07:44 14/10/2022

Bảo vệ trẻ em: Cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Ngày 10/10 vừa qua, trong buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ban Chấp hành Hội LHPN P.Cô Giang, Q.1 - đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề trẻ em.

Ngày 10/10 vừa qua, trong buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ban Chấp hành Hội LHPN P.Cô Giang, Q.1 - đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề trẻ em. Bà nói: “Trẻ bị xâm hại về thể chất lẫn tinh thần, bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động và bị bạo lực từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Và ngay cả môi trường học đường, trẻ cũng vẫn bị bạo lực”. 

bao-ve-tre-em-can-duoc-_351665696000
Bà Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo bà Thu Hà, là do hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em chưa cao, vì không có cán bộ chuyên trách. Cán bộ làm công tác trẻ em hiện chưa được đào tạo về chuyên môn, không có chế độ đãi ngộ, nên họ chưa toàn tâm, toàn ý. Ngoài ra, họ còn phải kiêm nhiệm quá nhiều việc như bình đẳng giới, dân số gia đình, xóa đói giảm nghèo. Công việc nhiều mà thu nhập thấp đã làm hạn chế tâm huyết của cán bộ.Ngoài ra, trong các trường học, việc bố trí nhân viên tư vấn tâm lý học đường và chế độ đãi ngộ cũng còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ còn gặp nhiều khó khăn đối với một bộ phận những người nhập cư, lao động nghèo, và càng khó khăn hơn ở các chung cư cao cấp. 

Đứng trước những khó khăn vừa nêu, bà Hà đề nghị cần có hệ thống liên ngành bảo vệ trẻ em, từ cấp thành phố, quận huyện cho đến phường xã, đồng thời ngành lao động, thương binh và xã hội phải tiếp tục là đầu mối hướng dẫn tập huấn chuyên môn về công tác bảo vệ trẻ em, nhất là triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. “Cán bộ phải được đào tạo nghiệp vụ và được bổ sung chức danh hoặc có cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong việc bố trí cũng như đãi ngộ đối với lực lượng làm công tác liên quan đến trẻ em” - bà Thu Hà kiến nghị. 

Về công tác truyền thông, bà đề nghị tiếp tục phát huy mô hình “Tòa án giả định” xử lý các hành vi liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em đã làm tốt trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình, cần tăng cường phát sóng các chương trình liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - kiến nghị, Hội Phụ nữ các cấp cần tăng cường phối hợp với các trường học để phát huy vai trò của nhà trường trong phòng, chống bạo lực.

Theo bà, nhà trường cần xây dựng môi trường học tập an toàn, nơi trẻ thoải mái bày tỏ ý kiến, nguyện vọng mà không bị phê bình, chỉ trích; đồng thời, đó cũng là nơi có thể phát hiện sớm và can thiệp những hành vi kỳ thị và bạo hành, hỗ trợ phục hồi khi có trường hợp bị bạo lực xảy ra.

“Muốn có được môi trường như thế, nhà trường cần áp dụng phương pháp “kỷ luật tích cực” thay cho “kỷ luật trừng phạt” và cần xây dựng cho mình “chính sách bảo vệ trẻ em” với những quy định rõ ràng và bố trí nhân sự có chuyên môn thực hiện các dịch vụ công tác xã hội học đường và tâm lý học đường” - bà Ngọc Nữ nói. 

Theo Báo Phụ nữ TP.HCM​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận