10:39 18/08/2022

Vụ bé trai bị giấu trong tủ đông: Cần đồng bộ các giải pháp bảo vệ trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Tuấn

Các tổ chức, đoàn thể phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm bảo vệ sự an toàn cho trẻ, đẩy lùi nạn xâm hại, bạo hành trẻ.

Liên quan đến vụ cháu bé bị siết cổ, giấu trong tủ đông xảy ra tại Lý Nhân, Hà Nam, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đánh giá: Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, thể hiện sự suy đồi về đạo đức, lối sống cũng như cách hành xử giữa con người với con người của một bộ phận người dân, trong đó có giới trẻ hiện nay.

Trong sự việc này, chúng ta có thể thấy đối tượng nhận thức pháp luật yếu kém và thiếu kỹ năng xử lý tình huống, dẫn đến liên tiếp thực hiện các hành vi sai trái, vi phạm quy định của pháp luật.

Minh chứng là đối tượng Nguyễn Trường Giang mới chỉ 25 tuổi, chưa có tiền án, tiền sử và lai lịch không có gì “bất hảo” tại địa phương nhưng cách hành xử lại khá tàn độc và dã man, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Trong khi nguyên nhân dẫn đến sự việc lại hết sức đơn giản, không có va chạm mâu thuẫn giữa đối tượng và gia đình cháu bé.

Theo ông Bốn, cháu bé tuy được phát hiện và cứu sống kịp thời, nhưng những tác động từ sự việc kia là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ em, gây khủng hoảng tinh thần trong một thời gian cho trẻ em và gia đình.

Do đó, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng gia đình cần phải có biện pháp hỗ trợ, trợ giúp cháu về mặt tâm lý xã hội để cháu sớm ổn định. Thời gian này, cháu cần sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ bố mẹ và người thân.

Đứng ở khía cạnh pháp lý, ông Hà Đình Bốn cho biết, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương của chính quyền, các cơ quan tố tụng hình sự huyện Lý Nhân và Hà Nam đã xử lý vụ việc đúng pháp luật.

“Tôi tin rằng vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử, kẻ phạm tội sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc. Đồng thời Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẵn sàng cử luật sư (là thành viên của Hội) để tham gia miễn phí để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cháu bé và gia đình nếu như có đề nghị của gia đình”, ông Bốn nói.

a (2)
Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Trước những diễn biến phức tạp về bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian qua, có nhiều vụ đã tước đi mạng sống của các em, hoặc để lại di chứng, ám ảnh suốt đời cho các em, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ông Hà Đình Bốn, cho rằng, các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em cần phải có giải pháp quyết liệt và đồng bộ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phải kịp thời phát hiện và nhanh chóng xử lý nghiêm minh đối với các hành vi bạo hành trẻ em.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho mọi người, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, xử lý tình huống xảy ra.

Mặt khác đề cao vai trò, trách  nhiệm của gia đình, cha mẹ phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ trẻ em, đề cao cảnh giác trước mọi hành vi xâm hại đến trẻ em.

Cha mẹ, gia đình không được chủ quan, thờ ơ, sao nhãng trong việc chăm sóc trẻ em, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, thì không kịp hối hận.  

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hành chính đến hệ thống luật pháp. Hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện vật chất, tâm lý xã hội cho trẻ em những nơi khó khăn. Công tác bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị, cả xã hội và gia đình.

avb
Bà Ninh Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Đồng quan điểm, bà Ninh Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng, chúng ta không thực hiện tràn lan mà phải truyền thông cho từng nhóm đối tượng. Có nhóm đối tượng có thể truyền thông đại chúng trên truyền hình, báo chí, mạng Internet, nhưng có nhóm đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí kèm, họ ít theo dõi các chương trình trên hệ thống thông tin đại chúng thì phải dùng hình thức truyền thông qua loa phát thanh, tờ rơi, tờ gấp.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể chần chừ, cả nể mà phải cùng nhau chung tay để thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ sự an toàn cho trẻ, đẩy lùi nạn xâm hại, bạo hành trẻ như thời gian qua.

“Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ truyền thông, giám sát đến tính bao bọc của cộng đồng, nhằm đẩy lùi nạn xâm hại, bạo hành trẻ như thời gian qua”, bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận