UNICEF Việt Nam: ‘Hội BVQTEVN đã có nhiều hoạt động chất lượng thúc đẩy quyền trẻ em ở Việt Nam’
“UNICEF đã và sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực của Hội BVQTEVN nhằm thúc đẩy vai trò giám sát và thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em,...”, bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ.
Bài viết này thuộc chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Trong 15 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) (8/4/2008-8/4/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam.
Thưa bà, UNICEF Việt Nam đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội BVQTEVN và vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của Hội BVQTEVN đối với UNICEF nói riêng cũng như đối với trẻ em và toàn xã hội nói chung trong những năm qua?
Bà Lê Hồng Loan: Trước hết, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội BVQTEVN, thay mặt cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, tôi xin gửi lời chúc mừng tới toàn thể các Hội viên của Hội BVQTEVN. Xin kính chúc Hội không ngừng phát triển và lớn mạnh, ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.
Hội BVQTEVN là một tổ chức chính trị xã hội duy nhất được quy định trong Luật trẻ em 2016, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền trẻ em Việt Nam.
Trong 15 năm qua, Hội BVQTEVN đã có nhiều hoạt động có chất lượng thúc đẩy quyền trẻ em ở Việt Nam.
Hội đã có nhiều hoạt động khảo sát, thu thập thông tin về tình hình thực hiện quyền trẻ em ở các địa phương để tổng hợp và xây dựng các khuyến nghị có chất lượng tới các cơ quan của Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, các địa phương nhằm góp phần thực hiện tốt hơn vai trò đóng góp, xây dựng chính sách pháp luật về quyền trẻ em của Hội.
Ví dụ gần đây Hội đã thực hiện hai nghiên cứu về: Nghiên cứu đánh giá thực trạng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, khoảng trống pháp lý và vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình. Nghiên cứu khảo sát thực trạng về thực hiện quy trình tố tụng thân thiện và hỗ trợ y tế đối với trẻ em bị xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, Hội cũng tiến hành hai khảo sát trực tuyến, khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em năm 2021 và nhận thức về quyền trẻ em trên môi trường kỹ thuật số.
Hội đã có nhiều văn bản góp ý có chất lượng cho các văn bản, chính sách, chương trình liên quan tới trẻ em như Nghị quyết 121 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường và thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thông tư ban hành hai bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hội BVQTEVN cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, tăng quyền tham gia, tính đại diện của trẻ em, tăng sự tự tin của trẻ em, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Hội cũng thực hiện nhiều khảo sát lấy ý kiến của trẻ em về các vấn đề liên quan tới bạo lực trẻ em trong gia đình nhằm thu thập thông tin để đề xuất các nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Hội đã có sự kết hợp, hợp tác giới thiệu chuyển gửi rất kịp thời sang Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tới các cơ quan liên quan của Chính phủ, các địa phương về nhiều vụ việc vi phạm quyền trẻ em mà người dân phản ánh đến Hội.
Hội cũng đã tham gia, giám sát thực hiện quyền trẻ em tại cộng đồng và thông qua các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, các luật sư của Hội BVQTEVN đã có nhiều hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong nhiều vụ án bạo hành, xâm hại trẻ em.
Được biết trong suốt thời gian qua, UNICEF Việt Nam và Hội BVQTEVN đã có những dự án hợp tác đem lại lợi ích tới trẻ em, rất mong bà có thể chia sẻ về những dự án hợp tác giữa UNICEF và Hội BVQTEVN trong thời gian sắp tới?
Bà Lê Hồng Loan: UNICEF đã và sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực của Hội BVQTEVN nhằm thúc đẩy vai trò giám sát và thực hiện quyền trẻ em đặc biệt là quyền được bảo vệ khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Cụ thể trong giai đoạn 2023 - 2026, UNICEF sẽ hợp tác với Hội BVQTEVN trong việc tăng cường năng lực của Hội thông qua việc quản lý các vụ việc cụ thể liên quan đến xâm hại, bạo lực đối với trẻ em để từ đó Hội có kinh nghiệm, bằng chứng thực tế, phục vụ cho việc vận động chính sách và phản biện xã hội về các luật và chính sách bảo vệ trẻ em ở Việt Nam.
UNICEF cũng sẽ hợp tác với Hội trong việc nâng cao công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cha mẹ, trẻ em, doanh nghiệp nhỏ cũng như một số các hiệp hội doanh nghiệp về quyền trẻ em, tầm quan trọng của việc giáo dục cho trẻ em và nâng cao hiểu biết của người dân đối với những hậu quả lâu dài và trước mắt của lao động trẻ em nhằm góp phần giảm thiểu, xóa bỏ lao động trẻ em.
UNICEF cũng sẽ hợp tác với Hội BVQTEVN trong việc nâng cao năng lực của Hội trong việc tham gia, xây dựng, giám sát và đánh giá các luật, chính sách liên quan đối với lao động trẻ em, bạo hành, xâm hại, bóc lột trẻ em thông qua việc tổ chức các đối thoại về chính sách và hội thảo với các cơ quan liên quan của Chính phủ, Quốc hội, đối thoại với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam với các hiệp hội, doanh nghiệp về lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, góp phần vào việc tăng cường các luật pháp, chính sách, các chương trình liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em.
Là một người gắn bó với công tác trẻ em, bà nhận định thế nào về những khó khăn mà Hội BVQTEVN đã và đang gặp phải trong việc phát huy, bảo vệ quyền và tiếng nói của trẻ em? Từ đó bà có thể đưa ra khuyến nghị dành cho Hội BVQTEVN và các tổ chức xã hội về tăng cường tuyên truyền bảo vệ quyền trẻ em?
Bà Lê Hồng Loan: Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm. Hệ thống bảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã được thiết nhưng nhiều hoạt động còn chưa thực sự hiệu quả và nguồn nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em còn thiếu và hạn chế về mặt chuyên môn.
Việt Nam chưa có mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp làm công tác về bảo vệ trẻ em ở cấp quận, huyện và Việt Nam cũng chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, phường.
Đây là đội ngũ, nguồn nhân lực có trách nhiệm, có thẩm quyền, có kiến thức và kỹ năng để phát hiện, tiếp nhận thông báo, can thiệp ứng phó vào việc bảo vệ trẻ em kịp thời và hiệu quả.
Việt Nam cũng chưa có hệ thống quản lý trường hợp, số hóa trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Nhiều ca xâm hại trẻ em còn chưa được phát hiện kịp thời. Việc tăng cường hiệu quả của việc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cũng là những ưu tiên mà Việt Nam cần chú ý.
Trong tương lai, chúng tôi khuyến nghị Hội BVQTEVN tăng cường vai trò giám sát thực hiện quyền trẻ em, đóng góp vào việc vận động và tăng cường các chính sách nhằm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em ở Việt Nam.
Chúng tôi mong Hội BVQTEVN sẽ tham gia và góp phần vận động chính sách đối với Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các địa phương và các đối tác cho những ưu tiên đã được đề cập ở phía trên.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng, Hội BVQTEVN sẽ tiếp tục phát huy vai trò và có nhiều hoạt động có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ án bạo hành, xâm hại trẻ em cũng như trong công tác truyền thông về pháp luật về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại và giảm thiểu lao động trẻ em; có nhiều hoạt động kết hợp với các trường học, các cơ quan trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác truyền thông về quyền trẻ em ở Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn bà!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất