Việt Nam “trao quyền tự quyết về sinh sản” cho các cặp vợ chồng
Sáng ngày 11/7, Bộ Y tế phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) năm 2025 và Công bố Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2025 từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.
Tôn trọng quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng
Phát biểu tại Lễ mít tinh, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển nhấn mạnh: “Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2025 vừa được thông qua. Trong đó, quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn toàn tự nguyện. Tinh thần này phù hợp với thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”.
Bộ Y tế đang tích cực tập trung xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 với mục tiêu bảo đảm an sinh, sức khỏe, bình đẳng cho mọi người dân với nguyên tắc lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững đất nước.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các Ban, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, phân bổ ngân sách cho công tác dân số, nhất là trong bối cảnh thay đổi chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời tích cực phối hợp trong quá trình xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.
Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh; đồng thời hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện Luật Dân số.
Tại Lễ mít tinh, bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phát biểu: “Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trong việc: đảm bảo tiếp cận phổ cập với các dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng; hỗ trợ thúc đẩy các chính sách dân số toàn diện; mở rộng giáo dục giới tính toàn diện phù hợp với độ tuổi và dịch vụ thân thiện với thanh niên; tăng cường hệ thống dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho công tác lập kế hoạch và đầu tư”.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, thông qua bài trình bày tóm tắt về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự quyết sinh sản về cho mọi người và nhấn mạnh: “Không thể có phát triển bền vững nếu thiếu đi quyền tự quyết về sinh sản. Khi đảm bảo quyền được lựa chọn của mỗi người, chúng ta đang trao quyền cho các gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới và mở ra tiềm năng của thay đổi dân số”.
UNFPA tái khẳng định cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Dân số mới và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.
Những thành tựu quan trọng và nỗ lực của Việt Nam trong công tác dân số
Trong hơn 3 thập kỷ qua, kể từ sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD - 1994), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Công tác dân số đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ năm 2006 - 2021, nước ta đã đạt và duy trì mức sinh thay thế; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp; quy mô dân số năm 2024 đạt hơn 101 triệu người. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta không ngừng tăng lên; tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng được nâng cao và đạt mức 74,7 tuổi năm 2024.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tư vấn tiền hôn nhân, tầm soát dị tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi ngày càng được củng cố, nâng cao về chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như: mức sinh giảm sâu và già hóa dân số nhanh (năm 2024, mức sinh chỉ còn 1,91 con/phụ nữ) là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh do mức sinh thấp; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được cải thiện, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao tình trạng mang thai và sinh con ở phụ nữ tuổi chưa thành niên có xu hướng tăng.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc vẫn còn rất cao.Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với vùng thành thị, đồng bằng...
Cũng tại Lễ Mít tinh, thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Cục Dân số và các đơn vị của Ngành Y tế tập trung với nỗ lực cao nhất cùng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trình Quốc hội thông qua Luật Dân số và Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 đảm bảo tiến độ, chất lượng cao nhất.
Đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, phân bổ ngân sách cho công tác dân số, nhất là trong bối cảnh thay đổi chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời tích cực phối hợp trong quá trình xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.
Đề nghị Liên Hợp Quốc, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam ứng phó và thích ứng với những biến đổi dân số, bảo vệ quyền sinh sản và phát triển bền vững.
Một số phát hiện nổi bật từ Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025 thông qua khảo sát 14 quốc gia trên toàn cầu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
- Cứ mỗi 5 người thì có 1 người cho biết họ sẽ không thể có được số con như mong muốn;
- Hơn một nửa số người được khảo sát cho rằng các yếu tố kinh tế là rào cản chính đối với việc làm cha mẹ;
- Cứ mỗi 3 người thì có 1 người từng mang thai ngoài ý muốn;
- 40% người trên 50 tuổi nói rằng họ không đạt được quy mô gia đình mong muốn.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất