09:49 02/10/2022

Tiềm ẩn nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Trong thời đại công nghệ số, trẻ em được tiếp cận với internet ngay từ nhỏ, đồng nghĩa với nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng luôn hiển hiện. Thay vì cấm đoán trẻ sử dụng internet, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ sử dụng internet càng sớm càng tốt.

tiem a
Trẻ em đang đối mặt với những nguy cơ bị những tác động xấu, bị bắt nạt, bị xâm hại trên môi trường mạng. Ảnh: baodautu.vn

Mối nguy từ mạng xã hội

Một ngày nọ, chị Nguyễn Thị N., phụ huynh có con đang học một trường trung học phổ thông ở Huế tá hỏa khi vào facebook con, thấy con nhận được tin nhắn từ một tài khoản facebook lạ. Khi mở, đập vào mắt chị là những ngôn từ tục tĩu, gạ gẫm khiến chị sốc và bối rối. Mặc dù con chị không nhắn lại hay tương tác, thậm chí đã chặn tài khoản này, song em vẫn tiếp tục bị quấy rối thêm vài lần nữa bởi những tài khoản “ảo” khác.

Không chỉ những nữ sinh đang học THPT, những em nữ nhỏ tuổi hơn cũng có khả năng trở thành đối tượng bị quấy rối, có nguy cơ tiếp nhận những thông tin độc hại. P.M.A, học sinh lớp 7 một trường THCS ở TP. Huế có sở thích tạo clip và đăng lên tiktok. Dịp nghỉ hè, em dành khá nhiều thời gian lên mạng internet để xem và theo dõi những tài khoản mình ưa thích. Quá trình tham gia mạng xã hội, P.M.A đã vô tình phải xem những clip, hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi học trò.

“Em thấy có những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của chúng em, cụ thể là xuất hiện những quảng cáo với nhiều người ăn mặc hở hang, nói những ngôn từ thô tục không phù hợp, làm ảnh hưởng đến tư duy và suy nghĩ của chúng em”, P.M.A bày tỏ.

Qua những trường hợp trên, có thể thấy, nguy cơ trẻ em bị xâm hại, quấy rối trên mạng xã hội luôn hiển hiện. Tính đến tháng 2/2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng internet (chiếm 70,3% dân số). Do dịch bệnh COVID-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh, thiếu niên sử dụng internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Đồng hành bảo vệ trẻ em

Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, chưa bao giờ xâm hại trẻ em dễ dàng như thế nhờ có sự hỗ trợ của môi trường mạng. “Qua thống kê của các viện nghiên cứu cho thấy, chỉ hơn 10% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng; gần 9% cha mẹ có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng. Trong những năm qua, cuộc sống của trẻ em hiện nay bó hẹp trong gia đình và màn hình máy tính, ti vi. Điều đó làm gây nên những hệ lụy không tốt nếu các em tiếp xúc với những nguồn thông xin xấu. Vì vậy, thay vì cấm đoán trẻ sử dụng internet, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ sử dụng internet càng sớm càng tốt”, bà Hòa chia sẻ.

Theo thông tin từ đường dây nóng của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5 đến tháng 8/2021 mỗi tháng tiếp nhận khoảng 600 cuộc gọi liên quan đến xâm hại và bạo lực trẻ em, tăng gần 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm. Vào năm 2020, số cuộc gọi liên quan đến nội dung này cũng chiếm hơn 47%, và tăng hơn 7% so với năm 2019. Phần lớn các trường hợp là xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Những số liệu cho thấy, vấn đề bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã có nhiều hoạt động để giúp trẻ em có thể tự bảo vệ mình cả ở ngoài đời thực và trên môi trường mạng. “Trong 6 tháng đầu năm nay, hội đã tổ chức 6 cuộc truyền thông "phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em"; 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ quyền trẻ em, luật trẻ em cho cán bộ hội cơ sở; 1 cuộc thi hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em" cho 12 đội thi đến từ các trung tâm, cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, trong những lần trao tặng học bổng “Cùng em đến trường” cho trẻ em gái tại các huyện trên địa bàn tỉnh, các em và phụ huynh đều được phổ biến về những hình thức phòng, chống xâm hại trẻ em”, anh Nguyễn Đình Chiến, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh thông tin.

Các hoạt động bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em ngoài đời thực đã được triển khai nhiều. Tuy nhiên, trên môi trường mạng vẫn còn nhiều hạn chế. Để triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần sự chung tay của cộng đồng. Mỗi cá nhân, đơn vị phải đóng góp vào việc nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ con em mình khi tham gia môi trường mạng. Trên tất cả, gia đình, nhà trường và người chăm sóc trẻ... phải là những “bức tường lửa” để giúp các em đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng. Bởi nhu cầu tìm hiểu, khám phá của con trẻ trên môi trường mạng là tất yếu và chính các em cũng mong muốn được tham gia môi trường mạng internet lành mạnh và an toàn.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận