Giáo viên có nên giao bài tập cho học trò khi nghỉ Tết?
Bài tập Tết, một câu chuyện đã cũ nhưng luôn là sự quan tâm, nỗi trăn trở của nhiều người (đặc biệt là giáo viên) cứ mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nhiều thầy cô giáo luôn phải đắn đo, lựa chọn 2 phương án: giao bài tập về nhà vào dịp Tết cho học sinh hay là không?
Nói là đắn đo và lựa chọn một trong 2 phương án, bởi vì: Giao bài tập Tết có thể bị một số phụ huynh phản ứng. Không giao bài tập Tết cũng bị nhiều phụ huynh thắc mắc vì không muốn để con trẻ nghỉ quá lâu, thậm chí có phụ huynh còn nhắn tin xin giáo viên giao bài tập. Ai cũng có những lý lẽ riêng mà khi nghe đều có phần hợp lý.
Tết nên dành thời gian cho học trò vui chơi bên gia đình và học thêm kỹ năng sống
Chị Xuân Mai, một phụ huynh có con học bậc trung học cơ sở cho rằng: “Con học cả năm, mấy ngày Tết nên để con được nghỉ ngơi, vui chơi bên gia đình. Còn bao nhiêu thứ cần học, đâu chỉ riêng học kiến thức? Con có bài tập Tết phải lo làm cho xong nên nhiều khi cũng không dám đi chơi với gia đình. Nhiều khi còn phải thức bên con để nhắc nhở, để học cùng. Gặp con lười học, cha mẹ la mắng con, không khí gia đình mất vui, đôi khi còn mất cả Tết”.
Cũng có chung tâm trạng ấy, chị Lan Hương có con học lớp 7 bày tỏ: “Nghỉ có ít ngày Tết mà bài tập về nhà hàng sấp dày. Thấy con chúi đầu chúi mũi suốt ngày đêm mà thấy xót. Không ít lần, cả ga đình về quê, con cũng phải mang bài tập đi làm. Như thế thì còn đâu là chơi Tết nữa?”.
“Nhìn lượng bài tập Tết con phải hoàn thành, người lớn như mình cũng thấy chán ngán. Môn nào cũng vài ba phiếu bài tập. Số lượng bài tập cần hoàn thành phải lên vài chục bài. Áp lực như thế thì sao có thể chơi Tết thoải mái được?”, chị Minh Hương thắc mắc.
“Tết có bao nhiêu thứ phải học, sao nhất thiết cứ phải làm bài tập? Nhà trường có thể giao cho các con nhiệm vụ phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, học làm một số đồ ăn cùng người thân hay nêu cảm nghĩ về việc dọn bàn thờ tổ tiên, đi tảo mộ cùng gia đình. Nghỉ Tết có ít ngày, nên để các con thoải mái vui chơi. Chúi đầu, chúi mũi làm bài tập thì mất Tết”, anh Quang Hùng bày tỏ.
Không có bài tập về nhà, con sẽ dành thời gian cày game, xem phim… tối ngày
Khác với một số phụ huynh phản đối giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh thì vẫn có không ít người lại mong muốn giáo viên giao thêm bài tập để các con học trong những ngày Tết.
“Thời gian nghỉ tết của các con thường kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày. Có bài tập, con còn lo học bài, hạn chế chơi điện thoại, cày game. Thời gian chưa Tết, cha mẹ thường vắng nhà nên bài tập tết cũng sẽ giúp con lo lắng cho việc học, cũng là cách ôn luyện kiến thức. Trẻ nhỏ, nghỉ học nhiều mà không ngó ngàng bài vở đến khi đi học lại sẽ quên hết”, chị Lan Anh cho biết.
Chị Mai Hoa, có con hiện học lớp 1 trường tiểu học bày tỏ: “Trẻ nhỏ mỗi ngày phải ôn lại kiến thức. Nhờ có bài tập thầy cô giao nên con có trách nhiệm hơn trong học tập. Con đang tuổi tập đọc, nghỉ gần 20 ngày mà không ôn luyện khi đi học lại sẽ quên hết bài vở”.
Cũng mong con được giao bài tập, anh Văn Thái cho biết: “Con mình lo làm bài tập thầy cô giao mà ít cầm điện thoại hẳn. Thấy con suốt ngày chỉ nằm lướt mạng xem hết phim này phim kia thì làm bài tập vẫn bổ ích hơn. Có điều, thầy cô có giao bài tập cũng nhẹ nhàng thôi, một kỳ nghỉ Tết mà môn nào cũng ra vài chục câu hỏi, bài tập thì quả là áp lực cho các em lắm”.
Vì sao giáo viên muốn giao bài tập tết cho học sinh?
Không giao bài tập tết cho học sinh đương nhiên giáo viên rất khổ, bởi thầy cô sẽ không phải soạn đề, không phải nhắc nhở, không phải chấm sửa cho học sinh khi các em hoàn thành.
Giao bài tập Tết, giáo viên nào cũng phải lo soạn đề, soạn câu hỏi. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian, tốn nhiều công sức.
Vậy tại sao nhiều thầy cô giáo vẫn muốn giao bài tập về nhà cho học sinh? Xuất phát từ thực tế, sau một kỳ nghỉ dài, học sinh không được học, lại không ôn luyện ở nhà nên khi vào học lại không ít học sinh đã quên hết những kiến thức đã học trước đó.
Đã có những em học lớp 1, quên luôn mặt chữ, quên các nét viết về độ cao, độ rộng, cách đặt dấu thanh… Học sinh các khối lớp khác thì chẳng còn nhớ bảng nhân, chia, cách làm 4 phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) cơ bản nhất.
Bao giờ cũng vậy, khi trở lại lớp học, thầy cô giáo lại phải tốn khá nhiều công sức ôn tập, kèm cặp nhiều em mới lấy lại được kiến thức đã học trước đó. Vì thế, giáo viên luôn mong muốn học sinh vui chơi nhưng vẫn dành một chút thời gian để ôn bài.
Theo tìm hiểu của người viết, một số phụ huynh phản đối việc giao bài tập Tết cũng xuất phát từ việc giao quá nhiều bài tập từ giáo viên. Với khối lượng bài tập đồ sộ đã tạo áp lực lớn không chỉ cho học sinh mà cho chính phụ huynh.
Khi con không làm bài, khi con yêu cầu ba mẹ học cùng dễ gây cảnh bất hòa trong gia đình nên bài Tập tết đã trở thành nổi ám ảnh.
“Nếu lượng bài tập vừa đủ mang đúng tính chất ôn tập thì chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ”, một phụ huynh bày tỏ.
Giao bài tập Tết thế nào cho vẹn cả đôi đường?
Giao bài tập vừa đủ, nhẹ nhàng nhưng vẫn ôn luyện được kiến thức trọng tâm. Với học sinh bậc trung học, để tránh lượng bài tập được giao quá nhiều, các thầy cô giáo cần ngồi lại với nhau để thống nhất số lượng câu hỏi, bài tập vừa đủ. Tránh tình trạng mạnh môn nào giao môn ấy sẽ dẫn đến quá tải bài tập cho học sinh.
Ở bậc tiểu học, thầy cô cần tập trung vào những kiến thức cơ bản như yêu cầu các em đọc bài trong sách giáo khoa, viết một đoạn chính tả ngắn, học bảng cửu chương, làm một số dạng toán cộng, trừ, nhân, chia cơ bản... tránh tình trạng giao những kiến thức nâng cao, đánh đố học sinh.
Ngoài ra, cần có thêm những bài tập dạng trả lời câu hỏi về kỹ năng sống như việc yêu cầu học sinh tìm hiểu về truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc ta, những tập tục của từng vùng miền, cùng gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cùng bố mẹ làm mâm cơm Tết bày tỏ lòng thành với tổ tiên.
Nhờ những bài tập về nhà như vậy, học sinh không quên kiến thức sau một kỳ nghỉ dài còn học thêm được nhiều kỹ năng để trang bị cho vốn sống của mình thêm phong phú, chắc hẳn sẽ được phụ huynh đồng tình ủng hộ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất