15:31 16/10/2022

Những điều cần biết về bệnh uốn ván sơ sinh

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Trong những năm trở lại đây, số ca nhiễm bệnh uốn ván, xuất hiện những triệu chứng nặng như nhập viện trong tình trạng co giật, co cứng cơ toàn thân, nuốt sặc, đôi khi phải thở máy và theo dõi điều trị đặc biệt; thậm chí là tử vong đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta.

1. Bệnh uốn ván sơ sinh là gì?

Bệnh uốn ván sơ sinh (UVSS) là một bệnh nhiễm trùng nặng, xảy ra trong vòng 28 ngày sau sinh do độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Có hơn 1/5 trường hợp bị uốn ván không tìm thấy ngõ vào để vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

2. Đặc điểm các ca bệnh

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ca bệnh lâm sàng đối với bệnh UVSS: Trẻ đẻ ra bình thường trong 2 ngày đầu, bệnh xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau sinh: Cứng hàm làm cho trẻ không thể bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong.

untitled-uva10-084621-180320-96
Ảnh minh họa.

3. Nguồn truyền nhiễm

Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh uốn ván, kể cả UVSS, xảy ra tản phát đối với những người chưa được miễn dịch đầy đủ do ngẫu nhiên bị nhiễm nha bào uốn ván. Đây là bệnh nhiễm khuẩn không lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác.

4. Phương thức lây truyền

Trẻ sơ sinh bị bệnh UVSS là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván.

Bệnh UVSS thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà do “bà đỡ vườn” theo phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

5. Biện pháp dự phòng

- Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh uốn ván và UVSS, về sự nguy hiểm của các vết thương do đâm chọc và những vết thương kín và sự cần thiết phải tiêm chủng chủ động hoặc tiêm chủng thụ động sau khi bị thương, về sự cần thiết phải thực hiện đẻ sạch, vô khuẩn sản khoa.

- Gây miễn dịch bằng giải độc tố uốn ván (TT) để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và UVSS cho con vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được UVSS cho con.

- Gây miễn dịch rộng rãi cho mọi người bằng TT, nhất là cho các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván, kể cả những người sau khi khỏi bệnh uốn ván. Trẻ em dưới 7 tuổi thường được tiêm vắc xin phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT). Trẻ trên 7 tuổi có chống chỉ định tiêm vắc xin ho gà nên chỉ tiêm vắc xin phối hợp bạch hầu - uốn ván (DT) và tiêm TT cho người lớn kể cả phụ nữ có thai (PNCT).

6. Tiêm uốn ván khi nào?

Việc tiêm vắc xin phòng uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ em, trẻ vị thành niên, phụ nữ đang mang thai và người lớn/người lớn tuổi. Ngay khi trẻ được ra đời, cha mẹ sẽ được tư vấn lịch trình tiêm phòng chống các loại bệnh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam. Trong đó, lịch trình tiêm phòng uốn ván theo thứ tự như sau:

  • Lần 1: Tiêm mũi 1 ở giai đoạn 2 tháng tuổi.
  • Lần 2: Tiêm mũi 2 ở giai đoạn 3 tháng tuổi.
  • Lần 3: Giai đoạn 4 tháng tuổi, tiêm mũi 3.
  • Lần 4: Tiêm mũi 4 ít nhất sau 1 năm kể từ thời gian tiêm mũi 3, lúc này bé đã được 16 tháng tuổi nhưng thường khuyến cáo sẽ tiêm vắc xin kết hợp 6 trong 1 lúc 18 tháng tuổi để phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza týp b, viêm gan B.
  • Lần 5: nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 4-6 tuổi.
  • Trẻ lớn, người lớn, người già, phụ nữ trước khi mang thai hoặc mang thai từ 27 tuần đến dưới 35 tuần có thể tiêm vắc-xin 3 trong 1 phòng 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ liệu trình vắc xin phòng uốn ván đúng thời gian, đúng phác đồ để duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận