09:03 28/03/2023

Thảo luận kế hoạch lồng ghép khuyến nghị của Uỷ ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

Diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc 2022 đã chia sẻ về khuyến nghị của Ủy ban, trong đó có những khuyến nghị trọng tâm.

Xây dựng kế hoạch thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) đã tổ chức diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc (Ủy ban QTELHQ) 2022. 

Chương trình có sự hiện diện của: Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN), ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, ông Lương Thế Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội BVQTEVN, ông Võ Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN cùng các khách mời, đại biểu thuộc mạng lưới của Hội BVQTEVN trên khắp các tỉnh thành tham gia dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn gồm 3 phiên. Phiên 1: Giới thiệu khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc và định hướng lồng ghép khuyến nghị của Ủy ban trong xây dựng kế hoạch. Phiên 2: Trao đổi, thảo luận về kế hoạch lồng ghép khuyến nghị của Ủy ban trong xây dựng kế hoạch, chương trình cấp quốc gia của các tổ chức. Phiên 3: Tọa đàm về việc lồng ghép khuyến nghị của Ủy ban trong xây dựng kế hoạch, chương trình cấp địa phương của các tổ chức. 

Mở đầu, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội BVQTEVN phát biểu: “Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vui mừng được chủ trì diễn đàn hợp tác với các tổ chức cấp quốc gia và địa phương, thảo luận để lắng nghe kiến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em, nghiên cứu chức năng nhiệm vụ cũng như thực tế ở địa phương, lĩnh vực hoạt động để xây dựng kế hoạch thực hiện các kiến nghị".

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội BVQTEVN phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Hà Chi).

"Được biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đã trực tiếp tham gia phiên bảo vệ công ước lần thứ 5+6. Cục trưởng Đặng Hoa Nam sẽ trình bày nội dung xung quanh vấn đề bảo vệ công ước và các kiến nghị.

Đây là vấn đề quan trọng, Cục trưởng Đặng Hoa Nam là người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực, tham gia bảo vệ và trực tiếp chuẩn bị báo cáo với Chính phủ nên chắc chắn sẽ hiểu sâu sắc các kiến nghị đặt ra", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết.

Tiếp đó, Cục trưởng Đặng Hoa Nam đã trình bày tham luận về khuyến nghị của Ủy ban QTELHQ 5+6 và định hướng kế hoạch của Việt Nam trong thời gian tới.

"Các báo cáo của Chính phủ phát triển quyền trẻ em, những nội dung, khuyến nghị gửi cho Ủy ban QTELHQ cần được truyền thông rộng rãi tới tất cả các tầng lớp trong xã hội, bao gồm cả trẻ em. Tiến trình của Chính phủ và các tổ chức để thực hiện khuyến nghị cũng cần được truyền thông và quảng bá rộng rãi", ông Hoa Nam nhận định.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Ảnh: Hà Chi).

Nội dung của khuyến nghị đã được dịch ra tiếng Việt với hỗ trợ của UNICEF. Ông Nam cho biết, khuyến nghị có 5 phần chính, điểm lại tiến trình thực hiện báo cáo định kì của các quốc gia thành viên, những khuyến nghị của Ủy ban QTELHQ đối với Việt Nam trong báo cáo sau khi chúng ta thực hiện báo cáo định kì lần 5+6, nhấn mạnh một số vấn đề mới trong khuyến nghị, đề cập tới khuyến nghị liên quan các tổ chức xã hội và kế hoạch thực hiện các khuyến nghị này của Ủy ban QTELHQ. 

Công ước LHQ quyền trẻ em quy định các quốc gia thành viên 5 năm báo cáo 1 lần. Do công việc quá tải nên kỳ báo cáo được gộp lại là 5 năm lần 5 và 5 năm lần 6 (5+6).

Về phía Việt Nam đã thực hiện kỳ báo cáo 2 năm, sau đó là 5 năm lần 1, 5 năm lần 2 và bắt đầu lần 3, 4, tiếp đó thực hiện báo cáo gộp lần 5+6. Bên cạnh đó Việt Nam đã tham gia phê chuẩn 2 nghị định thư bổ sung: Một về việc phòng chống mại dâm, khiêu dâm trẻ em, hai là về sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang. 

diễn đàn
Các đại biểu, khách mời tham gia diễn đàn (Ảnh: Hoài Linh).

Cục Trẻ em sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi

Ủy ban QTELHQ đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng, bao gồm:

Thứ nhất, không phân biệt đối xử, VD: Không phân biệt đối xử với trẻ em nghiện ma tuý, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vi phạm pháp luật,...

Thứ hai, vấn đề bạo lực với trẻ em.

Thứ ba, trẻ em bị tước đoạt môi trường giáo dục gia đình.

"Về vấn đề này, chúng tôi đã giải thích tại buổi đối thoại và thông qua email. Có người cho rằng, hình thức trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi hay một số trung tâm bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập là chăm sóc, giáo dục trẻ em tập trung. Đặc biệt với nhóm trẻ em dân tộc thiểu số đề nghị ta phải có lộ trình đưa các em trở về với gia đình bởi vì họ coi đó là một dạng tước đoạt môi trường gia đình, tước đoạt giáo dục gia đình", ông Nam nêu rõ. 

Hiện tại, Cục Trẻ em dự kiến sẽ có một cuộc làm việc chuyên đề với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này, vì trên thực tế, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã được đầu tư trong rất nhiều năm. Các mô hình bán trú dân nuôi cũng đặt ra vấn đề phải sử dụng nguyên tắc là lợi ích tốt nhất cho trẻ em. 

IMG_9868
Các đại biểu, khách mời tham dự diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc 2022 chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Hà Chi).

Xử lý bài toán giữa môi trường giáo dục gia đình và chất lượng giáo dục thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, phía LHQ tiếp cận dưới góc nhìn trẻ em được chăm sóc bởi môi trường gia đình, được sống với cha mẹ, tuy nhiên chúng ta lại tiếp cận ở một góc độ khác đó là chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc.

Việt Nam đã thực hiện rất nhiều mô hình như lớp cắm bản, dạy nhiều trình độ, đưa lớp học đến gần trẻ em. Như vậy ta đã chứng minh được đưa lớp học đến gần trẻ em có những thuận lợi nhưng chất lượng giáo dục không khả quan, môi trường giao tiếp của trẻ không đảm bảo, các em tạm thời xa môi trường gia đình để có môi trường giao tiếp với bạn bè khi có những giáo viên chất lượng tại các ngôi trường nội trú. 

"Xử lý bài toán giữa môi trường giáo dục gia đình, được sống với cha mẹ với chất lượng giáo dục thế nào trong bối cảnh hiện nay? Tôi cho rằng, cũng có những giải pháp, ví dụ như công nghệ thông tin. Như trong đại dịch Covid-19, công nghệ thông tin giai đoạn đầu được đón nhận nhưng giai đoạn sau ta lại thấy có vấn đề, không chỉ là vấn đề xâm hại trên mạng mà còn nhiều vấn đề khác liên quan tới sức khỏe tâm thần của trẻ. Đây là câu chuyện khó để chúng ta xử lý. Ta phải có chiến lược rõ ràng trong kế hoạch sắp tới của Chính phủ", Cục trưởng Cục trẻ em nhận định.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề đã đặt ra, theo cá nhân ông Đặng Hoa Nam, bài toán nên nói về lợi ích tốt nhất cho trẻ em và chúng ta phải xử lý theo lứa tuổi, độ tuổi nào các em sống cùng gia đình, độ tuổi nào các em lựa chọn chất lượng giáo dục để có một môi trường giáo dục, phát triển tốt nhất. 

Khuyến nghị trọng tâm và khẩn cấp thứ tư được nhấn mạnh là giáo dục công bằng, hòa nhập, thân thiện và chất lượng. Đối với Việt Nam vấn đề này đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các chiến lược giáo dục đổi mới toàn diện. Vấn đề có lộ trình và chúng ta có thể làm được.

Vấn đề khuyến nghị thứ năm là bóc lột về kinh tế, bao gồm cả lao động trẻ em. Hiện nay Chính phủ đang có những động thái, chiến lược, mô hình giải pháp can thiệp khá tốt. 

Cuối cùng là tư pháp với trẻ em, vấn đề này hiện nay đang diễn ra theo hướng tích cực. Tòa án nhân dân tối cao đã đứng ra chủ trì một dự án luật để tư pháp với trẻ vị thành niên, phát triển hệ thống thí điểm về các mô hình luật pháp với trẻ em. 

Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam cũng chia sẻ thêm về một số nội dung của khuyến nghị như Công ước liên quan đến tình trạng không quốc tịch và về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch, Công ước Bảo vệ tất cả những người tránh bị ảnh hưởng cưỡng bức mất tích, Nâng độ tuổi của trẻ em là người dưới 18 tuổi theo CRC (định nghĩa trẻ em),...

Lồng ghép khuyến nghị của Ủy ban trong xây dựng kế hoạch, chương trình 

Tại phiên toạ đàm thứ hai, bà Cao Thị Thanh Thủy, đại diện Hội BVQTEVN chia sẻ về dự kiến kế hoạch của Hội thực hiện một số khuyến nghị từ Ủy ban QTELHQ qua vận động chính sách và giám sát thực hiện quyền trẻ em thông qua triển khai một số khuyến nghị của Ủy ban CRC về lợi ích tốt nhất của trẻ, đánh giá tác động quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ em.

IMG_9831
Bà Cao Thị Thanh Thủy, đại diện Hội BVQTEVN chia sẻ về dự kiến kế hoạch của Hội thực hiện một số khuyến nghị từ Ủy ban QTELHQ (Ảnh: Hà Chi).

Bà Thanh Thủy đã nêu rõ bối cảnh, căn cứ, mục tiêu và đặc biệt các hoạt động dự kiến mà Hội BVQTEVN thực hiện từ 2023 đến 2027 như: Rà soát thực tế tại Việt Nam về lợi ích tốt nhất của trẻ, các hướng dẫn đánh giá tác động xã hội liên quan (các bộ công cụ/ hướng dẫn hiện có…), Rà soát các hướng dẫn liên quan của LHQ, UNICEF, EU, các nước (bình luận 14 của Ủy ban CRC năm 2023,...) thông các hình thức tổ chức hoạt động.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, bà Hương, đại diện Hội BVQTE Đà Nẵng cho biết: “Hội BVQTE tại Đà Nẵng tên đầy đủ là Hội Từ thiện và BVQTE. Ngoài bảo vệ quyền trẻ em, Hội còn làm thêm mảng vận động từ thiện, tuy nhiên vẫn gắn liền với hoạt động bảo vệ quyền trẻ em như các hoạt động hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà hay là những chương trình hỗ trợ gia đình đều gắn tới trẻ em.

Hội phối hợp với nhiều cơ quan Nhà nước cũng như các tổ chức chính trị xã hội. Riêng trong năm 2023, có nhiều hoạt động kí kết và thực hiện trong năm nay, lộ trình tới 2025 như xây dựng cộng đồng thân thiện với trẻ em tại 2 quận mỗi quận từ 2-3 phường để thí điểm và thêm một số hoạt động khác".

Sau khi nghe một số phát biểu, Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh việc thực hiện vận động chính sách. Bà cho rằng, khi chính sách quốc gia đã có, về phía địa phương, cần vận động phân bổ nguồn lực phù hợp để thực hiện.

Bà tuyên dương cách làm của Hội BVQTE TPHCM, đó là vận động, phối hợp với Ban Văn hóa Xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố và nhiều chuyên gia bảo vệ trẻ em. Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa nêu rõ, cần có kế hoạch và chọn một giải pháp để đề xuất xây dựng thành chương trình, đề án, dự án phối hợp thực hiện hiệu quả.

IMG_9848
Bà Tây Ninh - Đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em (Ảnh: Hà Chi).

Để khuyến nghị trở nên thân thiện với trẻ em

Bà Tây Ninh - Đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em cho rằng, việc truyền tải những thông điệp, khuyến nghị của Liên hợp quốc về quyền trẻ em rất quan trọng, giúp các bên hiểu rõ cần làm gì để có thể thực hiện tốt quyền trẻ em ở Việt Nam.

Tuy nhiên, điều bà Tây Ninh muốn đưa ra trao đổi, đó là làm thế nào để bản khuyến nghị được chia sẻ nhiều hơn nữa, trở nên thân thiện, đặc biệt với trẻ em.

Đưa ra ví dụ, Hội BVQTEVN đã có cuốn sách ảnh thân thiện hóa công ước của LHQ về quyền trẻ em là “Quyền trẻ em quyền của chúng mình”, bà kỳ vọng, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay các tổ chức khác có thể cùng nhau làm một văn bản thân thiện với trẻ em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận