Vì một mùa trung thu an toàn cho trẻ
Nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng,… gây ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng, trong đó có trẻ em đã liên tiếp bị bắt giữ.
Phát hiện nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển bánh trung thu không rõ nguồn gốc
Sáng ngày 30/8 vừa qua, tại đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện anh Nguyễn Hồng Minh (SN 1990), ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên vận chuyển và đang chờ giao 5 thùng hàng cho khách.
Qua kiểm tra, trong các thùng hàng có 600 bánh trung thu có bao bì tiếng nước ngoài. Anh Minh cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hoá trên.
Chiều ngày 25/8, tại tổ 13 phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình), tổ công tác tuần tra kiểm soát của Công an thành phố Tam Điệp đã phát hiện và thu giữ 14 thùng các tông bên trong có 2000 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm bánh trung thu trên đều có nhãn mác nước ngoài.
Lái xe Trịnh Xuân Hùng (SN 1978), ở thông Hạo Nam, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, khai được thuê vận chuyển lô hàng trên từ thành phố Lào Cai về tỉnh Thanh Hoá tiêu thụ.
Tại Hà Nội, sáng ngày 16/8, Công an quận Cầu Giấy đã phối hợp với cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hành chính một người đàn ông đang tập kết hàng hóa có biểu hiện nghi vấn ở khu vực ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Qua kiểm tra đã phát hiện 50 hộp bên trong chứa 4.000 chiếc bánh trung thu. Trên vỏ hộp và vỏ bánh đều in chữ Trung Quốc.
Chủ số hàng trên là Trần Xuân Hoàn (sinh năm 1977 ở Bắc Ninh) khai nhận, số bánh trung thu trên mua lại của một người bạn chuyên đầu mối hàng hóa ở Lào Cai với giá gần 10 triệu đồng, mang về Hà Nội tiêu thụ.
Ngày 15/8, lực lượng quản lý thị trường và Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra đối với 2 điểm bán hàng bánh trung thu thời vụ tại khu công nghiệp Châu Sơn, phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 2.711 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên. Sau khi xử phạt hành chính, lực lượng chức năng đã buộc các chủ cơ sở tự tiêu huỷ số bánh không rõ nguồn gốc trên.
Cũng trong ngày 15/8, tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải (tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức, TP. Hà Nội).
Thời điểm đó, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton.
Đáng nói là theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh được bán có 2.500 đồng/chiếc. Tổng trị giá lô hàng hóa trên là 27 triệu đồng.
Nhìn chung, thị trường bánh trung thu năm nay khá sôi động nhưng nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và kịp thời của cơ quan chức năng thì có thể bị một số gian thương lợi dụng trà trộn hàng hoá không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Phát hiện và xử lý nghiêm
Ngày 24/8/2022, Bộ Y tế cũng có công văn số784/TTrB-P1 gửi Giám đốc Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác chống gian lận, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết trung thu năm 2002. Thanh tra Bộ y tế - Thường trực BCĐ 389 Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phụ vụ tết Trung thu. Trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như bánh trung thu, mứt kẹo các loại, nước giải khát; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ; việc quảng cáo, bán hàng online trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Đồng thời tăng cường giám sát chủ động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, xác định sản phẩm không đảm bảo an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, triệt để theo đúng quy định.
Công văn cũng đề nghị triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới theo các chương trình, kế hoạch của ban chỉ đạo địa phương.
Bên cạnh đó cũng cần thường xuyên cập nhật danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện đại chúng, trang thông tin điện tử của Sở y tế, của đơn vị để mọi người dân biết.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Vũ Văn Tuân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, chia sẻ: Khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm bánh trung thu, chúng ta cần xem sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng không, gồm tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
Sản phẩm cũng phải được ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Tại các điểm bán hàng, chúng ta cũng cần xem các địa điểm kinh doanh đó có đáp ứng yêu cầu về kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy, tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng theo quy định mà nhà sản xuất đã ghi trên nhãn mác sản phẩm.
Theo luật sư Tuân, khi lựa chọn sản phẩm chúng ta không nên lựa chọn các sản phẩm bị dập nát biến dạng, bao bì rách nát, màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng hoặc có mùi khác lạ. Một điểm quan trọng là khi mua, chúng ta cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, về nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm.
“Các sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng, trong đó có trẻ em, do đó khi phát hiện các cơ sở sản xuất, điểm bán hàng có các sản phẩm như vậy, người dân nên nhanh chóng thông tin tới cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra và ngăn chặn việc tiêu thụ. Điều này sẽ giúp cho thị trường bánh trung thu được an toàn hơn”, luật Tuân chia sẻ thêm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất