10:36 28/10/2023

Tuyên truyền về người khuyết tật cần đa chiều, đúng luật và nhân văn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Hạnh

Ngày 27/10, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB và XH) phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tập huấn công tác truyền thông lĩnh vực người khuyết tật (NKT).

Tham dự chương trình tập huấn có bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, bà Nguyễn Vĩnh Quyên - nguyên Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội, đại diện các tổ chức xã hội, hiệp hội liên quan đến NKT.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Thụy cho biết, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số. Trong số đó, có hơn 1,6 triệu NKT nặng và rất nặng đã được cấp thẻ BHYT. Những NKT còn lại, tùy dạng tật đều được hưởng chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi của nhà nước.

taphuan2
Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh văn phòng UBQG về NKT Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hạnh).

Cũng theo bà Thụy, nhiều năm qua, nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến đời sống, tinh thần của NKT, theo đó ban hành, triển khai nhiều chủ trương chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vài trò NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Công tác NKT đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp với NKT được nâng cao, NKT ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hòa nhập đời sống xã hội.

Liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe, đời sống NKT, bà Thụy thông tin, hiện các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật, thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail cho người khiếm thị toàn quốc.

 

taphuan1
Chương trình tập huấn truyền thông về NKT có sự tham gia đông đảo của đại biểu các đơn vị liên quan. Ảnh: BTC

Thống kê hàng năm, có khoảng 19.000 NKT được dạy nghề tạo việc làm; 20.000 lượt NKT được giới thiệu việc làm, khoảng gần 40.000 NKT được vay vốn từ Quỹ quốc gia và Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình và tập thể.

Các cơ quan, doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sách, nhiều hoạt động cụ thể, giúp NKT phát huy năng lực, nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, mà Luật NKT quy định.

taphuan3
Bà Nguyễn Vĩnh Quyên, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội, trong vai trò là giảng viên, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế cho các đại biểu. Ảnh: BTC

Tuy nhiên, song song với những kết quả đạt được, cũng còn rất nhiều khó khăn, rào cản đến từ xã hội và tự thân NKT. Cụ thể, tại một số tỉnh thành, các cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT. NKT còn vấp nhiều rào cản trong tiếp cận chính sách về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng, điều chỉnh trợ cấp xã hội…, dẫn đến đời sống của NKT, nhất là NKT nặng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn bộ phận không nhỏ những người thiếu nhận thức còn kỳ thị, xa lánh NKT, gây tổn thương cho NKT.

Bà Thụy nhấn mạnh về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền chính sách, nêu gương sáng, nghị lực sống điển hình của NKT, nhân rộng những mô hình kinh tế của các chi hội NKT trên cả nước.

taphuan4
Bà Đinh Thị Thụy trả lời các câu hỏi của đại biểu trong phần thảo luận. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Trong vai trò là giảng viên, cựu nhà báo có thực tế nhiều năm trong công tác truyền thông về NKT, bà Nguyễn Vĩnh Quyên – nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Quốc hội, cho rằng, công tác tuyên truyền về NKT cần được chú trọng hơn, đúng hướng và nhân văn hơn nữa mới giúp nâng cao đời sống và tinh thần của NKT.

Với nhiều năm làm lãnh đạo, trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền về NKT, thực hiện nhiều phóng sự, nhiều tuyến bài về NKT, bà Quyên đã đưa vào bài giảng những kiến thức thực tế, giúp nâng cao nhận thức, phương pháp tuyên truyền cho cán bộ truyền thông, phóng viên các báo đài. Bà Quyên cho rằng, nên bắt đầu bằng việc thay đổi những suy nghĩ đã ăn sâu vào công chúng rằng NKT vô dụng và không có năng lực.

“Khi tuyên truyền về NKT, cần phản ánh đúng sự thật, không bi kịch hóa, cũng không quá đề cao NKT mà cần tiếp cận thông tin dựa trên quyền con người, tôn trọng sự đa dạng, loại trừ định kiến, kỳ thị. Tuân thủ nguyên tắc đạo đức và an toàn, đa chiều và công bằng, kết hợp việc sử dụng ngôn ngữ chọn lọc, chuẩn xác theo quy định của pháp luật và mang tính phổ thông nhất”, bà Quyên nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Nhài - Hội NKT quận Bắc Từ Liêm chia sẻ về những rào cản, phân biệt đối xử bà đã trải qua trong cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Tại buổi tập huấn, trong phần thảo luận, đại diện một số tổ chức của NKT đã kiến nghị thúc đẩy chính sách, quy định về quyền của NKT được đồng bộ và xác thực hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề giao thông cho NKT còn nhiều rào cản, các phương tiện công cộng chưa đồng nhất trong việc tạo đường di chuyển và bậc lên xuống cho NKT sử dụng xe lăn đối với phương tiện giao thông công cộng như xe bus, bến tàu, bến xe, máy bay. Việc cấp bằng lái xe cho NKT đủ sức khỏe, năng lực hành vi cũng chưa được thực thi. Việc cấp tài khoản và giao dịch tại một số ngân hàng đang làm khó cho nhiều người khiếm thị không có khả năng thích ứng với công nghệ số…

taphuan6
Ông Nguyễn Trung Thái - Phó Trưởng ban kiểm tra Hội người mù TP Hà Nội, người đã có 15 năm dạy học cho người khiếm thị chia sẻ những rào cản trong giáo dục, đặc biệt rào cản đối với trẻ khuyết tật. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Về vấn đề giáo dục cho trẻ khuyết tật, ông Nguyễn Trung Thái – Phó Trưởng ban kiểm tra Hội người mù TP. Hà Nội cho biết, đây cũng đang là bài toán khó giải. Theo luật định, trẻ khuyết tật được quyền đi học muộn so với trẻ bình thường 3 tuổi, tức là trẻ khuyết tật 9 tuổi mới bước vào lớp 1. Sự chênh lệch về độ tuổi, sức khỏe nhận thức đang là rào cản đối với trẻ khuyết tật. Trẻ khiếm thị chỉ được dạy chữ nổi sẽ khó tiếp cận với nền tảng số, ví dụ như trình đọc màn hình của các ngân hàng…

Kết lại chương trình tập huấn, bà Đinh Thị Thụy nêu quan điểm: Nếu được trao đủ công cụ, sẽ không còn rào cản, NKT sẽ có đời sống như người bình thường, họ giống như một mảng màu đa sắc của cuộc sống.

“Chúng ta cần đặt vào hoàn cảnh, cuộc sống của NKT, có góc nhìn đa chiều về trí tuệ và năng lực của họ. Công ước, luật, chính sách cho NKT đã có, để thực thi đồng bộ và triệt để rất cần sự chung tay của các bộ ban ngành trong xã hội. Và để NKT hòa nhập với thế giới 4.0 truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng”, bà Thụy nhấn mạnh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận