Mô hình nào phòng chống bạo lực học đường hiệu quả?
Tình trạng bạo lực học đường giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh và học sinh và giữa phụ huynh với nhà trường vẫn nảy sinh mặc dù đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh mà các cơ quan chức năng đưa ra. Nguyên nhân vì sao? Mô hình nào để phòng chống bạo lực học đường hiệu quả?
Giáo viên chưa được “diễn tập” xử lý tình huống
Ông Nguyễn Xuân Đức, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học sư phạm Vinh khẳng định: Bạo lực học đường (BLHĐ) đã hủy hoại ghê gớm văn hoá học đường (VHHĐ), cho nên để bảo vệ VHHĐ cần tìm ra căn rễ của từng loại bạo lực, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, ngăn chặn, nhằm đảm bảo VHHĐ lành mạnh, góp phần phát triển giáo dục, tạo nhân lực có chất lượng cho đất nước.
Để góp phần tìm ra những giải pháp ngăn chặn BLHĐ thì phải đi cụ thể vào từng loại hiện tượng, từng loại đối tượng bạo hành là giáo viên (GV), học sinh (HS), phụ huynh và xã hội.
Theo ông Nguyễn Xuân Đức bạo hành HS có hai dạng: bạo lực và xúc phạm nhân phẩm. Nguyên nhân cụ thể thì rất nhiều và cũng có người đổ lỗi cho HS hư, nhưng HS hư chỉ là những tác nhân, những ngòi nổ dẫn tới bạo hành, bạo lực. Sai phạm BLHĐ trong trường hợp này thuộc về thầy cô giáo.
Như vậy, để có giải pháp khắc phục hữu hiệu, trước tiên cần xem xét những tác nhân xã hội nào có thể làm gia tăng hành vi bạo hành của thầy cô giáo trong nhà trường.
“Chúng ta cần phải thay đổi cả nhận thức lẫn kỹ năng của GV. Mặc dù Quy tắc ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã được ban hành ở tất cả các trường học, nhưng trong thực tế, hoặc là Quy tắc… chưa được thấm nhuần với tất cả những người đứng lớp, hoặc quan trọng hơn, họ (nhất là lớp GV trẻ) chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng và kinh nghiệm xử lý các tình huống giáo dục tránh bạo hành. Trong khi gần như rất nhiều hoạt động xã hội được tổ chức học tập, diễn tập… thì những người làm nghề trồng người lại không được huấn luyện, diễn tập xử lý những tình huống giáo dục có thể xảy ra hàng ngày trong lớp học” – ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức kiến nghị Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo khảo sát, phân tích, tổng hợp các dạng tình huống HS phạm lỗi và cách xử lý của GV, trước mắt tổ chức các buổi tập huấn về xử lý các tình huống sư phạm xảy ra trong giờ học, về lâu dài phải tăng chương trình đào tạo nghiệp vụ ở các trường sư phạm.
Ông Đức cho biết thêm, hiện nay hành động bạo hành học sinh dù xuất phát từ một GV cụ thể thì nhiều khi cũng có sự tác động của yếu tố khách quan. Những áp lực từ công việc, từ cuộc sống,… và có khi từ cả phụ huynh, đã tạo ức chế mạnh đối với GV, gây cho họ tâm lý mệt mỏi, thái độ cáu bẳn, nên khi một học sinh nào đó hư thì bùng phát những hành xử bạo hành.
Xem xét các vụ bạo hành của GV với HS chúng ta đều thấy phần lớn khởi phát từ việc HS không làm bài tập, không chú ý nghe giảng, quậy phá, thậm chí hỗn hào trong lớp. Đó là ngòi nổ để GV trút những áp lực dồn nén từ lâu lên đầu HS.
Ông Nguyễn Xuân Đức, cho rằng khi chúng ta đang xã hội hóa giáo dục mà thực chất là dần dà từng bước đưa giáo dục vào cơ chế thị trường thì phụ huynh, HS là thượng đế. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể thổi bùng thành phản ứng rộng lớn, mạnh mẽ. Trước sự tấn công của dư luận, rất nhiều GV hoang mang, họ chủ trương chỉ lên lớp giảng bài rồi về, HS không học bài, HS quậy phá… không phải chuyện chuyên môn. Số GV không hiểu và không kìm chế được cảm xúc sẽ tích tụ thành ức chế và bùng phát thành bạo hành, bạo lực.
Ngay cả việc thu học phí của HS là để bổ sung nguồn ngân sách cho Nhà nước, khi được giao cho thầy cô giáo thu trực tiếp thì phụ huynh, HS đã thành thượng đế, thầy cô giáo sẽ thành chủ nợ. Khi phụ huynh chây ỳ không nộp thì thầy cô, thì nhà trường phải mượn biện pháp xử lý học sinh để thu nộp. Vậy là cả phụ huynh, cả báo chí, cả xã hội lên án.
Bạo lực học đường trở thành “món ăn”
Dưới góc độ của nhà tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, khi các vụ việc bạo lực học đường trở thành “món ăn” thông tin gây sự chú ý của nhiều người, sẽ có nhiều bài viết, thông tin không chính xác, hoặc được chế biến theo hướng bạo lực học đường để thỏa mãn niềm tin tiêu cực và nỗi sợ hãi của cộng đồng.
Rồi khi niềm tin của cộng đồng về nhà trường, GV trở nên tiêu cực, nhiều hành động giữa GV với HS, HS với HS có thể được diễn giải dưới góc độ bạo lực. Ví dụ, ảnh chụp một cái đập vai thân thiện giữa hai HS có thể trở thành minh chứng của một vụ đánh nhau; hình ảnh cô giáo cầm thước để chỉ bài giảng có thể sẽ được diễn giải là GV đe dọa HS…
Ông Nam chia sẻ thêm, trên thực tế, rất nhiều hành động bạo lực của trẻ ở trường là một cách "giận cá chém thớt", di chuyển những xúc cảm tiêu cực mà trẻ phải chịu đựng từ gia đình sang các bạn khác ở trường. Đó có thể là các hình phạt khắc nghiệt của cha mẹ; cha mẹ thiếu quan tâm, không tạo được liên hệ tình cảm với trẻ; cha mẹ quá nuông chiều hoặc bỏ mặc dẫn đến không thể kiểm soát hành vi cảm xúc của con ở nhà và con mang thói quen hành vi xấu đó đến trường.
Ngoài ra, chúng ta cũng đừng vội đổ lỗi và suy nghĩ đến những hình phạt khắc nghiệt cho thủ phạm của bắt nạt và bạo lực học đường. Thứ nhất, lỗi của những học sinh bắt nạt có thể xuất phát từ người lớn chứ không phải các em. Thứ hai, kỷ luật khắc nghiệt chưa chắc đã khiến giảm hành vi bạo lực, thậm chí còn làm cho học sinh cảm thấy ấm ức, bị đối xử bất công dẫn đến lừa dối và trả đũa.
Mặt khác, cũng đừng nghĩ là cứ chuyển trường đứa trẻ bắt nạt đi là ổn. Nếu nhà trường không có một hệ thống nhận diện, phòng ngừa nguy cơ, hỗ trợ các vấn đề tâm lý, nâng cao kỹ năng quản lý cảm xúc hoặc giải quyết vấn đề thì một kẻ bắt nạt chuyển đi sẽ có những kẻ bắt nạt khác lên thay thế. Đồng thời, việc hành xử của chúng ta sẽ khiến tương lai của một đứa trẻ có thể sang một ngã rẽ tiêu cực hơn.
Mô hình phòng chống bạo lực học đường
Tại hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc” vừa tổ chức, TS Trần Văn Công, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về các mô hình phòng chống bạo lực học đường.
Theo ông Công, bạo lực học đường là bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên xảy ra trong khuôn viên trường học, trên đường đến trường hoặc về nhà, hoặc trong các sự kiện mà nhà trường tổ chức; và một học sinh có thể là nạn nhân, thủ phạm, hoặc người chứng kiến. Các hệ quả không chỉ dừng lại ở tổn thương thể chất ngay lập tức mà còn là các tổn thương sau này về tinh thần.
Một số yếu tố nguy cơ trở thành thủ phạm gồm hành vi phạm pháp/chống đối, rối loạn tăng động giảm chú ý; trong khi đó các yếu tố nguy cơ trở thành nạn nhân liên quan đến sự chấp nhận của bạn bè, học sinh nào được bạn bè yêu mến và chấp nhận hơn thì ít có khả năng trở thành nạn nhân ở trường và ngược lại.
Thứ hai, trường học có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em. Những người lớn giám sát và làm việc trong môi trường giáo dục có nhiệm vụ cung cấp môi trường hỗ trợ và thúc đẩy phẩm giá, sự phát triển và bảo vệ của trẻ em. Giáo viên và các nhân viên khác có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em do họ phụ trách.
Thứ ba, các hoạt động toàn diện giúp ngăn ngừa bạo lực và có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, những người quan trọng trong cuộc sống của trẻ đã được chứng minh là có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bạo lực so với các hoạt động chỉ tập trung vào một nhóm mục tiêu cụ thể.
Đồng thời, việc thực hiện cần đảm bảo có đầy đủ các yếu tố theo tiến trình từ đánh giá xác định vấn đề, thiết lập kế hoạch rõ ràng về các hoạt động cho các bên liên quan cho đến đánh giá hiệu quả.
Cuối cùng, thực trạng cho thấy các mô hình tại Việt Nam phần lớn tổ chức nhỏ lẻ theo các trường, hoặc khu vực nhỏ; cũng bao gồm đa dạng các bên liên quan như nhà trường, công an, hội phụ huynh và học sinh với các hoạt động chủ đạo gồm: tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các buổi sinh hoạt của học sinh.
Tuy vậy, mới chỉ tập trung can thiệp vào nhóm học sinh, thiếu vắng sự tác động, thay đổi vào môi trường lớn hơn là hệ thống trường học, nhận thức và kỹ năng của cha mẹ.
Do đó, các mô hình trong tương lai cần quan tâm đến: kế hoạch cải thiện, thay đổi tối đa các bên liên quan; nguồn tài chính phát triển và duy trì mô hình; và triển khai mô hình cần có các chỉ báo kết quả đo lường được.
Theo Đại biểu nhân dân
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất