Những người Mẹ 'quên' ngày 20/10 vì con!
Mỗi cơn đau, mỗi đợt điều trị của con luôn có các mẹ ở bên, thì dù có đớn đau thế nào thì tất cả rồi cũng sẽ vượt qua.
Ngày 20/10, nhiều người Mẹ đón nhận món quà ý nghĩa từ người thân, nhiều lời chúc. Có những người Mẹ quên rằng hôm nay là 20/10.
Nụ cười, sức khỏe của con là món quà vô giá!
Đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, lên tầng 6 (Khoa U máu trẻ em), vừa ra khỏi thang máy, đập vào mắt tôi là hình ảnh người mẹ khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu liên tục cưng nựng đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt trên tay.
Đứa bé khóc nhiều, chốc chốc chị lại đứng lên đi rong dỗ dành. Khi con thiếp vào giấc ngủ chị mới khẽ khàng ngồi xuống ghế, gương mặt nhìn rõ sự mệt mỏi.
Qua trò chuyện, được biết hôm qua con truyền hóa chất, đau đớn quấy khóc cả đêm, chị đã thức trắng đêm ôm ấp dỗ dành con.
Chị tên Phượng nhà ở Nông Cống, Thanh Hóa. Con gái của chị vừa tròn 2 tuổi thì phát hiện u máu.
Chị Phượng nghẹn ngào kể lại, hồi tháng 7, cháu bị sốt, tiêu chảy đưa đến bệnh viện tại địa phương thăm khám, xét nghiệm máu thấy chỉ số của con có sự bất thường, nghi ngờ con bị u máu nên bác sĩ cho chuyển ra BV Nhi Trung ương, tại BV Viện Nhi sau khi có kết quả, các bác sĩ chuyển sang Viện Huyết học- Truyền máu.
Tại đây, bác sĩ nói cần phải chọc tủy mới xác định chính xác. Biết rằng phần trăm cơ hội rất mong manh, nhưng chị vẫn hy vọng thế nhưng phép màu không đến. Chị chết lặng, trái tim người mẹ trẻ như bị bóp nghẹt khi bác sĩ thông báo con bị u máu.
Các câu hỏi cứ luôn xoay vần trong đầu, chị đớn đau, dằn vặt đến xác xơ tiều tuỵ...Nhưng rồi chị cũng gạt nỗi đau mạnh mẽ đứng lên cùng con chiến đấu với bệnh tật.
Chồng chị Phượng đi làm xa ở Điện Biên, ông bà nội làm ăn trong Nam, ông bà ngoại phải ở nhà trông đứa con đầu của chị nên từ khi phát hiện bệnh đến giờ chỉ mình chị trông con vô cùng vất vả.
Chưa đêm nào được giấc ngủ trọn vẹn. Đêm con chỉ ngủ được 1, 2 tiếng là dậy. Mình chị hết đứng lại ngồi, rong con khắp hành lang để dỗ dành. Phòng có 8 giường bệnh mà 16 bệnh nhân, do vậy chị hầu như không được nghỉ ngơi.
Nhiều mẹ có con cùng khoa, thấy chị Phượng lủi thủi chăm con một mình, thương quá muốn đỡ bé, nhưng cháu lạ hơi người không theo. "Con khó ở, đặt xuống là tỉnh giấc nên gần như phải ôm con cả ngày, tuy vậy dù mệt mỏi nhưng miễn sao con ngủ được tròn giấc là chị cũng yên lòng".
Bữa ăn của chị bắt đầu khi cơm đã lạnh ngắt. Tiền để dành mua đồ ngon, bổ cho con, hôm thì chị ăn suất ăn thừa của con, hôm xin cơm từ thiện. Hiếm lắm mới dám mua cho mình một suất cơm đủ đầy. 3 đợt con nhập viện điều trị, đợt dài là 1 tháng. Ngắn là 15-20 ngày, chưa hôm nào chị được một bữa cơm nóng.
Tuy nhiên, dù có bao nhiêu khó khăn đi nữa nhưng chỉ cần một nụ cười của con, một tin khởi sắc về bệnh tình của con từ bác sĩ là bao nỗi vất vả, mệt nhọc tan biến.
Powered by GliaStudioTại Khoa U máu, chị Phượng không phải là trường hợp ngoại lệ, khoa này có rất nhiều người mẹ như vậy. Chăm con nhỏ đã rất vất vả, huống gì con còn ốm đau bệnh tật, sự vất vả càng nhân thêm gấp bội.
Kể về bệnh tình của con, chị Thủy (Nghệ An) mắt rơm rớm. Giọng xứ Nghệ nằng nặng xen lẫn tiếng nấc . Hơn tháng nay từ khi phát hiện bệnh và điều trị tại đây, chị luôn ở bên chăm sóc con, đây cũng gần như là quãng thời gian chị mất ngủ liên tục, phần vì thương con phần vì dằn vặt, hối hận vì không đưa con đi khám sớm.
Hai lần chọc tủy, 2 lần tiêm tủy, những lần truyền hóa chất dù đau đớn vô cùng nhưng đứa con gái nhỏ vẫn cố chịu đựng, không một tiếng kêu la, rên khóc, thấy con kiên cường vậy chị càng thấy đau lòng hơn.
Những hôm thức đêm canh thuốc truyền hóa chất, thấy con đau trở mình liên tục tim chị như thắt lại.
Với mỗi người mẹ, chỉ cần đứa con thân yêu có một vết xước nhỏ trên tay, một cái hắt hơi sổ mũi đã đứng ngồi không yên, huống gì khi tận mắt phải chứng kiến những cơn đau hành hạ con mà không thể làm gì khác ngoài những lời động viên. Còn nỗi đau đớn nào hơn.
Thời gian đầu, cũng như các mẹ khác, chị Thủy vô cùng hoang mang khi biết về bệnh tình của con, ai hỏi cũng chỉ biết khóc, không nói gì. Đến khi vào viện thấy nhiều hoàn cảnh như mình, thậm chí còn éo le hơn mình chị cũng thấy đỡ buồn, đỡ suy nghĩ hơn, nhận thấy mình phải kiên cường hơn để cùng con chống chọi với bệnh tật.
Từ đó chị suy nghĩ tích cực hơn, chủ động nói chuyện, kết nối với mọi người. Con chị lớn hơn việc chăm nom đỡ vất vả hơn, nên những người mẹ có con nhỏ chị chủ động bế ẵm giúp để các mẹ có thể nghỉ ngơi chốc lát.
Vào đây mọi người coi nhau như gia đình, động viên nhau cùng cố gắng, có đồ ăn ngon gì cũng chia sẻ cho nhau, bận công việc gì có thể nhờ nhau trông con giúp hoặc thiếu thốn gì nhờ người nhà của bệnh nhân khác mua… Hoàn cảnh giống nhau nên tất cả đều thấu hiểu, cảm thông với nhau.
Mẹ có những lúc yếu lòng khi các con khóc vì lấy ven khó, khi con đau vì tiêm truyền nhiều, khi các con ăn nhưng cứ liên tục nôn trớ….
Nhưng chỉ cần có một tin vui từ kết quả điều trị của con là tất cả lại rộn ràng khởi sắc. Bao giọt nước mắt đã rơi vì con nhưng rồi cũng vượt qua hết. Mỗi cơn đau, mỗi đợt điều trị luôn có các mẹ ở bên, thì dù có đớn đau thế nào thì tất cả rồi cũng vượt qua.
20/10, nụ cười của con giúp Mẹ thêm sức mạnh!
Theo Sức khỏe và Đời sống
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất