Những đứa trẻ mới học cấp 2 đã phải làm mẹ
Còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có nhiều bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn. Vì bị động, cùng với cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên họ đối diện với rất nhiều nguy cơ.
Có người đã chọn phá thai ở cơ sở chui khi thai đã lớn, để lại hậu quả đáng tiếc.
Theo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021, nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỉ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ. Cũng không ít những trường hợp trẻ làm mẹ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường và từ đó kéo theo nhiều nguy cơ.
Những bà mẹ "ăn chưa no, lo chưa tới"
Đang là học sinh lớp 9 tại một trường cấp II ở ngoại thành Hà Nội, H.T. mang thai và nghỉ học ngay sau đó. Cô giáo chủ nhiệm của T. chia sẻ: "Khi dịch COVID-19 trẻ phải học online ở nhà, chỉ một vài ngày lên lớp học trực tiếp. T. có học lực trung bình và tính cách khá trầm, ít nói. Tôi cũng khá bất ngờ khi gia đình thông tin trẻ nghỉ học vì mang thai và sẽ tổ chức đám cưới ngay sau đó.
Mặc dù cũng thuyết phục gia đình cho trẻ học tiếp để hoàn thành chương trình học cấp II, nhưng gia đình e ngại con sẽ gặp vấn đề tâm lý khi quay trở lại trường nên đã cho trẻ nghỉ học. Đây là trường hợp rất đáng tiếc".
Cũng đang là học sinh cuối cấp II, Q. mang thai khi bước vào kỳ học thứ hai của năm học. Thay vì nghỉ học, Q. cố gắng hoàn thành học kỳ để tốt nghiệp.
Q. chia sẻ bố mẹ ly thân từ lâu, em chủ yếu sống cùng ông bà ngoại. "Con không nhận được sự quan tâm nhiều từ bố mẹ, ông bà thì không hiểu con. Con và bạn trai quen nhau và đã mang thai ngoài ý muốn. Gia đình nhà bạn trai cũng đồng ý cưới và sẽ cho đi học tiếp. Giờ con chuẩn bị sinh em bé, dù chưa bị gì nhiều nhưng còn hơn việc bỏ em bé đi", Q. bộc bạch.
Có những trường hợp lựa chọn chấp nhận trở thành những bà mẹ trẻ, nhưng cũng không ít trường hợp lựa chọn phá thai. Theo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021, tỉ lệ phá thai cao nhất ở nhóm phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỉ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.
Lựa chọn làm mẹ hay phá thai ở trẻ vị thành niên đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý lâu dài của trẻ. Thậm chí, ở độ tuổi lớn hơn, nhưng sau sinh con ngoài ý muốn bạn trẻ cũng dễ rơi vào "hố sâu" trầm cảm, tìm đến con đường tự tử để giải thoát.
Điển hình trường hợp cô gái trẻ 21 tuổi rạch bụng tự sát vì trầm cảm sau sinh đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. May mắn cô gái trẻ được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu. Trước đó, khi đang học đại học năm 3, cô phải tạm dừng vì mang bầu, sinh con. Suốt thời gian mang bầu, cô gái này luôn trong trạng thái căng thẳng, tiêu cực vì mang bầu khi chưa kết thúc việc học.
Sau khi sinh con, cô gái suy nghĩ tiêu cực, bi quan, thấy khó chịu khi nghe tiếng con khóc dẫn đến ý định kết thúc cuộc đời mình. Theo các chuyên gia tâm lý, việc mang thai quá sớm ở độ tuổi dưới 18 tuổi cũng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Những hệ lụy
Theo bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản trung ương, Hà Nội), mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ khi cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện, em bé trong bụng có thể đối diện với nhiều nguy cơ hơn so với người phụ nữ trưởng thành mang thai như đẻ non, sẩy thai, thai bất thường, nhẹ cân…
Do mang thai ngoài ý muốn nên trẻ không có sự chuẩn bị trước, phải đấu tranh tâm lý việc có nên thông báo cho cha mẹ, bạn trai biết hay không, trong khi tâm lý, thể chất ở độ tuổi này chưa vững vàng, trẻ dễ trầm cảm, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực…
Bác sĩ Thành nói phần lớn trẻ vị thành niên phát hiện mang thai khi thai đã to. Việc phát hiện muộn có thể do kinh nguyệt không đều và chưa hiểu về kiến thức sinh sản.
Hoặc bản thân trẻ biết mình đã mang thai nhưng còn chần chừ, không dám tiết lộ với cha mẹ, bạn trai, từ khi phát hiện chậm kinh đến lúc mua que thử thai và đi khám thì thai nhi đã lớn. Thực tế có nhiều trẻ mang bầu ở tháng 4-5 thì phụ huynh mới phát hiện.
Cũng vì mang thai ngoài ý muốn nên trẻ rất xấu hổ và có xu hướng lựa chọn những cơ sở chui để chấm dứt thai kỳ, trong khi dụng cụ, việc vệ sinh, vô khuẩn… ở đây thường không được đảm bảo. Ngay tại thời điểm nạo phá thai ở cơ sở chui không an toàn, trẻ có thể đối mặt nguy cơ chảy máu nhiều, dẫn đến mất máu, nhiễm trùng, viêm nhiễm, sốc nhiễm trùng….
Không những thế, khi nạo phá thai đã to, có thể dẫn đến tai biến lâu dài về sức khỏe sinh sản ở trẻ như tổn thương buồng trứng, tắc vòi trứng… Những đứa trẻ này muốn mang thai trong tương lai thì sẽ rất khó khăn, thậm chí không còn cơ hội.
"Tuần thai càng to thì tai biến càng nặng. Thai bị nạo phá nhiều lần thì tai biến càng nhiều. Có những trẻ không chỉ nạo phá thai một lần mà còn nhiều lần do chưa thành công", bác sĩ Thành chia sẻ.
Trước thực tế nhiều trẻ mang thai ngoài ý muốn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bác sĩ Thành cho rằng nếu chẳng may rơi vào tình huống mang thai ngoài ý muốn, trẻ cần chuẩn bị cách thông báo với cha mẹ, bạn trai, gia đình. Phụ huynh cũng chuẩn bị tinh thần này, ở bên cạnh trẻ, gánh vác thay trẻ vì trẻ đang còn đi học.
Nếu trẻ và gia đình muốn dừng thai kỳ thì trẻ cần phát hiện tuổi thai sớm (1 tháng) và thông báo cho cha mẹ, người yêu. Khi đình chỉ, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở uy tín. Còn nếu trẻ trì hoãn việc thông báo này, để tuổi thai qua tuần thứ 12 thì không thể chấm dứt được thai kỳ vì luật quy định không được phá thai trên 12 tuần. Trong trường hợp phá thai lớn ở cơ sở chui sẽ đối mặt nhiều nguy cơ nêu trên.
Trong trường hợp muốn giữ thai, trẻ phải đối diện với nhiều khó khăn, do đó cần sự hỗ trợ từ gia đình rất nhiều. Nếu trẻ vẫn muốn sinh con nhưng không đủ điều kiện để nuôi thì có thể gửi/cho con tại các hiệp hội, nhà tình thương.
"Không thể coi con đường phá thai là tránh thai. Chúng ta cần cung cấp những biện pháp tránh thai tuyệt đối an toàn, hướng dẫn dùng đúng các biện pháp này cho trẻ. Thế nhưng thực tế các trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành viên đã xảy ra nhiều, nên phụ huynh cần sẵn sàng lập những kịch bản đối mặt với việc này, hỗ trợ con chứ không mắng chửi, đánh con vì chuyện đã xảy ra rồi", BS Thành đúc kết.
Sao ngày càng nhiều bà mẹ trẻ còn đi học?
Là diễn giả, chuyên gia tâm lý học đường tại nhiều trường học trên mọi miền đất nước, TS Huỳnh Anh Bình cho hay ông từng nghe và gặp nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên nữ mang thai ngoài ý muốn. Ông cho rằng thực trạng này đã có từ rất lâu, ngày càng phổ biến và số trường hợp trẻ vị thành viên mang thai tăng theo thời gian.
TS Bình chia sẻ câu chuyện thực tế khi ông vào một trường đại học với vai trò là diễn giả, gặp một nam sinh đi mua vật dụng, đồ đạc cho bạn gái (cũng là sinh viên) vừa mới sinh em bé. "Tôi thấy thời điểm này, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân càng ngày càng phổ biến, giới trẻ coi đó là chuyện bình thường khi yêu nhau", TS Bình nói.
"Hiện nhiều người lớn có suy nghĩ rằng có con trước hôn nhân là bình thường. Từ việc thoáng trong suy nghĩ thì người trẻ có những hành động yêu đương quá giới hạn, sống thử, sống chung. Chưa kể người trẻ hiện nay dùng mạng xã hội rất nhiều, trong khi đây là con dao hai lưỡi, thông tin chính thống và không chính thống luôn tồn tại", TS Bình nói.
"Tất cả những hành động bạn làm thì bạn phải chịu trách nhiệm. Nếu các bạn sai thì sẽ để lại "vết sẹo". Nhưng "vết sẹo" mang thai ngoài ý muốn thì không chỉ là của bạn mà ảnh hưởng đến đứa trẻ được sinh ra khi bố mẹ chưa sẵn sàng", TS Bình nhấn mạnh.
Theo Tuổi trẻ
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất