Có nên tồn tại lễ hội Halloween ở Việt Nam?
Nhiều người lo ngại với lễ hội Halloween du nhập vào Việt Nam có thể "xâm hại" đến tâm hồn trẻ thơ với nhiều hình ảnh và trò chơi quá rùng rợn... Nhưng cũng có người cho rằng Halloween là nét sinh hoạt văn hoá đồng thời cũng giáo dục con người bên cạnh những mặt thiện cũng có những cái xấu xa...
Thảm họa đặc biệt xảy ra tại tại khu Itaewon, Seoul (Hàn Quốc) làm ít nhất 154 người tử nạn cùng với hơn 130 người bị thương do chen lấn trong lễ hội Halloween đã gây sốc cho nhiều người. Ở một góc độ khác, sự cố đáng buồn này gián tiếp gợi nhắc lại những mối lo ngại liên quan đến cách thức tổ chức mà lễ hội này đang thấy “vận hành” ở một số nơi tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, lễ hội này đã được du nhập vào theo tinh thần mở cửa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa. Thế nhưng, việc ứng xử văn hóa với một lễ hội có nguồn gốc từ phương Tây này như thế nào thì hiện vẫn còn thiếu những định chế cần thiết, nhất là trong môi trường giáo dục và phương thức giáo dục con trẻ có những dấu hiệu chệch choạc, lệch hướng.
“Vết máu” trên nét mặt thiên thầnSau khi lễ hội Halloween du nhập Việt Nam, qua theo dõi nhận thấy đối tượng chính tham gia chủ yếu là lứa tuổi thanh thiếu niên. Gần đây, những lời “mời gọi” tham gia có nhiều chỗ đáng lo.
Thử lướt qua một vòng trên mạng xã hội, thấy rất nhiều lời mời tham gia lễ hội Halooween với những hình ảnh kinh dị, rùng rợn, “khoe” cảnh hóa trang rùng rợn.
Ngoài các tụ điểm, một số quán xá, cửa hàng, thậm chí cơ sở giáo dục ngoài công lập, các trung tâm Anh ngữ, ngoại ngữ (nơi có nhiều học sinh) cho thấy khá sôi động mỗi khi có lễ hội Halloween.
Vào đầu tháng 10 hằng năm là quãng thời gian “trăm hoa đua nở” của các trung tâm giáo dục này, với những thông tin mời gọi phụ huynh, học viên tham gia cuộc thi có thưởng hay trò chơi trải nghiệm về lễ hội Halloween tổ chức vào cuối tháng. “Luật chơi” khá na ná nhau, cốt làm sao quảng bá, tạo dựng vị thế của trung tâm dưới vỏ bọc lễ hội Halloween.
Chẳng hạn, lướt qua một số trung ngoại ngữ ở TP.Huế, thấy thể lệ cuộc thi thường tập trung vào nội dung yêu cầu các thí sinh nhí (học viên trung tâm) chụp ảnh tại không gian check-in Halloween của trung tâm, sau đó phụ huynh/học viên đăng ảnh lên Facebook cá nhân, bấm follow (theo dõi) Fanpage.
Bài thi kèm từ khóa/hastag mang tên trung tâm Anh ngữ, đồng thời yêu cầu thí sinh/phụ huynh “kêu gọi người thân vào tương tác”, càng tăng tương tác thì thí sinh càng có nhiều cơ hội đoạt giải với các phần quà gồm balo, gối ôm, kể cả hiện kim nếu đoạt giải cao... Những cuộc thi, chương trình “giao lưu văn hóa” này được đặt nhiều tên gọi rất “kêu”, như “Đám cưới ma/Spooky Wedding”, “Những bóng ma kinh dị...
Một số cơ sở giáo dục nhìn nhận các hội thi và dịp lễ hội như vậy là dịp “giao lưu văn hóa”, “trải nghiệm”, “khám phá” dành cho con trẻ, nhưng thực tế có hoàn hảo như vậy?
Nhất là khi lối hóa trang (cho đúng với lễ hội ma quỷ) đã khiến nhiều thế hệ cảm thấy xa lạ, khi chứng kiến hình ảnh một bé gái tuổi lên 10 mặc chiếc áo có hình bộ xương người, cảnh máu me, rùng rợn…
Lo ngại “gieo trồng chủng tử bất thiện”
Liên quan lễ hội Halloween, thượng tọa Thích Vân Pháp (trụ trì chùa Từ Vân, TP.Huế) từng có bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân bày tỏ ý kiến, đồng thời có những lời khuyên và đã nhận được sự tán thưởng, chia sẻ của đông đảo người dân, Phật tử.
“Không nên để lễ hội “ma quỷ” du nhập vào Việt Nam vì nó không phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam; không nên để lễ hội này trở thành trào lưu mới trong học đường vì nó rất ghê rợn, những hình ảnh vô cùng xấu xí ấy, ám ảnh các em nhỏ trong một thời gian, chiêu cảm những hạt giống xấu ác và ghê rợn biểu hiện ra bên ngoài đó không phải là vui mà là báo hiệu cho sự xuất hiện của cái xấu bắt đầu lan tràn vào học đường và xã hội Việt Nam. Người Phật tử không nên tham gia lễ hội ma quỷ rùng rợn ấy, vì đó là gieo trồng chủng tử bất thiện, xấu ác vào tâm thức và tâm thức biểu hiện cái xấu ác đó ra bên ngoài qua những hình vẽ, trang phục như vậy. Tóm lại: Cái gì hay thì học; cái gì xấu, ác, bất thiện... thì không nên học theo”, vị thượng tọa khuyên.
Một số quan điểm khác cũng đang được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn không gian mạng của người Công giáo Việt Nam, như bài viết “10 lý do người Công giáo – Kitô hữu không nên mừng lễ Halloween”, “Halloween có nguồn gốc từ đa thần giáo”…
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Tâm (Công Khánh Luật, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 xác định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc là sẽ bị xử phạt, mức xử phạt có thể lên tới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, hoạt động hóa trang chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hay xác định rằng đây là hoạt động trái quy định hay không, nên chưa thể áp dụng quy định này.
“Xét theo khía cạnh giáo dục thì việc tổ chức lễ hội này tại trường học, cơ sở giáo dục cũng cần phải đánh giá được mức độ ảnh hưởng của hoạt động đến sự phát triển của trẻ em; trong môi trường giáo dục phải phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi, tránh tình trạng tạo nên nỗi sợ cho các trẻ em khi tham gia hoạt động...”, bà Tâm nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý và giáo dục - Trường đại học Sư phạm Huế, lễ hội Halloween xuất phát từ phương Tây nhưng đã du nhập vào Việt Nam và khá phổ biến. Tuy nhiên, cần lưu ý khi trang trí, hóa trang tránh những hình ảnh phản cảm, đồng thời cần đảm bảo sự phù hợp về văn hóa, trình độ của từng lứa tuổi và những quy định chung.
“Khi mình vận dụng một mô hình hay hình thức sinh hoạt văn hóa giải trí nào đó từ bên ngoài vào thì nên dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, dựa trên đối tượng, lứa tuổi để có những quy định, phương thức tổ chức phù hợp. Kể cả khi tổ chức lễ hội thì cần giới hạn độ tuổi, tuổi nào mới được xem, tham gia”, tiến sĩ Hùng nêu ý kiến về lễ hội Halloween ở Việt Nam.
"Có nên tồn tại lễ hội Halloween ở Việt Nam?" - bạn nghĩ thế nào?
Theo Thanh niên
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất