07:03 15/11/2022

Đừng nói thà chạy xe ôm quyết không bế cháu, kết tội cháu hư là tại cả ông lẫn bà

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phương Nhung

“Đừng nói thà chạy xe ôm chứ nhất quyết không ở nhà bế cháu nội, hay có nhiều bạn trẻ bây giờ kết tội cháu hư tại... ông bà. Tôi chăm 5 đứa cháu rồi, tất cả đều lễ phép, chan hoà với bạn bè, bà con lối xóm”, một độc giả bày tỏ.

Tranh cãi quan điểm “Thà chạy xe ôm chứ nhất quyết không ở nhà bế cháu nội”

Tuần vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đăng tải bài viết “Thà chạy xe ôm chứ nhất quyết không ở nhà bế cháu nội”. Bài viết kể về một câu chuyện có thực, nổi bật trong đó là quan điểm của chú xe ôm công nghệ. Chú chia sẻ, sẽ không ở nhà bế cháu nội mà khuyến khích các con tự chăm lo, vun vén cho cuộc sống riêng tư của mình.

“Con ai người ấy bế. Thời xưa các cụ vất vả kiếm miếng ăn, có đỡ đần đâu mà cô chú vẫn tự chăm con được. Chú có thể trông giúp lúc bố mẹ nó bận hoặc đi công tác, chứ bế ẵm hàng ngày thì không”, chú xe ôm công nghệ nói.

Ngay sau bài viết, rất nhiều độc giả đã gửi phản hồi về toà soạn. Bên cạnh những bình luận dưới bài viết, nhiều độc giả còn gửi email, bày tỏ ý kiến khác nhau.

Quan điểm của chú xe ôm công nghệ nhận phản ứng trái chiều. Độc giả có tên tài khoản Thuỳ Phương Nguyễn ủng hộ, cho rằng: “Hướng suy nghĩ của bác xe ôm là tư tưởng tích cực cho các thành viên gia đình hiện đại đang hướng tới.

Bản thân tôi cũng có tư tưởng như thế và cũng đã nói trước các con. Nhưng, khi có cháu, mỗi ngày bên cháu, nhìn cháu lớn lên trong vòng tay ông, bà, ba, mẹ, tôi lại thấy vui. Hơn nữa, các con rất bận, áp lực công việc, cả con cái, tôi không nỡ”.

xe ôm - chạy xe ôm - Trẻ em Việt Nam
Ảnh minh hoạ: Hoài Linh thiết kế.

Bạn đọc Hoài Anh bày tỏ sự trăn trở: “Đọc bài này xong, mình suy nghĩ nhiều quá. Vợ chồng mình cũng đi làm suốt ngày.

Hôm nào cũng phải nhờ bà ngoại đưa con đi học rồi đón con về, cho con ăn, tắm rửa rồi mới sang nhà bà đón hai đứa về được. Không biết như thế là đúng hay không đúng nữa. Có khi nào bà cũng mệt mà thương con không nói ra”.

Nghỉ hưu nhưng lại bước vào một “nhiệm kỳ mới

“Bố mẹ ơi con xin lỗi, có lẽ chúng con đã quá ỷ lại, dựa dẫm có “ông bà bằng ba giúp việc” nên thường xuyên tăng ca, về muộn. Vì thường ngày, thấy ông bà tình nguyện đưa đón cháu đi học nên hai vợ chồng không nghĩ ngợi quá nhiều.

Đọc bài viết này, con mới nhận ra, mình chưa thực sự biết cách sắp xếp thời gian, công việc để cân bằng cuộc sống, cho ông bà quỹ thời gian nghỉ ngơi của tuổi già”, bạn đọc Hùng Lê nhắn nhủ.

Bạn đọc Minh Giang cho rằng: “Đáng lẽ nghĩ hưu thì nhiều ông bà ở Việt Nam bước vào một “nhiệm kỳ mới” quay cuồng không kém gì công việc hành chính. Bản thân mình rất ủng hộ quan điểm, con ai người ấy bế. Nhiều ông bà quên mất thú vui tuổi già, tất cả niềm vui dồn hết vào việc trông cháu.

Để rồi, có những người, chỉ cần một lần nào đó, cháu nói: “Con thích mẹ đón con hơn”, cũng sẽ nghĩ sâu xa là “chúng nó không cần mình”. Tuổi già là để nghỉ ngơi đúng nghĩa. Ông bà có thể thỉnh thoảng chơi cùng cháu chứ không nên thay thế vị trí của bố mẹ”.

“Đừng tranh cãi việc ai bế cháu, gia đình thuận hoà mới là điều quan trọng”

Trái ngược với những quan điểm nêu trên, bạn đọc có tên tài khoản Minh Nga Đặng viết: “Mình không đồng tình với chú, mình nghĩ trông cháu là niềm hạnh phúc với ông bà. Không phải cứ ông bà trông cháu là cháu sẽ hư. Liệu suy nghĩ như thế này có hơi ích kỷ không”.

“Đừng nói “Thà chạy xe ôm chứ nhất quyết không ở nhà bế cháu nội”. Có nhiều bạn trẻ bây giờ hay kết tội “cháu hư tại... ông bà”. Tôi chăm 5 đứa cháu rồi, có cháu bây giờ mới lên hai, còn có cháu đã bước vào đại học năm nhất nhưng tất cả đều lễ phép, chan hoà với bạn bè, bà con lối xóm.

Hư hay không là do cách giáo dục của mỗi gia đình và bản thân đứa trẻ. Không thể áp đặt quan điểm của gia đình này vào câu chuyện thực tế của gia đình khác.

Cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Thay bằng việc tranh cãi có nên giúp đỡ con cái chăm cháu hay không, tôi nghĩ rằng, gia đình thuận hoà, con cháu biết yêu thương ông bà, bố mẹ, không khí trong gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm mới là giá trị cốt lõi để mỗi gia đình hướng đến”, bạn đọc H.M.N.G (xin được giấu tên) gửi chia sẻ.

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận