15:51 10/11/2022

Bé 10 tuổi tử vong do điện giật khi tắm, cảnh báo hiểm họa từ bình nóng lạnh

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Nếu bị điện giật, việc đầu tiên là phải ngắt ngay nguồn điện, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Sáng 10/11, Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai thông tin trường hợp thương tâm - trẻ 10 tuổi tử vong do điện giật khi tắm.

Người nhà bệnh nhi chia sẻ, chiều ngày 27/10, bố mẹ đi làm, trẻ ở nhà một mình. Chiều cùng ngày, người thân trở về nhà và phát hiện con nằm bất động ở sàn nhà tắm, tay cầm vòi hoa sen còn mở. Lúc này, trẻ tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim, gọi hỏi không đáp ứng, người nhà tiến hành ép tim nhưng không đáp ứng.

Ngay sau đó, trẻ được quấn khăn quanh người và đưa vào Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, tay chân đã lạnh toát.

Bác sĩ Trung tâm Nhi khoa thông tin, trẻ vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở trong thời gian dài, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch, đồng tử 2 bên giãn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả.

Đây là trường hợp đầu tiên bị điện giật tử vong do rò điện bình nóng lạnh khi tắm được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai. Tuy nhiên, trước đó cũng đã từng có trường hợp xảy ra.

voi-hoa-sen
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Sơ cứu trẻ bị điện giật

- Tắt nguồn điện nhanh chóng.

- Tách nguồn điện ra khỏi người nạn nhân bằng những vật không truyền điện, đồng thời đẩy dây điện ra xa người nạn nhân.

Các vật dụng không dẫn điện mà bạn có thể sử dụng như: chổi có cán bằng nhựa hoặc bằng gỗ, thanh gỗ dài, ghế nhựa, chai nhựa, các vật làm bằng cao su…

Khi tắt được nguồn điện, bạn có thể sử dụng tay không để tách nạn nhân ra, tuy nhiên để an toàn hơn bạn vẫn nên sử dụng vật cách điện.

- Tiến hành các bước sơ cứu trong lúc chuẩn bị để đưa đến viện gồm: Đặt nạn nhân ở tư thế nằm thoải mái, đầu thấp, thoáng khí; Không để nạn nhân bị lạnh, lấy vải sạch phủ lên người; Kiểm tra mức độ chấn thương và kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo không. Hãy gọi tên và chờ xem nạn nhân có trả lời hay không.

- Nếu nạn nhân hôn mê hãy tiến hành mở đường thở bằng cách nâng cằm và ngửa đầu ra sau. Nếu không thể mở đường thở hãy cho nạn nhân nằm ngửa ra mà kiểm tra miệng xem có bất thường không.

- Thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân không thở và sờ vào không có mạch, chỉ khi bạn có thể an toàn chạm vào người nạn nhân thì mới thực hiện hô hấp nhân tạo.

- Nếu nạn nhân tỉnh táo và bỏng nhẹ, hãy rửa vết bỏng dưới vòi nước mát.

- Nếu vết thương bị chảy máu, hãy sử dụng băng gạc đắp lên để cầm máu.

- Nếu nạn nhân bị tổn thương nặng thì cần gọi cấp cứu và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời và tránh di chứng nặng về sau.

Những dấu hiệu cảnh báo bình nóng lạnh đã bị hư

- Sau khi mở bình suốt 1 ngày dài, 24/24 không tắt đi

- Bình nóng lạnh đã quá cũ

- Đường ống bị rò rỉ nước

- Kiểm tra thấy thanh đốt bị đóng cặn.

- Trong lúc hoạt động, bình phát ra tiếng kêu to

- Bình nóng lạnh không vô nguồn làm cho nhiệt độ nước không có sự thay đổi.

- Nước trong vòi sen chảy không đều hoặc bị nghẽn không ra được.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận