10:45 09/11/2022

Thà chạy xe ôm chứ nhất quyết không ở nhà bế cháu nội

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phương Nhung

“Con ai người ấy bế. Thời xưa các cụ vất vả kiếm miếng ăn, có đỡ đần đâu mà cô chú vẫn tự chăm con được. Chú có thể trông giúp lúc bố mẹ nó bận hoặc đi công tác, chứ bế ẵm hàng ngày thì không”, chú xe ôm công nghệ nói với tôi.

Một buổi trưa, tôi gọi xe ôm công nghệ chạy lòng vòng đi mua đồ. Mặc dù định vị tài xế đã gần tới nơi nhưng đứng chờ 10 phút mãi vẫn chưa thấy ai, tôi liền nhấc điện thoại gọi.

15 phút sau, chú tài xế đến trước cổng cơ quan tôi trong tình trạng hớt hải. Chú liên tục nói xin lỗi, vì chú mới chạy xe nên không thông thuộc đường. Nhìn chú ăn mặc khá chỉn chu, lịch sự.

Trên đường đi, tôi mở lời bắt chuyện với chú. Chú đáp thân tình, kể chuyện công việc, gia đình.

Chú nói, đã định từ chối cuốc xe của tôi vì muốn về nhà sớm nhưng nhìn điểm đến gần nhà nên nhận luôn. 

Chú có hai người con, một trai một gái, công việc đều đã ổn định. Con gái lớn làm kế toán. Con trai út làm bác sĩ. Các con phản đối kịch liệt không cho chú chạy xe ôm nhưng chú vẫn muốn thử.

Chạy xe ôm - bế cháu - sapo - treemvietnam
Thiết kế: Hoài Linh.

Tôi hỏi: “Các con công việc ổn định cả rồi. Sao chú không ở nhà nghỉ ngơi, phải đi chạy xe vất vả, tất bật ngoài đường mưa gió, không may đổ bệnh thì sao. Các con chú phản đối chắc cũng vì thương bố thôi ạ”.

Chú kể: “Thằng con út của chú còn sắp lấy vợ. Hôm vừa rồi, nó bảo, bố chạy xe thế này, nhà thông gia họ nhìn vào đánh giá thì sao. Nếu bố thích chạy xe cho đỡ buồn, nhà có ô tô, bố chạy ô tô công nghệ, chạy xe máy làm gì, mang tiếng các con không lo được cho bố.

Nhưng chú bảo nó: “Làm xe ôm thì đã sao. Nghề chân chính, có làm gì khuất tất đâu mà lo người ta đánh giá”. Mà chú chạy xe ôm thấy thoáng đãng, được chuyện trò với mọi người, ngắm phố phường, vui thì chú chạy, mệt thì chú tắt app (ứng dụng), cũng không ai ép mình chạy bao lâu.

Chú là kỹ sư điện máy mới nghỉ hưu 6 tháng nay. Cứ ở nhà chôn chân trong bốn bức tường, buồn lắm cháu ạ, mà lại yếu đi. Chẳng giấu gì cháu, chú mới chạy xe được có một tuần thôi”.

Nghe chú nói, tôi gật gù đồng ý. Xã hội hiện đại, con cháu ngập đầu với những deadline công việc, thời gian cho bố mẹ, ông bà không nhiều. Chuyện ông bà đi làm, tự tìm niềm vui cũng không còn là điều quá xa lạ.

Tôi lại hỏi chú: “Có khi giờ này sang năm, chú lại thôi chạy xe, ở nhà bế cháu rồi chú nhỉ. Có cháu bồng bế là chú vui ngay”.

“Không không, chú tuyên bố rồi: “Con ai người ấy bế. Thời xưa các cụ vất vả kiếm miếng ăn, có đỡ đần đâu mà cô chú vẫn tự chăm con được. Chú có thể trông giúp lúc bố mẹ nó bận hoặc đi công tác, chứ bế ẵm hàng ngày thì không. Hoặc chú cho mỗi tháng vài triệu đồng thêm vào mà thuê người giúp việc

Cháu ngoại trước cũng vậy, con gái chú tự xoay xở, không phiền đến ông bà. Mà chú cũng nói với vợ chú rồi, các con cưới xong, không ở chung, để tránh mẹ chồng nàng dâu xích mích”, chú thẳng thắn đáp.

Tôi giật mình trước cách suy nghĩ hiện đại, cấp tiến và có phần khác với số đông các bậc phụ huynh của chú.

Tôi nói: “Chú làm cháu suy nghĩ khá nhiều ạ. Vợ chồng cháu mới có một con mà đã "bơi" ra. Chúng cháu đi làm tối ngày, việc chăm con chủ yếu phải nhờ bà ngoại. Như thế có phải là chúng cháu đang thiếu tự lập không ạ”.

Chú khuyên tôi, nếu có thể hãy cố gắng thu xếp, phân bổ lại thời gian hợp lý hơn.

Chú cho rằng, một đứa trẻ, nên được chăm sóc, lớn lên bên cạnh cha mẹ nhiều hơn vì ông bà thường có tâm lý yêu chiều cháu. Tâm lý đó, lâu dần có thể khiến đứa trẻ trưởng thành một cách dựa dẫm, dễ có thói quen đòi hỏi.

Chú phân tích, việc có ông bà ở cùng, có giúp việc, hay tự thân vận động chỉ là cách mà mỗi gia đình tự lựa chọn và sắp xếp cuộc sống của mình. Nhưng việc cha mẹ trẻ tự chăm sóc con cái, phân bổ thời gian hợp lý, học cách tìm ra giải pháp chăm con nhỏ một cách thư thái nhất sẽ giúp vợ chồng tăng sự thấu hiểu, sẻ chia, có thêm những kỷ niệm, sự gắn kết trong gia đình. Ông bà, vợ chồng cũng ít va chạm, nảy sinh xung đột không đáng có.

Kết thúc cung đường, tôi chào chú và cảm ơn vì có một chặng đường bất ngờ, thú vị hơn dự định.

Những chia sẻ của chú xe ôm công nghệ buổi trưa hôm đó cứ làm tôi suy nghĩ mãi, cho đến tận bây giờ...

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận