09:04 24/11/2022

Cảnh báo trẻ em bị 'phơi nhiễm' thông tin quảng cáo thuốc lá điện tử từ mạng xã hội

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Tại các nền tảng mạng xã hội mà giới trẻ hay dùng như TikTok, Facebook, Zalo, việc quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gần như tự do và ít bị kiểm soát. Điều đó báo động thực trạng trẻ em có thể tiếp cận, mua các sản phẩm gây hại này.

Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc lá điện tử” trên Google là có thể nhận về hàng chục triệu kết quả. Trên mạng xã hội cũng có không ít tài khoản đăng tải clip người nổi tiếng sử dụng thuốc lá điện tử.

Một nghiên cứu do trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện trong 6 tháng năm 2020 cho thấy có gần 130 nghìn tin bài thuốc lá nói chung trên mạng, trong đó 2/3 là về thuốc lá điện tử. 

  • thuoc-la-dien-tu
    Không khó để tìm thấy những trang quảng cáo và bán thuốc lá điện tử trên mạng xã hội.

Mặc dù thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng là mặt hàng cấm quảng cáo nhưng trên thực tế không khó để bắt gặp các quảng cáo thuốc lá trên nền tảng mạng xã hội.

Vẫn theo nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng thì trong 6 tháng năm 2020 có 72 bài đăng quảng cáo thuốc lá điện tử trên Facbook từ các tài khoản có hơn 100 nghìn người theo dõi. Với thời lượng sử dụng trung bình mạng xã hội của người Việt Nam là khoảng 2,5 giờ/ngày thì nguy cơ “phơi nhiễm” thông tin quảng cáo thuốc lá điện tử là rất lớn, đặc biệt là xu hướng thử hút thuốc lá của giới trẻ.

Điều này được chứng minh khi tại các bệnh viện gần đây đã ghi nhận nhiều trẻ bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Mới đây nhất ngày 9/11, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu cho một học sinh 12 tuổi ở Hà Nội đến viện trong trong tình trạng hoảng sợ, khó thở và co giật sau khi hút thuốc lá điện tử. 

Gia đình bệnh nhân cho biết bé trai là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát. Gần đây, con trai hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ bé sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, nam sinh này đã tự mua thuốc lá điện tử trên mạng để hút.

Toàn cảnh hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam”.

Sáng 23/11, trao đổi với phóng viên Infonet bên lề hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết, không gian mạng hiện nay là phương thức mới cung cấp thông tin và chứng tỏ ưu việt của nó rất dễ tiếp cận đến với các nhóm đối tượng, đa chiều. Đây là phương thức tốt để truyền thông nhưng về cơ chế quản lý vẫn còn những điểm chưa dự liệu hết được. 

Kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội thời gian qua được ứng dụng mạnh mẽ. Điều này có ưu điểm nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Một trong những nguy cơ đó là quản lý thông tin với những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin không được đưa ra bởi những nguồn tin chính thống. 

“Trong số này, đáng ngại nhất là việc quảng cáo, kinh doanh những sản phẩm gây hại cho sức khoẻ trên môi trường mạng. 

Tại những nghiên cứu của một số tổ chức như Hội Y tế công cộng, Đại học Thương mại, tổ chức HealthBridge cho thấy quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung trên mạng gần như tự do và ít bị kiểm soát, thậm chí có cả những người nổi tiếng cũng tham gia quảng cáo sản phẩm.

Trong khi đó các cơ quan chức năng chưa có kế hoạch, chiến lược đầu tư mạnh vào kiểm soát các hành vi quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng. Đây là vấn đề đáng báo động", bà Trang ái ngại cho hay.

Bà Trần Thị Trang trả lời phỏng vấn với phóng viên Infonet.

Theo bà Trang, trên thực tế đã có luật, nghị định hướng dẫn thực hiện kinh doanh trên môi trường mạng nhưng chưa có quy định đặc thù cho một số nhóm sản phẩm, một số loại hình cung cấp thông tin. Một trong số đó là quảng cáo rượu bia, thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới.

Để giải quyết bài toán này, bà Trang cho rằng cần phải hoàn thiện công cụ về mặt pháp luật để quản lý việc tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin và kinh doanh trên môi trường mạng.

“Phải quản lý được nguồn cung cấp thông tin đến đối tượng người dùng trên các kênh giới trẻ hay dùng nhất hiện nay như Tik Tok, Facebook, Zalo… Đây là những kênh bán hàng mà người bán (chính thức, xách tay không đăng ký kinh doanh) đều tiếp cận”, bà Trang kiến nghị.

Giải pháp thứ hai là phải kiểm soát được đối tượng của người dùng. Ví dụ như với rượu bia là không bán/không quảng cáo rượu bia cho người dưới 18 tuổi, trên các trang mạng xã hội có quy định: không quảng cáo tự do và quảng cáo ẩn sau khi kiểm tra và chứng minh độ tuổi không phù hợp.

Thế nhưng hiện nay mạng xã hội Facebook chưa làm được việc đó đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Nền tảng này cho đẩy các quảng cáo tự do đến đối tượng người dùng trong khi không biết đối tượng người dùng có thể là trẻ em.

“Giải pháp thứ ba, theo tôi cần có sự kiểm soát của cha mẹ đối với trẻ em. Gia đình có vai trò hướng dẫn định hướng cho trẻ không tiếp cận các thông tin, sản phẩm độc hại với sức khỏe này. 

Và cuối cùng cần có vai trò của các cơ quan quản lý về các hoạt động trên mạng xã hội, yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng phải có biện pháp bảo vệ trẻ em không tiếp cận với những thông tin về thuốc lá. Đồng thời, cần có quy định trách nhiệm đối với những nhà cung cấp nền tảng dịch vụ này dưới hình thức quảng cáo, bán hàng”, bà Trang nhấn mạnh. 

Theo Infonet

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận