07:21 30/12/2022

Đề Văn nghị luận về vấn đề bỏ Tết ta gây tranh cãi, giáo viên nói gì?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Ngày 28/12, nhiều học sinh khối 10 của một trường THPT, TPHCM chia sẻ đề thi môn Ngữ văn học kỳ I năm học 2022-2023. Đề thi với câu nghị luận xã hội trình bày quan điểm về vấn đề “Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa”.

Đề Văn gây nhiều tranh cãi

Theo đó, ở phần đọc - hiểu, đề Văn học kỳ I của khối lớp 10 trường THPT Trưng Vương (Quận 1, TPHCM) đã đưa bài “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên vào đề thi và ở câu 5 đã đặt ra câu hỏi cho học sinh như sau: “Những năm gần đây, có ý kiến cho rằng, nên bỏ Tết ta (Tết Nguyên đán) vì “Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa”.

de-thi-mon-van-16722753263951596562280
Đề Văn học kỳ 1 năm học 2022-2023 lớp 10 - trường THPT Trưng Vương, TPHCM (Ảnh: Chụp màn hình).

Được biết, đây là câu nói của GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự của trường Đại học Nam Cần Thơ), ý kiến này từng gây ra rất nhiều tranh cãi trong những năm trước đây.

Chia sẻ chính kiến của mình trên rất nhiều trang báo, ông Xuân cho rằng, với sự biến đổi và phát triển của xã hội hiện nay, để thúc đẩy kinh tế, Việt Nam nên thực hiện đề xuất này.

Theo ông, mỗi năm cả nước đều có nhiều hoạt động đón Tết Dương lịch, bao gồm cả bắn pháo hoa, làm lễ đếm ngược, vui chơi đón năm mới. Rồi chỉ một, hai tháng sau đó tới Tết âm lịch, mọi quy trình được lặp lại, dường như rất tốn kém. 

Ông Xuân còn chỉ ra, hầu hết mọi người đều mang tâm lý vui chơi xuyên suốt từ Tết dương sang Tết âm và cả sau đó nữa. Điều này sẽ khiến công việc bị trì trệ, giao thông liên tục ùn tắc, kẹt cứng vì ai cũng mải đi chơi, lo ăn Tết.

Theo đó, GS Võ Tòng Xuân vẫn đón Tết Âm lịch như bao người khác. Tuy nhiên, ông chỉ ăn Tết trong 3 ngày rồi sẽ quay lại làm việc chứ không kéo dài thời gian vui chơi.

Khi đề thi này được chia sẻ, nhiều học sinh bày tỏ, đề thi sử dụng dữ liệu khá hay và gây bất ngờ. Các em học sinh thích thú khi được bàn luận về vấn đề có nên nghỉ Tết ta hay không.

Đọc đề thi này, em Lê Thị Huyền Trang (học sinh lớp 10, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ, Tết là khoảng thời gian sum họp gia đình, là thời điểm em được nghỉ ngơi và lấy lại tinh thần, sức khoẻ và động lực mới sau một năm học tập căng thẳng. 

“Tại sao có những người bỏ tiền đi du lịch để trải nghiệm lễ hội đặc trưng của các nước khác trên thế giới còn ở Việt Nam lại có ý nghĩ bỏ Tết truyền thống để cày cuốc công việc? Tết là thời gian ở bên gia đình, nhìn lại một năm vừa qua ta đã làm được gì, đặt mục tiêu mới cho bản thân,... Em không thấy có đủ lý lẽ và lý do để bỏ Tết nguyên đán”, Trang nói.

Nữ sinh này cho rằng, đừng đổ lỗi cho Tết mà phải nhìn nhận thực tế, có rất nhiều người vốn lười làm việc, năng suất lao động thấp, ăn chơi quá đà, suy nghĩ hưởng thụ từ quá sớm, sống thiếu mục đích, mục tiêu cụ thể,... do đó, mãi không vươn lên được.

Liên quan đến đề văn trên, nhiều phụ huynh có chung ý kiến đề thi mang tính thời sự, rất hay nhưng lại không có đáp án chính xác. Phụ huynh băn khoăn, việc chấm điểm dựa trên quan điểm của người chấm, vậy làm thế nào đảm bảo tính công bằng?

Bên cạnh đó, một số phụ huynh cho rằng, đề thi trích dẫn ý kiến của GS Võ Tòng Xuân nên ghi rõ nguồn đăng tải và chú thích câu nói phát ngôn trong bối cảnh nào. Về vấn đề này, tổ Ngữ văn trường THPT Trưng Vương đã rút kinh nghiệm để biên soạn đề kiểm tra tốt hơn.

Quan điểm của giáo viên Ngữ văn về câu nói "bỏ Tết ta"

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về câu có nên bỏ Tết ta (Tết Nguyên đán) vì "Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa", giáo viên Ngữ văn Nguyễn Như Quỳnh - trường THCS Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận xét, đây là một câu hỏi hay, có tính phản biện cao.

Cô cho rằng, nét đặc sắc để phân biệt các quốc gia với nhau chính là phong tục, tập quán và văn hoá được lưu giữ hàng ngàn đời. Một trong những viên ngọc quý của văn hóa Việt Nam là các ngày lễ, Tết. Tết cổ truyền dân tộc không chỉ là nét văn hóa mà còn là phong tục đẹp đẽ hàng ngàn năm ông cha ta để lại, chứa đựng nghĩa tình thiêng liêng.

Với mỗi người Việt, Tết là dịp lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm. Sau một năm làm việc vất vả bận rộn, đây là khoảng thời gian để chúng ta nhìn lại một năm qua thành công hay thất bại, lên dây cót tinh thần cho hành trình sắp tới mà tiếp tục phấn đấu.

“Điều gì khiến mọi người mong chờ Tết? Vì đó chính là ngày của sự sum vầy, ấm áp khi tình người lan tỏa. Đó là ngày những đứa con tất bật nơi phương xa trở về với vòng tay của gia đình, ngồi bên bữa cơm đoàn viên cười nói, gạt bỏ tất cả những nhọc nhằn năm cũ. Đó là ngày dẹp qua một bên những hiềm khích, anh em bạn bè đến nhà nhau chơi, bắt tay chúc mừng một năm mới bình an, hạnh phúc...”, cô nói.

Bên cạnh đó, cô cho rằng, những phong tục truyền thống trong ngày Tết của người Việt: Tục tiễn ông Táo về trời, gói bánh chưng, đi chợ hoa ngày Tết, sắm sửa mâm ngũ quả, dọn dẹp nhà cửa, thăm viếng mộ tổ tiên, đón giao thừa, xông đất, chúc Tết mừng tuổi đầu năm,... là những giá trị hiện sinh, vừa gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa. 

Đứng ở góc nhìn của một giáo viên, bản thân cô thấy đây còn là dịp giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào, yêu nước nồng nàn trong mỗi người Việt Nam. Bởi hiện nay, lối sống vô cảm và có phần quên lãng lịch sử dân tộc đang nhen nhóm ở các bạn trẻ.

Vì vậy, cô Quỳnh nêu rõ quan điểm: "Tết không ngăn cản đất nước chúng ta phát triển. Con người mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc phát triển của một đất nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều chúng ta cần không phải là buông bỏ đi những giá trị truyền thống mà tập trung giáo dục một cách đúng đắn, định hướng tư tưởng giới trẻ rõ ràng, đúng hướng". 

Cô kết luận, đây là một đề mở không có đúng sai. Mỗi người một góc nhìn, học sinh muốn giữ Tết ta hay bỏ, trong đề Văn này đều có thể đưa ra các quan điểm, lập luận để bảo vệ cho ý kiến của mình. Đề không đánh đố nhưng để đạt điểm cao trong đề kiểm tra này không dễ. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận