06:59 04/02/2023

Con trẻ bị đánh, nhốt vào phòng do nói chuyện riêng, chuyên gia tâm lý chỉ ra những nguy hại khi giáo dục không đúng cách

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang - Hà Chi

Mới đây, trong một nhóm nuôi dạy con trên Facebook, một phụ huynh có tên P.H. đã đăng tải một bài viết bức xúc về việc con đang học lớp 1 ở trường vì nói chuyện riêng mà bị giáo viên nhốt vào phòng, đánh vào mặt. Điều này khiến chị lo sợ giáo dục không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến tâm lý con nhỏ. Tuy nhiên, chị không dám lên tiếng vì sợ con bị trù dập.

Con hoảng sợ, khóc nhiều sau khi bị cô đánh

Cụ thể bài viết như sau: “5h chiều hôm qua, cô chủ nhiệm gọi điện cho mẹ giọng rất tức giận và quát tháo um sùm lên. Cô nói rằng: "Con chị nói chuyện riêng trong giờ cô giảng bài", nên cô đã tức giận nhốt con vào phòng... Nghe thấy tiếng con khóc mình cũng đã xin lỗi cô, bảo con nói lời xin lỗi và hứa lần sau không tái phạm nữa. Mẹ vẫn nghĩ cô làm vậy là thích đáng, con hư mẹ chưa bao giờ bênh, cô góp ý mẹ đều lắng nghe và tìm cách dạy bảo lại con”, chị H. viết.

nuôi dạy con
Chị H. cho hay, chị luôn ghi nhận những lời cô đánh giá và luôn khuyên răn con khi con phạm sai lầm (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, khi đến 6h chiều chị đi làm về đến nhà thì phát hiện mặt con sưng đỏ tấy lên một bên má, nhìn bằng mắt thường cũng thấy 2 bên má lệch nhau. Mắt con đỏ hoe vì hoảng sợ và khóc nhiều. Chị liền hỏi con: “Cô mắng con không?”. Con bảo có rồi chỉ vào má nói: “Cô tát con 5 cái”. 

Chị cho biết, mọi lần phạt cô chỉ đánh vào tay, lấy sách đập vào người, chị vẫn chấp nhận được vì có thể cô áp lực lớp quá đông. Tuy nhiên, chị không thể chấp nhận được lần hành xử này của cô. 

Là bậc cha mẹ, chị H. lo sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý con nhỏ. “Những hành động như xé vở, hay đánh vào đầu, mặt ở giáo viên thật sự đáng phê bình. Nhưng giờ lên tiếng sợ con mình bị trù dập”, chị H. nói.

Theo chị, có thể vừa Tết xong bạn nhỏ vẫn còn ham chơi, vẫn thích chơi trò đập ảnh, phẩy ảnh do lần đầu được các anh dạy ở quê nên mới dẫn đến sự việc mang bài đến lớp. Chị chia sẻ, từ bé con chị đã rụt rè nhút nhát (nhưng về học lực vẫn tốt) nên chị không gò bó con nhiều để con chơi và học thoải mái. 

Trước đây, chị luôn quan điểm không bao giờ bênh con khi con phạm lỗi nên giờ sự việc này xảy ra, chị rất bất ngờ và suy nghĩ đến việc chuyển trường cho con. 

Quan điểm trái chiều từ các bậc phụ huynh

Một giáo viên giấu tên ở Hải Dương chia sẻ quan điểm: “Phạt bằng cách nhốt vào phòng và tát học trò thể hiện sự bất lực, yếu kém, nhận thức và trải nghiệm sống hạn hẹp của cô giáo. Cô chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ kinh nghiệm và chưa đủ khả năng để thuyết phục trẻ.

Giáo dục hiện nay vẫn còn kiểu chép phạt, bản kiểm điểm… là những kiểu giáo dục cũ rất cũ. Nó có giúp trẻ nhận ra được cách hành xử đúng đắn và tốt hơn không? Hay là con cứ hiểu rằng, làm sai rồi chép phạt và viết bản kiểm điểm là được”.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, chị Nguyễn Nhàn (Hà Nội) bộc bạch: “Mình cũng là giáo viên. Học sinh mình dù làm sai tới đâu mình cũng không dám nặng lời, mặc dù thành tích cũng đau đầu. Mình còn hay dặn các trò mai có khả năng mưa, nhớ mang áo mưa, hoặc nắng nhớ mang theo mũ... khiến chúng phải thốt lên rằng: "Sao cô tốt thế". Mình không nhận truyền đạt cho học sinh tốt hay hoàn hảo, nhưng mình thấy nhiều giáo viên ẩn sâu bên trong là sự mất kiểm soát, sự thiếu kiên nhẫn... ảnh hưởng con trẻ nhiều​​”.

Chị Ngọc Chi (Hà Nội) nhấn mạnh: “Đây là bạo lực. Đánh người là hành vi vi phạm pháp luật, với trẻ em lại càng nặng, thậm chí là tát con 5 cái đến đỏ tấy má lên. Cô đã quá lạm quyền để đánh một đứa trẻ nhỏ, nếu là trẻ lớn, thanh niên cô có dám? Tại sao hành động này lại được coi là bình thường ở môi trường giáo dục?”

tin nhắn
Phụ huynh Huyền Trần bày tỏ quan điểm về tin nhắn này: "Lúc cô giáo đánh con có thể là do nóng giận, nhất thời không kiềm chế được. Nhưng đã qua rồi, phụ huynh nói về việc má con sưng lên mà cô còn không thèm giải thích, không một câu xin lỗi thì không xứng đáng làm giáo viên" (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh những quan điểm và phản ứng khá gay gắt đối với giáo viên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sự nhu nhược của người mẹ vô tình dung túng cho hành vi phản giáo dục của cô giáo.

Chị Kiều Linh xót xa: “Nghe câu chuyện mà thấy đau lòng. Một đứa trẻ mới chỉ 7 tuổi mà phải chịu tổn thương về thể xác như vậy trong môi trường giáo dục. Mà tổn thương về thể xác như vậy chắc chắn sẽ gây tổn thương về tinh thần. 

Phụ huynh đáng ra nên có thái độ không ủng hộ cách làm của cô một cách rõ ràng và thẳng thắn với cô giáo để bảo vệ trước tiên là con mình, sau đó là những đứa trẻ khác”.

Chị Phạm Trang (Hà Nội) khiển trách: “Tại sao mẹ có thể bình tĩnh viết bài khi con mình bị người ta tát tận 5 cái vào mặt? Mẹ hãy có động thái để con thấy con bị đối xử như thế là không đúng, là người ta không tôn trọng con”.

Chị Trang nói thêm: “Nếu đứa nhỏ không có hơi hướng bạo lực, nó sẽ cho rằng, nó đáng bị thế, sau này bị bắt nạt cũng chỉ biết cam chịu. Nếu nó có hơi hướng bạo lực thì nó sẽ cho rằng, cứ sai là đánh, là tát, sau này cũng sẽ đối xử với người khác y như vậy. 

Trẻ con hiểu được về lòng tự trọng và tự tôn từ chính những việc như thế này. Cha mẹ không nên dạy con theo hướng bản thân con là nhất nhưng phải để con hiểu có những giới hạn con không được chạm tới và những giới hạn của con mà người khác cũng không được phép chạm vào”.

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực Thư viện Lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho hay, việc một em nhỏ mới đi học lớp 1 mà bị giáo viên đánh vào mặt, nhốt vào phòng sẽ khiến cho trẻ bị sốc, sợ hãi, tạo ra ấn tượng cảm xúc tiêu cực lớn đối với trẻ.

Bà phân tích, trẻ em dường như chỉ quan sát và chấp nhận, tức là trong trường hợp trên, chúng không đánh giá được vấn đề và chỉ hiểu là cô giáo được phép phạt học sinh như vậy, cứ hành động như vậy thì sẽ có những phản ứng của cô giáo như thế.

“Hình ảnh đẹp đẽ của người giáo viên giờ sẽ dần trở thành nỗi ám ảnh đối với trẻ nhỏ. Nguy hại nữa, hành vi của cô giáo gây dấu ấn cảm xúc rất mạnh, nên nếu con ở trong một môi trường tương tự và bị căng thẳng không kiểm soát được, con sẽ dùng hành vi đó để ứng xử lại với người khác. Mặt khác, điều này có thể khiến đứa trẻ lớn lên trong bạo lực hoặc chúng có xu hướng bạo lực, chống đối ở độ tuổi lớn hơn, hoặc chúng sẽ trở nên tự ti, khép mình”, bà nói.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương đánh giá, việc cô giáo dùng vũ lực bạo hành học sinh cả thể xác (đánh) lẫn tinh thần (mắng nhiếc, nhốt vào phòng kín) cho thấy, cô giáo không hề nhận thức được rằng, đó là một hành vi phạm pháp đối với trẻ em, hoặc nhận thức được mà không thể quản lý được cảm xúc. Bà cho rằng: “Đứa nhỏ chỉ là một cái cớ để người giáo viên này trút những giận hờn, uất ức của bản thân”.

1638838222-3c915d4f280484e29f9c87d511f5e4a8-width1920height2560
“Hãy lên tiếng một cách phù hợp để giúp trẻ, giúp phụ huynh và giúp cả cô giáo nhận ra được sai lầm trong cách giảng dạy của mình” - Chuyên gia tâm lý Hồng Hương nói (Ảnh: Internet).

Bà Hương nhấn mạnh, việc một học sinh lớp 1 mải chơi, nói chuyện riêng, chưa chú tâm vào việc học là hết sức bình thường. Việc chuyển từ mầm non sang tiểu học là một điều trọng đại và ngỡ ngàng đối với trẻ. Vì ở mầm non, hoạt động chủ đạo là chơi, ở tiểu học hoạt động chủ đạo là học.

Với trẻ em, có bạn sẽ thích nghi nhanh còn có bạn cần phải có thời gian để thích nghi dần. Vì thế giáo viên phải vừa dạy, vừa quan sát hỗ trợ những khó khăn cho các con. Tuyệt đối không nên có những hành vi giáo dục không đúng cách như đánh, mắng và bỏ mặc các con, nếu giáo viên kiên nhẫn, biết cách tạo không khí vui tươi, kết hợp trực quan, sẽ giúp các con rất nhiều.

Trả lời cho câu hỏi của PV về việc hướng giải quyết phụ huynh nên làm là gì, liệu phụ huynh lên tiếng với cô giáo có sợ con bị trù dập trong tương lai hay không, bà khẳng định, im lặng là tiếp tay cho bạo lực.

“Có lẽ đã có rất nhiều trường hợp tương tự nhưng phụ huynh đều im lặng nên cô giáo mới thành ra như vậy. Sự im lặng là vô cùng tàn nhẫn với con của mình và với chính giáo viên. Phụ huynh cần lên tiếng để cô giáo ngưng hành vi bạo hành với trẻ”.

Bà chỉ ra giải pháp: “Các đơn vị truyền thông, các đơn vị quản lý cần tăng cường truyền thông về pháp luật trẻ em, và quan tâm hơn đến vấn đề đời sống tinh thần giáo viên, học sinh. Ngoài ra, cũng cần cả việc truyền thông về cách hành xử giữa nhà trường với giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh”.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận