10:19 06/12/2024

Siêu thị "Mlem Mlem" bán đồ ăn vặt hàng Trung Quốc, vì sao không có nhãn phụ tiếng Việt?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Kiều Minh

Một siêu thị bán sản phẩm nhãn mác Trung Quốc trên phố Đội Cấn (Hà Nội) thu hút rất nhiều trẻ em, nhưng hầu hết đều không có tem, nhãn phụ tiếng Việt.

Đồ ăn vặt chằng chịt chữ tiếng Trung, nhiều phụ huynh lo lắng

Tại một siêu thị đồ ăn vặt có tên "Mlem Mlem" ghi địa chỉ số 50-54 trên phố Đội Cấn (Hà Nội) không khó để bắt gặp khung cảnh các em nhỏ xếp hàng dài thanh toán, trong giỏ hàng là các sản phẩm ăn vặt với bao bì, màu sắc chằng chịt chữ Trung Quốc.

IMG_2030 2
hàng trung quốc
Các sản phẩm có bao bì đẹp mắt, hấp dẫn trẻ em nhưng không có nhãn, mác phụ tiếng Việt (Ảnh: Kiều Minh).

Các kệ hàng trong siêu thị này đầy ắp đủ loại đồ ăn vặt với ngoại hình độc đáo, từ bánh quy, kẹo dẻo, đến nước uống, chân gà,.... Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều không có tem hay nhãn phụ tiếng Việt như quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".

Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này".

Như vậy, theo quy định này, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.

IMG_2165 2-min
IMG_2148-min
Siêu thị rất rộng với đa dạng quầy hàng, bày bán các thức quà ăn vặt chằng chịt chữ tiếng Trung (Ảnh: Kiều Minh).

Trước thông tin siêu thị bán sản phẩm hàng Trung Quốc nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại khi không hiểu rõ các thông tin trên bao bì các sản phẩm này và khi hỏi nhân viên tại siêu thị thì đều nhận được câu trả lời "không biết".

Anh Hoàng Nam (40 tuổi, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ chỉ đi mua vì chiều con: "Tôi không biết các sản phẩm tại siêu thị bán hàng Trung Quốc này có an toàn không, vì trên bao bì không có tiếng Việt. Nếu có vấn đề gì xảy ra với sức khỏe của con, tôi sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm”.

Chị Mai Hương (quận Hà Đông) cho biết: "Con tôi nhất quyết đòi đến siêu thị sau khi thấy bạn bè khoe mua bánh kẹo lạ mắt. Nhưng khi đến nơi, tôi không đồng ý cho con mua vì thấy sản phẩm chỉ có chữ Trung Quốc, không có nhãn tiếng Việt. Không hiểu sao mọi người vẫn xếp hàng rất đông và dũng cảm thử các sản phẩm như vậy”.

Chị Lan Anh (32 tuổi, quận Cầu Giấy) cũng băn khoăn: "Con tôi rất thích đồ ăn ở đây vì nhìn rất bắt mắt, nhưng tôi không thể biết chúng có chứa chất bảo quản hay chất gây dị ứng nào không. Không có tem phụ bằng tiếng Việt, chúng tôi hoàn toàn không thể kiểm chứng chất lượng sản phẩm".

Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bảo vệ sức khỏe trẻ em

Việc các sản phẩm không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng vẫn được bày bán công khai tại siêu thị này đang khiến cho rất nhiều phụ huynh lo lắng, không biết được thành phần trong các mặt hàng gồm những chất gì, liều lượng bao nhiêu? Nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, người tiêu dùng – đặc biệt là trẻ em, có nguy cơ cao tiêu thụ những sản phẩm không đảm bảo an toàn, phù hợp với sức khỏe với từng nhóm đối tượng trẻ em khác nhau.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ huynh cần cảnh giác và ưu tiên chọn mua các sản phẩm có thông tin rõ ràng, đầy đủ. Đồng thời, cần hướng dẫn trẻ em nhận thức về an toàn thực phẩm, tránh chạy theo trào lưu thiếu kiểm soát.

IMG_2052-min
hàng trung quốc không nhãn mác
Khách hàng của siêu thị chủ yếu là trẻ em và giới trẻ. Nhiều phụ huynh đưa con tới nhưng không mua hàng vì lo lắng cho sức khỏe của các con. (Ảnh: Kiều Minh).

Trước sức hút từ trào lưu này, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi chọn mua thực phẩm cho con, em mình.

“Thỉnh thoảng tôi vẫn chiều con, nhưng sẽ hạn chế và chỉ mua những món quen thuộc mà mình hiểu rõ thành phần”, chị Thanh Hương (quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Mặc dù các sản phẩm ăn vặt từ siêu thị này đang thu hút đông đảo giới trẻ, nhưng việc thiếu tem, nhãn phụ tiếng Việt khiến các mặt hàng này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chính vì vậy, các cơ sở kinh doanh cần cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, giúp người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm cho trẻ em. Đồng thời, phía các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề này, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của trẻ em.

Quy định xử phạt với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm

Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP.

Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, mức tiền xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều này (mức phạt áp dụng đối với tổ chức; cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa). Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận