Bạo lực học đường: Đừng để con trẻ trở nên đơn độc
Sự việc nữ sinh lớp 10 tại Nghệ An nghi đã tự tử do bạo lực học đường đã gây rúng động dư luận. Dù đây không phải vấn đề mới, nhưng dường như nó lại là “giọt nước tràn ly” sau khi cộng đồng phải chứng kiến không ít sự việc tương tự trong quá khứ.
Mới đây, thông tin nữ sinh N.T.Y.N lớp 10A15, trường THPT Chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường khiến dư luận bàng hoàng. Dù nghi vấn nữ sinh bị cô lập, là nạn nhân của bạo lực học đường chưa được làm rõ nhưng thực tế từ trước đến nay, vấn nạn này luôn là vấn đề khiến ngành giáo dục ám ảnh.
Đáng nói, thời gian gần đây liên tiếp các vụ bạo lực học đường đã xảy ra trên khắp cả nước. Nhiều vụ việc xảy ra gây hậu quả nặng nền khiến nạn nhân chấn thương nặng nề về tâm lý, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Trước đó, ngày 4/4, tại trường THCS Lý Tự Trọng (TP Huế), trong khi lời qua tiếng lại trong giờ ra chơi, một nam sinh đã bị bạn cùng lớp xô ngã đầu đập vào bàn học dẫn đến tử vong sau đó.
Chiều 2/4, một nữ sinh lớp 8 trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội bị nhóm học sinh của một trường cao đẳng đánh hội đồng đến mức phải nhập viện điều trị.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trên toàn quốc. 1.600-1.800 vụ bạo lực học đường xảy ra mỗi năm. Tuy nhiên, con số này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" do nhiều vụ việc không bị tố giác. Thời học sinh với nhiều em không còn là thời đẹp nhất.
Phân tích nguyên nhân với báo Người lao động, tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TPHCM, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, cho biết, hiện rất ít người quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần.
"Nhà trường và phụ huynh chỉ quan tâm kết quả học tập, nhắc nhở về điểm số…, không quan tâm vấn đề tâm lý. Điều này làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trẻ. Bệnh trầm cảm đã ở mức báo động đỏ", bà Thúy nhấn mạnh.
Nhìn thẳng vào thực trạng, bà Thúy cho rằng, đa số trường công lập, sức ép cho thầy và trò khá lớn, số giáo viên quan tâm đến đời sống tâm lý của học sinh cũng rất ít, học sinh trở nên cô đơn, lạc lõng trong trường học. Trong khi đó, do còn nhỏ, các em dễ bị stress, đôi khi chỉ là yêu đương không thành, với người trưởng thành là chuyện nhỏ nhưng với trẻ là chuyện lớn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam chia sẻ với báo Nhân dân, để nhận diện con mình có bị rơi vào bạo lực học đường hay không, cha mẹ cần phải lưu ý rất nhiều dấu hiệu như áo quần, sách vở, đồ dùng của trẻ chơi đùa.
Có những trẻ bày tỏ sự sợ hãi khi phải đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà, hay tham gia sinh hoạt có tổ chức với bạn bè. Trẻ có thể không còn hứng thú làm bài hay học sút hẳn, lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc, hay trầm cảm khi từ trường về.
Về mặt sức khỏe, trẻ có thể thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do; khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; ăn không ngon; lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin.
Khi phát hiện ra những triệu chứng này, cha mẹ cần phải bảo đảm con mình được để mắt tới và bảo đảm an toàn cho con. Nên lắng nghe và chia sẻ, hỏi rõ điều gì đã xảy ra với con và xảy ra khi nào, ở đâu, có bao nhiêu người là nạn nhân giống con.
Cha mẹ cần phải tỉnh táo, dự báo những nguy cơ có thể tiếp diễn, những hành vi leo thang có thể xảy ra. Đồng thời, cần nhanh chóng liên lạc thông tin với cô chủ nhiệm và nhà trường để cùng phối hợp giám sát.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất