Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: ‘Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có tiếng nói vô cùng quan trọng trong xã hội’
“Trong các cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, các hoạt động giám sát của Quốc hội, tiếng nói của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam rất có trọng lượng để đóng góp vào vấn đề bảo vệ quyền trẻ em”, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Bài viết này thuộc chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Trong 15 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội BVQTEVN (8/4/2008-8/4/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam về những kết quả đạt được thông qua sự phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) với Hội BVQTEVN cũng như Cục Trẻ em trong những năm vừa qua.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam đánh giá, sự phối hợp giúp cho từng cơ quan, đơn vị làm tròn sứ mệnh, vai trò của mình.
Thưa Cục trưởng, ông có thể chia sẻ về kết quả đã đạt được thông qua sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH, Cục Trẻ em với Hội BVQTEVN trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em thời gian vừa qua?
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: Trước hết, Hội BVQTEVN là một tổ chức đồng hành, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong các vấn đề liên quan đến trẻ em nói chung và công tác bảo vệ trẻ em nói riêng.
Trong những năm vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH cũng như Cục Trẻ em đã phối hợp với Hội BVQTEVN trong công tác thu thập thông tin.
Hội có một mạng lưới các tổ chức xã hội hoạt động vì quyền trẻ em, do đó, thông qua Hội, Cục Trẻ em có thể thu thập được thông tin từ các tổ chức xã hội nói riêng cũng như cộng đồng nói chung về các vấn đề trẻ em để có thể đánh giá tác động của pháp luật và chính sách về trẻ em. Từ đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách liên quan đến quyền trẻ em và giải quyết vấn đề về trẻ em.
Hội BVQTEVN thường xuyên tổ chức những diễn đàn, tập huấn,... Hội có hệ thống các Chi Hội tại một số địa phương hoạt động mạnh mẽ, do đó, việc thu thập thông tin, ý kiến của người dân, cộng đồng và trẻ em cũng là một trong những hoạt động Hội có thể triển khai thường xuyên, liên tục.
Cùng với đó, Hội cũng tham gia đóng góp ý kiến, quan điểm vào công tác xây dựng pháp luật, chính sách để các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em có hiệu quả và sát với thực tiễn cuộc sống hơn. Đồng thời, điều chỉnh được các mối quan hệ xã hội và giải quyết được các vấn đề về trẻ em một cách cụ thể và đạt kết quả cao hơn nữa.
Tiếp đến, Hội cũng là tổ chức hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tuyên truyền để đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống. Đặc biệt từ khi Luật trẻ em 2016 và các nghị định của Chính phủ, các thông tư của nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ LĐ-TB&XH được ban hành và triển khai trong đời sống, Hội BVQTEVN đóng góp rất lớn vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân thông qua mạng lưới của Hội để cộng đồng có thể hiểu rõ hơn về những văn bản pháp luật và chính sách có liên quan trực tiếp đến trẻ em vì đôi khi không phải lúc nào những chính sách, quy định,... về trẻ em cũng được sự đồng thuận, tiếp nhận từ phía xã hội ngay khi mới ban hành.
Ví dụ như quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em hay sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; tôn trọng, đáp ứng tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em,... Đó là những quy định còn khá mới mẻ đối với xã hội, cộng đồng, với gia đình và các bậc cha mẹ.
Thời gian qua, Hội đã có những đóng góp giúp đưa những nội dung pháp luật, chính sách về quyền trẻ em đến cộng đồng, cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước giáo dục, tuyên truyền về chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền trẻ em.
Ngoài ra, một kết quả trong sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Hội BVQTEVN, tôi đánh giá khá tốt đó là công tác nâng cao năng lực cho các thành viên trong Hội, cũng như lực lượng nòng cốt của Hội và mạng lưới Hội tại các cấp, các cơ sở địa phương để Hội hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Có thể thấy, trong 15 năm vừa qua, năng lực của các thành viên trong Hội, đặc biệt là đội ngũ chủ chốt tại các cấp và các địa phương đều được nâng cao rõ rệt.
Đồng thời, Hội BVQTEVN cũng là một trong những địa chỉ mà Quốc hội và Chính phủ lấy ý kiến trong việc thực thi pháp luật, chính sách cũng như xây dựng báo cáo hoặc các hoạt động giám sát của Quốc hội liên quan đến vấn đề trẻ em.
Theo tôi đánh giá, Hội BVQTEVN có tiếng nói vô cùng quan trọng trong xã hội. Đặc biệt trong những năm vừa qua, Hội đã kịp thời lên tiếng đối với những vấn đề, vụ việc vi phạm quyền trẻ em cần giải quyết. Từ đó, Hội cũng là địa chỉ được nhiều cơ quan báo chí tin tưởng lấy ý kiến cùng với quan điểm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tôi cho rằng, Hội BVQTEVN là một địa chỉ tin cậy và uy tín đối với giới truyền thông và dư luận xã hội.
Song song với đó, Hội cũng đã phát huy tốt vị trí là một thành viên của Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Đặc biệt, trong các cuộc họp của Ủy ban, các hoạt động giám sát của Quốc hội, tiếng nói của Hội rất có trọng lượng để đóng góp vào vấn đề bảo vệ quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em trong thực tế.
Tôi cho rằng, những hoạt động phối hợp giữa Hội BVQTEVN và Bộ LĐ-TB&XH cũng như Cục Trẻ em là sự bổ khuyết, hỗ trợ lẫn nhau. Một trong những kết quả có thể thấy rõ nhất chính là vị thế, vị trí và vai trò cũng như tiếng nói của Hội BVQTEVN trong xã hội, tiếng nói của Hội đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, đối với hệ thống Nhà nước ngày càng có uy tín và vị thế của Hội ngày càng được nâng cao hơn.
Ông đánh giá vai trò của Hội BVQTEVN trong sự phối hợp này như thế nào?
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: Tôi đánh giá sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH, cũng như Cục Trẻ em và Hội BVQTEVN giúp cho từng cơ quan, đơn vị làm tròn sứ mệnh, vai trò của mình.
Cùng với đó, sự phối hợp này cũng giúp cho Hội BVQTEVN có thể tập trung vào những công việc mang tính chất đặc trưng, những trách nhiệm của Hội được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em 2016 như: Tham gia giám sát, tham gia phản biện hay đại diện cho các tổ chức xã hội làm về trẻ em góp tiếng nói nhiều hơn trong quá trình xây dựng các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến trẻ em.
Tôi cho rằng, sự bổ khuyết này giúp cho các cơ quan, tổ chức hoàn thành tốt hơn vị trí và trách nhiệm của mình được luật pháp quy định, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 quy định.
Thưa Cục trưởng, ông có khuyến nghị gì dành cho Hội BVQTEVN nói riêng và các tổ chức xã hội về trẻ em nói chung trong việc tăng cường tuyên truyền bảo vệ quyền trẻ em trong thời gian tới?
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: Tôi cho rằng, Hội BVQTEVN cấp Trung ương và các cấp có lợi thế đó là vị trí pháp lý của Hội khá vững chắc được nêu cụ thể trong Luật Trẻ em 2016. Đặc biệt, Hội là một tổ chức xã hội đặc thù khi Luật Trẻ em 2016 quy định được tham gia giám sát vào việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Thời gian vừa qua, Hội BVQTEVN cũng đã chủ động đề nghị, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm giám sát như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị xã hội,... mời Hội tham gia vào các hoạt động giám sát có liên quan đến trẻ em.
Đồng thời, các cấp Hội ở địa phương cần giảm bớt các hoạt động trùng lặp, phát huy tính đặc thù của Hội, vì đây là một tổ chức xã hội hoạt động về quyền trẻ em. Do đó, cần thúc đẩy tiếng nói, công tác phản biện, thu thập thông tin ý kiến cộng đồng, tham gia xây dựng pháp luật chính sách,... Đặc biệt cần tập trung hơn vào những trách nhiệm của Hội được quy định trong Luật Trẻ em 2016.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất