6 học sinh một trường tử vong trong vụ cháy chung cư: Những lớp học vắng chỗ
Trong số 7 học sinh Trường THCS Khương Đình sinh sống tại chung cư mini ngõ 26 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), có 6 em đã không qua khỏi, 1 em được cứu sống nhưng mất đi bố mẹ và em trai.
Khác với mọi ngày, giờ học hôm nay ở Trường THCS Khương Đình nhiều chỗ ngồi đã bỏ trống. Có 7 học sinh của trường sinh sống tại chung cư mini bị cháy ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Trong đó, 6 em học sinh đã qua đời (3 học sinh lớp 6, 2 học sinh lớp 7 và 1 học sinh lớp 9), 1 em học sinh lớp 8 may mắn được cứu sống.
Đau xót trường hợp học sinh lớp 9, cả gia đình em gồm 7 thành viên (ông, bà, bố, mẹ cùng 2 em trai) tử vong trong vụ cháy. Học sinh lớp 8 may mắn được cứu sống tuy nhiên bố mẹ và em trai của em ra đi mãi mãi.
Trường THCS Khương Đình đã động viên, thăm hỏi, cùng gia đình lo hậu sự cho các học sinh. Nhà trường cũng hỗ trợ lần đầu mỗi gia đình học sinh thương vong 5 triệu đồng và sẽ tiếp tục thăm hỏi, hỗ trợ trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ, cho biết trường có 1 học sinh lớp 3A1 mất cùng bố mẹ. Học sinh này là em trai của nữ sinh lớp 8 của Trường THCS Khương Đình may mắn được cứu sống.
“Sau sự việc, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chia nhau để luôn túc trực cùng gia đình học sinh. Đến nay, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh toàn trường đã quyên góp để hỗ trợ gia đình học sinh với số tiền hơn 147 triệu đồng. Số tiền này đã được gửi đến bà nội cũng học sinh. Nhà trường vẫn tiếp tục tiếp nhận sự hỗ trợ cho em", bà Liên nói.
Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, 1 giáo viên và 29 học sinh là nạn nhân của vụ cháy đêm 12/9 tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Trong đó có 16 trẻ em tử vong. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, đây là sự mất mát lớn đối với ngành Giáo dục Thủ đô.
Trước đó, chiều 13/9, lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân và ban giám hiệu một số trường đã trực tiếp thăm hỏi, động viên và chia sẻ với các gia đình học sinh, giáo viên liên quan.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân và trường học tiếp tục rà soát các trường hợp là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có liên quan đến vụ cháy này.
Với trường hợp học sinh đã mất, Sở GD-ĐT Hà Nội đã giao Công đoàn ngành và chỉ đạo Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, các đơn vị thăm hỏi, lo hậu sự cùng gia đình. Với những học sinh đang điều trị tại bệnh viện và cô giáo bị thương, Sở và các đơn vị thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời.
Sáng 14/9, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng, đoàn của Bộ GD-ĐT do ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên làm trưởng đoàn cũng đã tới thăm, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên bị thương, đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Hỗ trợ tâm lý cho học sinh vụ cháy chung cư mini
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, sang chấn tâm lý ở trẻ em phát sinh ngay sau khi nạn nhân trải qua các sự cố, thảm họa, ví dụ trực tiếp chứng kiến người thân qua đời hay nhìn thấy hình ảnh người thân bị mất trong tai nạn.
Sau tai nạn hoặc thảm họa, những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị sang chấn tâm lý là dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu; rối loạn giấc ngủ; cảm thấy tội lỗi, tự trách; tránh né mọi chi tiết gợi lại sự kiện; thu mình lại; buồn bã, cô độc, bất lực…
Tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian ngắn khoảng một tuần đến một tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn, thậm chí kéo dài cả đời tùy từng mức độ. Vì vậy, theo PGS Trần Thành Nam, cần đánh giá nguy cơ trong vòng 2 tuần sau thảm họa hoặc tai nạn xảy ra, khi nạn nhân đã được sơ cứu tâm lý và bình tâm để có khả năng tiếp cận.
Trong trường hợp trẻ có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần, cần chỉ dẫn bệnh nhân đến các dịch vụ trợ giúp phù hợp. Đối với những trường hợp nặng, có nguy cơ tự sát, cần ngay lập tức chuyển đến các cơ sở chuyên khoa để hỗ trợ cường độ cao.
“Vấn đề là sau thảm họa, các nạn nhân đều trải qua những mất mát khác nhau về kinh tế, người thân nên rất ít muốn tiếp xúc với người lạ. Vì vậy trước khi đánh giá, họ cần được sơ cứu tâm lý, hỏi thăm về tình hình chung của gia đình, ảnh hưởng của thảm họa với gia đình và đối tượng, thể hiện sự đồng cảm và chia sẻ với những tổn thất.
Việc đánh giá cũng phải được tiến hành trong những môi trường mang tính riêng tư, không bị gây phiền nhiễu bởi những tác động bên ngoài”, PGS Trần Thành Nam nói. Theo ông Nam, việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn, thảm họa cần phải làm thận trọng.
Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội cũng cho hay trước mắt sẽ phối hợp với Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân thăm hỏi các nạn nhân; sau đó bố trí giáo viên tâm lý hỗ trợ, tư vấn cho các em. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã chỉ đạo các trường phân công giáo viên hỗ trợ, kèm cặp với những trường hợp học sinh bị thương nhẹ, có thể bị ảnh hưởng tâm lý và giúp các em bổ sung kiến thức để trở lại trường.
Theo Vietnamnet
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất