Học sinh hút thuốc lá điện tử: Hiểm họa khôn lường
7 em học sinh THPT tại Quảng Ninh có biểu hiện nôn, chóng mặt sau khi hút chung thuốc lá điện tử và được đưa tới trung tâm y tế.
Ngày 22/8, thông tin từ Trường Trung học phổ thông Yên Hưng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trong tiết học đầu tiên của sáng cùng ngày, 7 em học sinh lớp 11 của nhà trường có biểu hiện chóng mặt và nôn trong lớp.
Trước khi vào lớp, 1 học sinh nữ của lớp này mang theo thuốc lá điện tử đi học và rủ các bạn hút cùng.
Ngay sau khi nhận được thông báo, nhà trường đã đưa những học sinh trên tới Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên để kiểm tra sức khỏe. Hiện, sức khỏe của 7 em đều đã ổn định.
Trường Trung học phổ thông Yên Hưng đã mời lực lượng Công an thị xã Quảng Yên tới để xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng
Hiện nay, mặc dù có nhiều những cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử, nhưng xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng trong giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho thấy, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử. Trong đó, học sinh 15- 17 tuổi có tỉ lệ hút thuốc lá điện tử khá cao là 3,1%. Tỉ lệ này ở học sinh nam 15-17 tuổi là 4,8% và học sinh nữ là 1,4%. Tuy nhiên, trong thực tế tỷ lệ này có thể còn cao hơn.
Bộ Y tế cho biết, mặc dù Bộ đã đề xuất cấm sử dụng dưới mọi hình thức (mua bán, sản xuất, nhập khẩu) đối với các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, song tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Tình trạng bệnh nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế do ngộ độc thuốc lá điện tử vẫn gia tăng. TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hàng tuần, Trung tâm Chống độc đều tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận,…
Từ thực tế điều trị tại Trung tâm Chống độc, TS.Trung Nguyên khuyến cáo mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi lẽ trong thuốc lá điện tử có rất nhiều các thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi….
Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi… Ví dụ nhiều loại thuốc lá điện tử có chứa vitamin E. Loại vitamin này khi đốt cháy có thể gây tổn thương phổi nặng nề.
Tại Mỹ đã có báo cáo nhiều trường hợp nhập viện và tử vong vì thuốc lá điện tử có chứa vitamin E. Tuy nhiên, đây chỉ là một chất, thực tế còn có rất nhiều loại hợp chất khác nhau.
Theo thông tin từ Viện Pháp Y quốc gia, đã phát hiện thấy vitamin E trong thuốc lá điện tử lưu hành ở Việt Nam. Điều này cho thấy có nguy cơ người dùng thuốc lá điện tử bị tổn thương phổi, thậm chí tử vong chỉ riêng do tổn thương phổi. Xa hơn nữa, Việt Nam có cũng có thể có nguy cơ tái diễn một đợt bùng phát nhiều người bị tổn thương phổi và tử vong tương tự như ở Mỹ với nhiều người mắc và tử vong.
Các thành phần phụ gia khác trong thuốc lá điện tử cũng rất phức tạp, thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu và rất tùy tiện, khi đốt nóng cũng sinh ra các chất khác rất phức tạp với các tình trạng nhiễm độc và bệnh tật khác nhau sẽ thay đổi rất phức tạp.
Do vậy cần phải có một biện pháp sớm nhằm ngăn chặn thuốc lá điện tử tràn vào Việt Nam. Hiện nay, tuy chưa được cho phép nhưng các loại thuốc lá này đã len lỏi vào thị trường qua rất nhiều kênh.
“Với các hình thức bắt mắt, hương vị thu hút hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là chứa các chất gây nghiện, nếu loại thuốc lá điện tử được phổ cập rộng sẽ cực kỳ nguy hiểm, không chỉ với người trưởng thành và cả với các em học sinh”, TS.Trung Nguyên nhấn mạnh.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất