08:47 13/11/2022

Chế tài đối với người bạo hành bé trai 8 tuổi

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Theo luật sư, mức độ thương tật của bé trai là yếu tố mấu chốt quyết định hướng giải quyết tiếp theo. Cơ quan chức năng có thể sẽ xem xét thêm trách nhiệm của mẹ nạn nhân.

Theo thông tin ban đầu, sáng 8/11, cháu B. (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) được đưa đến trường học với vô số vết thương. Phát hiện tay chân bé trai chi chít vết roi, cô giáo gặng hỏi thì B. nói bị bạn trai của mẹ đánh. Sự việc xảy ra sau khi B. tự ý lấy tiền của mẹ để mua đồ chơi.

Ban giám hiệu nhà trường đã cho cháu B. viết tường trình, đồng thời đề nghị phụ huynh đến làm việc. Tại đây, mẹ của B. thừa nhận người tình đã đánh bé trai.

Với diễn biến trên, vụ việc sẽ được điều tra, xử lý như thế nào?

Untitled
B. bị nhiều vết thương trên người. Ảnh: S.T.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Công ty Luật TNHH Hãng Luật Hưng Yên:

Theo luật sư, những vết thương trên cơ thể B. và lời thừa nhận ban đầu của người mẹ có thể là cơ sở để nhận định rằng đã có dấu hiệu của Tội bạo hành trẻ em theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016. Để xác minh rõ ràng hơn về việc bé trai có bị bạo hành hay không, trước tiên cần phải đưa bé đi giám định tỷ lệ thương tích tại các cơ sở y tế, trung tâm pháp y. Từ mức độ thương tật của bé thì mới có thể đưa ra quyết định về các bước tố tụng tiếp theo.

Hiện nay, vấn nạn bạo hành trẻ em là đề tài nhức nhối trong xã hội bởi vẫn có nhiều nạn nhân chọn cách im lặng, tránh né việc khởi tố vì cho đó là phiền phức. Với tình huống trên, luật sư cho rằng quyền lợi của bé sẽ được pháp luật và cơ quan có thẩm quyền bảo vệ bằng mọi giá.

Sau khi báo cáo vụ việc bé trai bị bạo hành cho cơ quan chức năng, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm giám định khi có dấu hiệu của tội phạm. Nếu kết quả giám định kết luận bé trai bị bạo hành thì bạn trai của người mẹ sẽ bị khởi tố mà không cần căn cứ đơn của phía bị hại hay là đơn đề nghị khởi tố của người mẹ (theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về chỉ khởi tố vụ án khi đã xác định được có dấu hiệu tội phạm).

Trong trường hợp cơ quan điều tra xác minh được nạn nhân bị bạn trai của mẹ bạo hành thì người đàn ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thiệt hại về sức khỏe cho bé trai. Tội danh sẽ được quyết định tùy thuộc vào tính chất và mức độ phạm tội của bị can. Cụ thể, với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ dưới 16 tuổi, người gây ra vụ việc phải chịu chế tài với mức phạt tù cao nhất từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân cho Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Bên cạnh đó, nếu trong quá trình điều tra có các tình tiết phát sinh thì nghi phạm sẽ bị khởi tố Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật hình sự. Dấu hiệu phạm tội của hành vi này là đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em lệ thuộc mình. Nếu kết quả giám định cho thấy bé bị ảnh hưởng về mặt tâm lý và hành vi thì người gây ra vụ việc có nguy cơ phải nhận khung hình phạt cao nhất lên tới 1 đến 3 năm tù.

Luật sư cũng chia sẻ rằng nếu thực sự bé bị bạo hành và mẹ là người chứng kiến nhưng lại bỏ mặc, im lặng thì người mẹ cũng phải nhận những chế tài phù hợp. Qua quá trình điều tra, người mẹ có nguy cơ phải chịu xử phạt hành chính từ 10 đến 15 triệu đồng theo quy định tại Điều 28 Nghị định 130/2021/NĐ-CP nếu như phát hiện có các dấu hiệu sau:

- Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;

- Không thông báo cho nơi tiếp nhận thông tin về hành vi xâm hại trẻ em;

- Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;

- Không cung cấp thông tin và phối hợp để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em khi được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

- Không bảo mật thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Mức phạt có thể lên đến 20-30 triệu đồng nếu phát hiện người mẹ có hành vi: Từ chối, không thực hiện việc hỗ trợ, can thiệp, chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực.

Ngoài ra tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người mẹ còn có thể xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội Che giấu tội phạm Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Zing

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận