Cục An toàn thực phẩm xử phạt quảng cáo sai sự thật Cốm dưỡng tóc Thix&Fix: Bao nhiêu trẻ nhỏ đã bị lừa dối?
Ngày 2/1/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã xử phạt một số đơn vị vi phạm các quy định về quảng cáo sản phẩm, trong đó có quảng cáo sai sự thật về Cốm dưỡng tóc Thix&Fix.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt ông Đinh Công Huy với nội dung thông báo cụ thể như sau:
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm dưỡng tóc Thix&Fix - giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 822/2021/ĐKSP ngày 26/1/2021 và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thik&Fix Plus+ - giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 5011/2023/ĐKSP ngày 12/6/2023 do Công ty Cổ phần BIGFA (khu công nghiệp Lương Sơn, Km36 – QL6, xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) sản xuất và Công ty TNHH Thương mại Trugroup (địa chỉ: phòng 204, tầng 2, số nhà 27 tòa nhà văn phòng Hồng Hà, ngõ 109 đường Trường Chinh, phường Trung Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) công bố bị xử phạt 12,5 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Cục An toàn thực phẩm buộc ông Đinh Công Huy cải chính thông tin; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm dưỡng tóc Thix&Fix và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thix&Fix Plus+ tại đường link https://thixfix.vn/.
Đây là một trong những sản phẩm được quảng cáo rầm rộ thời gian qua đánh vào đối tượng là cả trẻ em và người lớn, có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng, thậm chí có những người tham gia quảng cáo còn mạnh miệng khẳng định chắc chắn công dụng của sản phẩm "nếu không có hiệu quả thì cứ kiếm em", khiến cho người tiêu dùng tưởng thật.
Theo giấy xác nhận quảng cáo số: 2025/2021/XNQC-ATTP, Cục ATTP - Bộ Y tế cấp cho Công ty TNHH thương mại TRUGROUP thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm dưỡng tóc THIK&FIX chỉ có công dụng hỗ trợ bổ huyết, hỗ trợ làm đen tóc... chứ không có công dụng “thần thánh” như tổ chức kinh doanh quảng cáo trên.
Rất nhiều các hình ảnh và clip quảng cáo nổ về công dụng của sản phẩm này tràn ngập mạng xã hội, nhưng không có căn cứ nào từ cơ quan chức năng khẳng định hiệu quả như vậy. Và câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra là, có bao nhiêu đứa trẻ rơi vào cảnh sử dụng sản phẩm cốm THIK&FIX nhưng không đạt được hiệu quả như quảng cáo? Những trường hợp bị rơi vào hoàn cảnh này có thể trình báo với cơ quan chức năng để tiếp tục xử lý nghiêm minh đơn vị kinh doanh, quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng, nhất là với trẻ nhỏ?
Rất nhiều ý kiến bày tỏ rằng những hành vi kinh doanh gian dối, đặc biệt là lừa dối đối tượng tiêu dùng chính là trẻ em cần phải nghiêm trị bằng những khung hình phạt cao nhất, bởi vì đó là những hành vi vô đạo đức trong kinh doanh.
Cách bán sản phẩm này thông qua mạng xã hội tư vấn cho những người quan tâm rằng trẻ em từ 4 tuổi là dùng được loại cốm này. Các gói cốm quảng cáo như thần dược (có 30 gói nhỏ) và được bán combo 2 hộp cốm kèm theo 1 lọ dầu gội có giá lên tới 3,9 triệu đồng (áp dụng chiêu giảm giá 10% để câu khách). Combo này chỉ dùng được 1 tháng.
Nhân viên tư vấn để thấy hiệu quả phải dùng ít nhất 2 tháng, tức là phải chi ra 6,5 triệu mua 4 hộp cốm và 1 chai dầu gội. Thậm chí một số trường hợp tư vấn dùng liệu trình 6 tháng với số tiền chi ra lên tới hơn 20 triệu đồng (khi lạc vào ma trận giảm giá cũng phải chi ra hơn 16 triệu đồng).
Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm, trong năm 2024, cơ quan này đã tiến hành thanh tra 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng. Qua đó, 21 cơ sở đã bị xử phạt với tổng số tiền lên tới 12.258.925.000 đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm quảng cáo sai sự thật, vi phạm về nhãn mác, chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn, cũng như các vi phạm liên quan đến công bố sản phẩm.
Ngoài ra, một số vi phạm khác liên quan đến nhãn mác và chất lượng sản phẩm cũng đã bị xử lý nghiêm, với tổng số tiền phạt lên đến hơn 10 tỷ đồng. Cục cũng đã chuyển một số vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến buôn bán sản phẩm có chất cấm, hàng giả, sang cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.
Bà Trần Thị Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng là vấn đề nổi cộm. Quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm, hay các quảng cáo xuyên biên giới qua các nền tảng mạng xã hội đang gây khó khăn lớn trong việc kiểm soát, truy cứu và xử lý.
Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng chưa thực hiện đăng ký sản phẩm với Cục An toàn thực phẩm, hoặc có sản phẩm chưa được công bố nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo và phân phối. Điều này không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường thực phẩm chức năng. Cục An toàn thực phẩm đã tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo sai sự thật và chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất