00:00 22/01/2023

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: 'Lan toả yêu thương và trách nhiệm tới trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phương Nhung - Hoài Linh

Trong cuộc trò chuyện với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh tới công tác chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2030.

Nối vòng tay yêu thương

PV: Kính thưa Cục trưởng Đặng Hoa Nam, năm 2022 đánh dấu một chặng đường, sự trở lại của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sau đại dịch Covid-19, đặc biệt trong các hoạt động của công tác trẻ em. Ông có thể điểm lại những thành tích, hoạt động nổi bật của lĩnh vực này trong năm 2022?

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Năm 2022, chúng ta tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế, xã hội 2021-2025 của Chính phủ, trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em tiếp tục đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu phức tạp hơn. 

1 Cuc truong Dang Hoa Nam
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) (Ảnh: Hà Chi).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) tiếp tục chủ trì, phối hợp chuẩn bị tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trẻ em di cư giai đoạn 2022-2030; phối hợp, triển khai tặng các gói thực phẩm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương và Long An (800 gói quà, trị giá một triệu đồng/gói quà),... 

Nhằm triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 nói riêng, biến đổi khí hậu, thiên tai tới trẻ em nói chung, nhiều tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, trong đó có Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chủ động thực hiện và tổ chức điểm một số hoạt động.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình “Nối vòng tay thương” nhằm bảo trợ, hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, thiên tai, thảm họa.

2 Cuc truong Dang Hoa Nam
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam trao quà cho các em nhỏ (Ảnh: Xuân Long - TH Vì trẻ em).

Tính từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2022, Trung ương Đoàn đã bảo trợ 819 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh (mỗi em 2 triệu đồng/tháng) với tổng kinh phí bảo trợ ước đạt hơn 16,3 tỷ đồng.

4 Thu truong Nguyen Thi Ha
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà cho các em học sinh (Ảnh: Xuân Long - TH Vì trẻ em).

PV: Thưa Cục trưởng, dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống. Trong đó, sức khỏe tâm thần, điều kiện sống của trẻ em, thanh thiếu niên là một trong những vấn đề bị ảnh hưởng lớn. Vậy Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành đã có những hoạt động triển khai như thế nào để giải quyết các vấn đề nói trên? 

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Bên cạnh những vấn đề phi truyền thống, chưa có tiền lệ thì tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng làm nổi lên một số vấn đề xã hội và vấn đề của trẻ em như sức khỏe tâm thần, an toàn trên môi trường mạng, di cư…  của trẻ em, thanh thiếu niên cần được quan tâm nhiều hơn.

Nhìn nhận được thực tiễn vấn đề đó, Bộ LĐTBXH đã triển khai giải quyết các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 3 triệu trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần.

5 Thu truong Nguyen Thi Ha
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các em học sinh tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia (Ảnh: Xuân Long - TH Vì trẻ em).

Trong và sau đại dịch Covid- 19, các bộ, ngành, tổ chức đã tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, biên soạn, phát hành tài liệu, sản phẩm truyền thông tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, phòng ngừa sang chấn tâm lý cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) thực hiện tiếp nhận và tư vấn nhiều hơn các ca liên quan đến Covid-19. Mạng lưới các chuyên gia về tâm lý, những người tình nguyện chăm sóc,  hỗ trợ các trường hợp trẻ em, người dân bị sang chấn tâm lý đã hình thành trong bối cảnh Covid-19.

Vấn đề hiện nay là cần phải củng cố, phát triển một hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, trong đó ưu tiên cho trẻ em, gồm 3 trụ cột chính: Phát hiện và chăm sóc tâm lý lâm sàng trong chăm sóc sức khỏe, Tham vấn tâm lý xã hội trong công tác xã hội, Tâm lý học đường trong giáo dục.

Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em

PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cục trưởng có thể chia sẻ những khó khăn, hạn chế còn tồn đọng trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến vấn đề trẻ em trong năm qua? 

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Một số thách thức, hạn chế có thể kể đến như hiện nay, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực với trẻ em nhỏ tuổi, xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

z3907784807230_b04ecdac47835c2ae5e3c478ada62fdc
Năm 2022, công tác phối hợp liên ngành đã được duy trì và có nhiều khởi sắc, mang tính đột phá, nhiều mô hình, giải pháp, quy trình thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em (trong đó có, phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn đầu đời, thúc đẩy quyền được tham gia của trẻ em, tham vấn tâm lý học đường, phòng điều tra thân thiện với trẻ em, phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em) đã và đang được triển khai thí điểm cho thấy hiệu quả thiết thực.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Việc chủ động phòng ngừa xâm hại, tổn hại cho trẻ em chuyển biến còn chậm do việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thực hiện chưa kịp thời, vẫn còn một bộ phận người dân và thành viên gia đình chưa nhận thức đầy đủ, thiếu kiến thức, kỹ năng về việc phát hiện, thông báo kịp thời các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em tới các cơ quan chức năng,…

Tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, vẫn còn hôn nhân cận huyết thống, một số tập tục lạc hậu còn chưa được xóa bỏ ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em dân tộc thiểu số.

Vẫn còn sự chênh lệch lớn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng giữa các địa bàn, đặc biệt là các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

PV: Cục trưởng có thể cho biết về định hướng, phương hướng hoạt động, kế hoạch thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em trong năm 2023? 

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Trong năm 2023, Bộ LĐTBXH sẽ tăng cường vai trò điều phối, phối hợp liên ngành trong rà soát, bổ sung, sửa đổi về pháp luật, chính sách liên quan đến thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em và phát triển trẻ em toàn diện, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời, cần thúc đẩy việc triển khai, hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng bộ chuẩn phát triển của trẻ em 5 tuổi.

Triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, trong đó, tập trung thực hiện chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Xây dựng Kế hoạch, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hiệp quốc (sau phiên đối thoại về báo cáo định kỳ lần 5 và lần 6 của Việt Nam trước Ủy ban). 

Bảo đảm đưa, lồng ghép các giải pháp, mô hình thực hiện quyền trẻ em, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của bộ, ngành, địa phương, đồng thời xác định cụ thể cơ chế và nguồn lực thực hiện, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực.

Tiếp tục thúc đẩy xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo tiêu chuẩn mới, cao hơn. Cần phải gắn việc hoàn thành các chỉ tiêu về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong nhiều văn bản Chỉ thị về công tác trẻ em.

3 Cuc truong Dang Hoa Nam
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cùng các đại biểu, các em học sinh tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia (Ảnh: Xuân Long - TH Vì trẻ em).

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cần đặc biệt quan tâm đến việc củng cố và phát triển nguồn lực thực hiện quyền trẻ em. Tiếp tục triển khai các can thiệp giải quyết các vấn đề về trẻ em theo các tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực.Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động truyền thông, đặc biệt truyền thông đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra liên ngành.

Sau liên thông thành công của cơ sở dữ liệu về trẻ em của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em.

Về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM của Việt Nam, gồm thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh/video xâm hại trẻ em và có cơ chế để các cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tham gia cập nhật, phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các các hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng dựa trên các ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn,…

Hướng tới kết nối với các cơ sở dữ liệu tương tự trong khu vực và của các cơ quan, tổ chức quốc tế về bảo vệ trên môi trường mạng. Và lưu ý nữa là tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, tiếp tục vai trò tiên phong của Việt Nam trong các phong trào, liên minh toàn cầu về quyền trẻ em. 

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận