12:01 20/06/2022

Chịu bạo lực từ nhỏ, hệ lụy cho đến trưởng thành

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Harry Potter

Bạn cùng học với tôi thuở nhỏ là người từng chịu đựng bạo lực học đường suốt thời tiểu học. Cô ấy đã rất khổ sở, học hành sút kém, ít bạn bè, nhưng điều tệ hơn nữa là ám ảnh bạo lực đã đeo đẳng cô ấy dài lâu, cho đến khi trưởng thành, lấy chồng, sinh con, cô ấy vẫn là nạn nhân của bạo lực nhưng không dám kêu ca, cứ nhẫn nhịn cuộc đời bất hạnh

Bị hắt hủi trong gia đình dễ gánh chịu bạo lực ở trường học 

Tôi đã không bao giờ quên được những trận đòn mà bạn tôi bị nhóm bạn cá biệt cùng lớp giáng xuống người. Đồ dùng học tập, sách vở của cô ấy luôn bị lấy đi một ít mỗi ngày, nếu cô ấy phản ứng thì sẽ là mất hết và còn bị bạo lực: hất cả lọ mực vào người, đâm bút nhọn vào mặt vào tay, giật tóc, túm áo, đấm đá, dận chân lên lưng… Cô ấy không dám mách với bố mẹ, thầy cô khi nào, chỉ nhẫn nhịn chịu đựng. Tôi khi đó cũng là cô bé còi cọc nhút nhát nhất trường. Mỗi khi bạn bị đánh, tôi chỉ có thể chạy đi cầu cứu một người chị họ của bạn. Chị ấy có hai anh trai học cùng trường nên được coi là “có thế”. Chị ấy đã đứng ra bảo vệ chúng tôi, nhưng không phải lúc nào bên chúng tôi cũng có chị ấy, nên thỉnh thoảng bạn tôi vẫn bị đánh và lấy đi mọi thứ trong cặp sách.  Tôi nhớ cô ấy rất hiền, lại khéo tay, đan len và khâu vá rất giỏi. Lên lớp 4 lớp 5, cô gái ấy đã có thể lo cơm nước giặt giũ cho cả nhà, giữ nhà cửa sạch sẽ gọn gàng. Lực học cô ấy ở mức trung bình, không bao giờ vi phạm nề nếp nội quy trường lớp, tính tình lại rất vui vẻ, thơm thảo. Nhưng trong gia đình, cô ấy không được bố mẹ trân trọng như với những đứa con khác. Cô hay giúp đỡ hàng xóm thì bị mẹ mắng là ngu dại, học sút kém thì bị mắng là đồ đần độn. Cả nhà coi cô ấy như một kẻ thất bại, vô dụng, phiền phức, thậm chí là kẻ chỉ biết làm xấu mặt cả nhà. Khi anh trai cô ấy biết em bị đánh, anh không những không bênh vực mà còn quát: “Tại sao bao nhiêu đứa đi học mà chúng nó chỉ đánh mày? Ai bảo, mày ngu thì cho mày chết!”. Và thậm chí còn tiện chân đá luôn cho cô ấy vài cái nữa, vừa đá vừa lầm bầm chửi “trông mày thật ngứa mắt, bị đánh không oan”!

Học sinh THCS – THPT Diên Hồng Q10 TP.HCM đang diễn kịch chuyên đề sân khấu hóa nói không với bạo lực học đường. Ảnh: N.HÙNG

Mọi sự đều có ngọn nguồn

 Ngày đó tôi không lý giải được tại sao bạn tôi bị đánh và thái độ của những người trong gia đình đối với cô ấy. Nhưng nỗi ám ảnh về những trận đòn cô ấy phải chịu đựng thì tôi không bao giờ quên.  Bạn tôi giờ là một cô thợ may lành nghề, nuôi hai đứa con nhỏ, gánh vác kinh tế gia đình. Một người phụ nữ như vậy đáng ra phải nhận được sự chung lưng gầy dựng cuộc sống từ phía người chồng, nhưng thật đáng buồn và phẫn nộ, tôi được biết, trong cuộc sống hiện tại, cô ấy vẫn đang phải gánh chịu bạo lực từ người chồng vô tâm, thô bạo, hèn ác. Tại sao cô ấy từ nhỏ cho đến trưởng thành đều phải chịu đựng bạo lực? Giờ tôi đã hiểu, mọi sự đều có ngọn nguồn. Hiền lành, thật thà, thảo tính, khi đi học dễ trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt. Ban đầu chúng có thể chỉ lợi dụng để xin đồ dùng học tập vì thấy xin cô ấy thì dễ dàng, nhưng xin nhiều quá cô ấy cũng từ chối, thì lập tức chúng lấn tới, dùng vũ lực để giành lấy. Đấy có lẽ là lý do khiến người bạn hiền lành của tôi luôn bị tấn công, trấn lột đồ dùng.  Một đứa trẻ được yêu thương bao bọc ở trong gia đình, khi bị người ngoài bắt nạt, nó lập tức sẽ mách mẹ, để được bảo vệ; hoặc chính bản thân nó cũng có sức mạnh tự bảo vệ. Nhưng một cô gái sớm bị người thân hắt hủi từ trong nhà như bạn tôi thì không dám mách ai, vì biết mình sẽ bị bỏ mặc. Cô cũng gần như không có khả năng tự vệ do mặc cảm bị bỏ rơi. Bị đánh, cô ấy không dám mách mẹ, vì có thể mẹ sẽ chửi rằng “mày ngu thì mày chết” giống như anh trai cô từng chửi cô. Bọn bắt nạt cũng thường đe dọa rằng, nếu mách lẻo thì sẽ bị đánh nhiều hơn, đau hơn. Đó chính là lý do cô gái nhẫn nhục chịu đựng. Sự chịu đựng kéo dài sẽ trở thành bản tính. Cô gái chịu đựng sự hắt hủi của người thân, sự bạo hành ngoài xã hội và sau này, chịu đựng sự bạo hành của người chồng. Vòng xoáy bạo lực bao vây cuộc đời bạn tôi là vì thế. Mỗi lần nghĩ về cô ấy, tôi luôn tự hỏi, một cô gái học lớp 3 đã đan len thoăn thoắt, thường dạy tôi khâu vá quần áo, lại biết gọn gàng nhà cửa, cơm nước giặt giũ cho cả nhà, tính tình thì thơm thảo, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, sao có thể bị hắt hủi rằng đần độn, ngu dại?! Tôi hiểu lý do vì sao các anh chị của cô đều trốn việc với lý do học hành, nói cô học dốt thì phải làm việc nhà và dồn hết mọi việc vào tay cô. Tôi cứ nghĩ, giá như cô ấy được yêu thương, trân trọng, được bố mẹ hiểu và tạo điều kiện phát huy đúng với năng lực, thì cô ấy có thể đã trở thành một người thợ thủ công, thêu đan lành nghề và có một cuộc sống bình dị, ấm áp. Việc bị hắt hủi từ trong gia đình và đánh đập nơi trường học đã khiến cô ấy trở thành một người không còn niềm tin vào chính bản thân mình, nhẫn nhịn chịu đựng tất cả như thể mù quáng tin rằng số kiếp mình sinh ra là như vậy. 

Tiết mục các em học sinh THPT Ea Súp về bạo lực học đường. Ảnh: Sỹ Hưng 

Để trẻ em được lớn lên trong yêu thương 

Bây giờ có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ hiền lành, nhút nhát và không được yêu thương từ trong gia đình dễ trở thành đối tượng của bạo lực nơi học đường, ngoài xã hội. Cô bạn tôi chính là một nạn nhân như thế. Điều đáng nói ở đây là, sự bạo lực lên một đứa trẻ, hậu quả đau đớn sẽ không chỉ dừng ở khi đứa trẻ đó lành lại vết thương trên thân thể. Sự ám ảnh, nỗi đau tinh thần sẽ đeo đẳng đứa trẻ đó cho đến lúc trưởng thành. Đứa trẻ bị hắt hủi, bạo lực từ nhỏ sẽ sống trong sự nhẫn nhịn, yếu ớt, không dám thể hiện suy nghĩ cá nhân, không dám phản kháng và rất có thể trở thành người bị bạo hành, bất hạnh suốt cuộc đời sau này.  Ngay giờ đây, việc trẻ em lứa tuổi học đường bị bạn bè bạo hành như cô bạn của tôi vẫn liên tiếp xảy ra phía trong mọi cánh cổng trường, không ít vụ bạo hành gây rúng động xã hội và để lại những hậu quả tàn khốc. Đó chính là lý do mà các biện pháp bảo vệ trẻ em, ngăn chặn bạo lực lên trẻ em từ nhỏ cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, để trẻ em được lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương, được nhìn nhận và tạo điều kiện phát triển đúng năng lực của mình. 

Thiên Trang/GĐTE

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận