thông qua việc khuyến khích người chăm sóc trẻ, cán bộ y tế cơ sở và giáo viên mầm non thực hành các kỹ năng chăm sóc, đáp ứng và hỗ trợ phát triển cho trẻ.
Mục tiêu mà dự án hướng tới đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng của người chăm sóc trẻ để có thể thực hiện cách chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển cho trẻ từ 0-3 tuổi.
Thứ hai, nâng cao năng lực của nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ người chăm sóc trẻ tiếp nhận và duy trì thực hành chăm sóc, đáp ứng và hỗ trợ phát triển. Cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất