14:52 03/06/2024

Bảo vệ trẻ sơ sinh an toàn trong mùa nắng nóng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Vũ Hương Giang (Theo Parents)

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, vì vậy điều quan trọng là phải giữ cho cơ thể của trẻ mát mẻ và giảm tác động có hại từ ánh nắng mặt trời.

images

Mức nhiệt nào là quá nóng với trẻ sơ sinh?

Khi nhiệt độ vượt quá 27 độ C, cơ thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tự làm mát, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo cha mẹ nên tránh đưa trẻ ra ngoài trong thời gian dài nếu nhiệt độ ngoài trời cao hơn 32 độ C. Bác sĩ Jan Montague - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Good Samaritan (New York, Mỹ) cũng nhấn mạnh rằng các bậc phụ huynh nên tránh để trẻ tiếp xúc với nhiệt độ cao càng nhiều càng tốt.

Bà Montague nhận định: “Trẻ sơ sinh không thể đổ mồ hôi để tự làm mát cơ thể, vì vậy chúng có thể dễ dàng bị sốc nhiệt hơn nhiều so với những đứa trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành”. Thêm vào đó, trẻ sơ sinh có thể bị mất nước nhanh hơn và nhiệt độ cao cũng làm tăng nguy cơ bị ban nóng, rôm sảy.

Cơ thể nóng quá mức cũng có thể gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) - hiện tượng trẻ sơ sinh tử vong đột ngột thường xảy ra trong lúc ngủ. Bác sĩ nhi khoa Bruce Epstein (bang Florida, Mỹ) giải thích: “Khi thân nhiệt tăng cao, trẻ sơ sinh có xu hướng ngủ rất sâu và khó tỉnh giấc hơn, điều này có thể tăng nguy cơ gây đột tử”.

Cha mẹ cần chú ý bảo vệ sức khoẻ cho trẻ sơ sinh trong những ngày hè bằng cách làm mát cơ thể và tránh để trẻ bị nóng. Ảnh minh hoạ: Getty Images.

Mẹo giữ an toàn cho trẻ sơ sinh trong thời tiết nóng nực

Để đảm bảo cơ thể của trẻ luôn mát mẻ và được bảo vệ trong những ngày hè nóng bức, cha mẹ có thể tham khảo một số lời khuyên đến từ các chuyên gia dưới đây.

Lựa chọn quần áo phù hợp

Khi ở trong nhà, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tốt nhất là có chất liệu vải làm từ sợi tự nhiên như cotton, vì cotton thấm mồ hôi tốt hơn các loại vải tổng hợp. Bác sĩ Epstein đưa ra nguyên tắc khi lựa chọn quần áo cho trẻ: “Hãy chọn quần áo cho bé giống như cho bạn. Nếu bạn mặc quần đùi và áo thun thì trẻ cũng như vậy”.

Khi ra ngoài, cha mẹ có thể cho trẻ mặc các loại quần dài sáng màu, áo dài tay và đội mũ rộng vành để che mặt. Không để trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời ngay cả trong những ngày trời âm u, vì tia UV có thể xuyên qua các đám mây và gây cháy nắng.

Đảm bảo môi trường thông thoáng

Trẻ sơ sinh không có hoặc tiết rất ít mồ hôi trong vài tuần đầu sau sinh bởi tuyến mồ hôi chưa hoàn thiện, vì vậy, thân nhiệt của trẻ sẽ tăng lên nhanh hơn người lớn. Cha mẹ không được để trẻ ở trong phòng ốc kín, nóng nực hoặc trong xe ô tô đang đỗ. Chỉ cần vài phút, nhiệt độ cơ thể của trẻ cũng có thể tăng vọt và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo AAP, mỗi năm có hàng chục trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tử vong do say nắng, do vô tình bị bỏ lại (hoặc tự bò vào) trong xe hơi nóng bức.

Ngoài ra, không nên cho trẻ sơ sinh mặc quá nhiều quần áo khi đang ở trong xe. Bác sĩ Montague cho biết: “Việc thắt chặt dây an toàn trên ghế ngồi (dành cho em bé) và đặt ghế theo hướng quay mặt về phía sau có thể sẽ gây ra sự nóng bức cho trẻ. Vì vậy, hãy để trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, không đội mũ hoặc đi tất, bởi trẻ sơ sinh thoát nhiệt từ chân và đầu để làm mát cơ thể. Đồng thời, cần đảm bảo rằng mặt trời không chiếu vào trẻ trong suốt chuyến đi”. Cha mẹ có thể sử dụng tấm chắn để tránh việc trẻ bị cháy nắng.

Sử dụng đai địu em bé phù hợp với thời tiết mùa hè

Nhiệt độ cơ thể của cha mẹ, cộng với không gian chật hẹp của địu em bé có thể khiến trẻ bị nóng và khó chịu chỉ trong vài phút. Nếu muốn sử dụng địu em bé trong tiết trời mùa hè, phụ huynh nên chọn loại đai địu làm từ loại vải nylon nhẹ thay vì các loại vải nặng như denim. Cần ngưng sử dụng địu trong trường hợp mặt trẻ bắt đầu ửng đỏ. 

Bác sĩ Montague gợi ý: “Thỉnh thoảng, cha mẹ có thể xịt nước khoáng hoặc dùng khăn ướt lau tay và chân để làm mát cho bé. Một chiếc đai địu mỏng nhẹ, sáng màu sẽ giúp bé cảm thấy mát hơn so với loại địu làm từ chất liệu dày, tối màu”.

Cho trẻ uống đủ nước

Da trẻ sơ sinh rất mỏng, nên dễ bị mất nước hơn so với người lớn. Khuôn mặt đỏ ửng, làn da ấm nóng khi chạm vào, thở nhanh và cảm thấy bồn chồn có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang thiếu nước.

Do trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước lọc, cha mẹ có thể bù đắp lượng nước đã mất bằng cách cho trẻ bú thường xuyên hơn hoặc uống thêm sữa công thức. Trẻ sơ sinh nên bổ sung thêm tối thiểu 50% lượng nước so với bình thường trong những ngày hè. Ngoài ra, hãy quan sát tã lót của trẻ để đảm bảo hệ bài tiết hoạt động bình thường. Đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy trẻ đang được cung cấp đủ nước.

Sắp xếp thời gian hợp lý cho các hoạt động ngoài trời

Theo bác sĩ da liễu Eric Siegel (bang New Jersey, Mỹ), trong những tháng hè, cả người lớn và trẻ nhỏ đều không nên ra ngoài từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, bởi đây là khoảng thời gian ánh nắng mặt trời gây hại nhiều nhất cho da. Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời trước hoặc sau khoảng thời gian này.

Theo dõi các dấu hiệu của kiệt sức do nhiệt (lả nhiệt)

Khi đưa trẻ sơ sinh ra ngoài, hãy theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện các dấu hiệu kiệt sức vì nhiệt (hay lả nhiệt - một thể nhẹ hơn của sốc nhiệt) ở trẻ. Bác sĩ Montague chỉ ra một số biểu hiện: “Nếu trẻ sơ sinh quá nóng, trẻ có thể trở nên rất cáu kỉnh, khó chịu, hoặc có thể lờ đờ và không tỉnh táo để ăn uống”.

Ngoài ra, hãy kiểm tra xem trẻ có bị đỏ mặt hoặc cảm thấy nóng hơn bình thường không. Bác sĩ Broder cảnh báo: “Khi tình trạng nóng bức trong cơ thể trở nên nghiêm trọng, trẻ có thể buồn ngủ nhiều hơn, nôn mửa và da chuyển từ ẩm sang rất khô. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị sốt. Trẻ sơ sinh có những triệu chứng này cần được chăm sóc y tế ngay lập tức”.

Tìm nơi có bóng râm khi ở ngoài trời

Khi đến bãi biển hay công viên, hãy tìm một nơi có bóng râm để che nắng, chẳng hạn như dưới gốc cây, dưới ô hoặc mái che. Cha mẹ có thể dùng lều bạt được làm từ vải có khả năng chống lại các tia có hại, và cần đảm bảo lều có lưới thông gió ở hai bên để lưu thông không khí. Mắt kính cũng giúp bảo vệ đôi mắt nhạy cảm của trẻ sơ sinh khỏi ánh nắng gay gắt. Tuy nhiên khi chọn kính, phụ huynh nên chọn loại có khả năng ngăn được ít nhất 99% tia cực tím (UVA và UVB).

Sử dụng kem chống nắng

Da của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi mỏng manh và nhạy cảm, vì vậy nên cố gắng tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, trong những trường hợp không thể tránh khỏi (như khi đi biển), cha mẹ có thể thoa kem chống nắng cho trẻ. AAP khuyến cáo thoa một lượng nhỏ kem chống nắng lên vùng da lộ ra ngoài của trẻ sơ sinh, bao gồm cả trên mặt.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, cha mẹ có thể sử dụng kem chống nắng thường xuyên và với lượng nhiều hơn. Cần thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ, hoặc bất cứ khi nào trẻ bị ướt hoặc đổ mồ hôi. Cha mẹ cần chọn loại kem chống nắng chống nước, dành riêng cho trẻ em, có chỉ số chống nắng (SPF) tối thiểu là 30. Đồng thời, nên thoa kem ở cả những vùng da được bảo vệ bởi các lớp áo quần, bởi theo bác sĩ Siegel: “Một chiếc áo phông vải cotton thông thường chỉ có khoảng 5 SPF”. Người lớn cũng nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da của mình.

Chuẩn bị sẵn các biện pháp làm dịu da cho trẻ

Nếu trẻ sơ sinh đổ mồ hôi nhiều trong thời tiết nóng ẩm, những nốt mụn nhỏ màu đỏ có thể bắt đầu xuất hiện tập trung ở vùng cổ hoặc háng, ở vùng da phía sau đầu gối hoặc khuỷu tay. Đây được gọi là rôm sảy. Để làm dịu rôm sảy, cần thay đồ ẩm ướt ra và cho trẻ mặc quần áo cotton rộng rãi (hoặc chỉ mặc tã), thoa phấn rôm dành cho trẻ em lên vùng da bị ảnh hưởng. Việc cho trẻ ở trong phòng mát, thoáng khí cũng sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng.

Cháy nắng có thể khiến trẻ sơ sinh cảm thấy khó chịu hơn, bởi da của trẻ sẽ nóng, đỏ, sưng và đau khi chạm vào. Cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu trẻ dưới 1 tuổi bị cháy nắng. Bác sĩ có thể hướng dẫn chườm nước mát lên vùng da bị cháy nắng, sau đó thoa kem dưỡng ẩm. Cha mẹ lưu ý không chọc vỡ mụn nước, vì chúng có tác dụng chống nhiễm trùng da. Các bác sĩ nhi khoa cũng có thể khuyên dùng acetaminophen hoặc ibuprofen (các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm) dành cho trẻ sơ sinh để giảm bớt khó chịu liên quan đến cháy nắng.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận