Giúp con vượt qua hội chứng tự ngược đãi bản thân
Các hành vi tự ngược đãi bản thân ở trẻ em lại xảy ra rất thường xuyên và cần được thêm vào danh sách những điều quan trọng cha mẹ phải thảo luận cùng con cái.
Khi những bậc phụ huynh nghe về hội chứng tự ngược đãi bản thân, họ có thể bỏ qua ngay chủ đề này và cho rằng, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra trong gia đình họ.
Tuy nhiên, thật không may, các hành vi tự ngược đãi bản thân ở trẻ em lại xảy ra rất thường xuyên và cần được thêm vào danh sách những điều quan trọng cha mẹ phải thảo luận cùng con cái.
Tiến sĩ Dean Aslinia - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phoenix (Mỹ), cho biết: “Hành vi tự ngược đãi bản thân hay còn được gọi là “hành vi tự hủy hoại bản thân” (NSSI).
Nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 20% thanh thiếu niên nước Mỹ liên quan tới những hành vi tự hủy hoại bản thân. Trong khi hành vi này có xu hướng tăng ở độ tuổi từ 13 đến 14. Nói rộng ra, rủi ro lớn nhất sẽ xảy ra khi đứa trẻ bắt đầu có khả năng lên kế hoạch tiếp cận và mua các phương tiện tự làm hại bản thân".
Dưới đây là cách các chuyên gia sức khỏe tâm thần (Mỹ) đề xuất khi nói chuyện với con về hành vi tự làm hại bản thân dựa trên độ tuổi của chúng.
Đối với học sinh cấp 1
Vào thời điểm trẻ vẫn còn là học sinh cấp một, chúng có thể biết về việc tự làm hại bản thân trên tin tức, Internet hoặc qua một người bạn nào đó. Hãy thăm dò con mình bằng cách mở rộng chủ đề khi nói chuyện.
Nếu cha mẹ muốn đánh giá nhận thức của trẻ về hành vi tự ngược đãi bản thân, hãy tiếp cận chủ đề này với sự tò mò và thắc mắc của chúng. Cho con xem một thông tin liên quan tới hành vi tự ngược đãi và hỏi liệu con mình đã từng nghe nói hay tìm hiểu về vấn đề này chưa. Hãy cố gắng thảo luận với con với biểu cảm không mang tính phán xét, dò hỏi hay quan tâm thái quá.
Chọn thời gian và địa điểm khi bạn biết con bạn có thể nói chuyện một cách thoải mái, chẳng hạn như trong bữa ăn gia đình hoặc khi đang trên xe đón sau giờ học là một cách tiếp cận dễ dàng và thông minh.
Đồng thời cha mẹ cần sử dụng các thuật ngữ dễ hiểu, đề cập tới chủ đề này nhiều hơn một lần để con có thời gian suy nghĩ và xử lý những phản ứng của riêng của chúng.
Có thể nói rằng, một số người tự làm hại bản thân vì họ không biết cách quản lý cảm xúc của riêng họ. Vì vậy, hãy chia sẻ với con về những cách hoặc kinh nghiệm của cha mẹ trong việc đối phó với những cảm xúc khó chịu theo cách lành mạnh, như hít thở sâu hoặc đi dạo để giải tỏa stress.
Đối với học sinh lớp một, Tiến sĩ Aslinia khuyến nghị các bậc cha mẹ nên thiết lập một thói quen thường xuyên hỏi thăm con mình về những gì đã xảy ra ở trường và con cảm thấy thế nào trong ngày hôm nay. Làm như vậy thì cha mẹ có thể mở ra cánh cửa cho một cuộc trò chuyện sâu sắc hơn.
Từ đó, bậc phụ huynh có thể dễ dàng đánh giá xem con mình đang trong tâm trạng thế nào và liệu có điều gì cần phải giải quyết hay không. Hãy nhớ rằng, con mình có thể buồn bực, tức giận, không thoải mái,... tất cả đều rất bình thường.
Hỏi rằng con muốn làm gì để giải quyết những cảm xúc không tích cực trong lòng và cùng con đưa ra hướng giải quyết phù hợp với lứa tuổi.
Đối với độ tuổi thanh thiếu niên
Vào thời điểm con bạn đang trong độ tuổi teen, chúng có thể đã quen dần với hành vi tự ngược đãi. Thậm chí chúng còn là người tự cho phép bản thân làm điều này. Do đó, khi nói chuyện với con cái về hành vi ấy, hãy hạn chế các bài giảng về đạo đức và lời nói phán xét. Thay vào đó, hãy cố gắng bình tĩnh và trò chuyện với con để dẫn dắt sự tò mò và đặt ra những câu hỏi liên quan.
Cũng giống như với trẻ cấp một, cha mẹ hãy cho con xem một bài báo về việc tự hủy hoại bản thân và hỏi liệu con có biết đó là gì không.
Trẻ ở giai đoạn này đã bắt đầu có suy nghĩ chín chắn nên hãy nói về lý do tại sao mọi người làm điều này, và đưa ra một số cách giải quyết lành mạnh hơn để có thể quản lý cảm xúc của mình. Đồng thời, thăm dò ý kiến của con rằng chúng đã làm gì khi bị khó chịu.
Ngoài ra, hãy tích cực lắng nghe những gì con bạn đang nói, tránh làm gián đoạn mạch cảm xúc và để chúng tự do bộc bạch mà không phản ứng thái quá.
Cách tiếp cận này đặc biệt quan trọng nếu con bạn đã nghĩ đến việc tự làm hại bản thân hoặc khi chúng đã tự thừa nhận hành vi ngược đãi bản thân.
Tiến sĩ Aslinia cho rằng: “Phần quan trọng nhất của bất kỳ cuộc trò chuyện nào từ cha mẹ với con cái là phải luôn thể hiện sự quan tâm và yêu thương. Điều này có nghĩa là, bất kỳ câu hỏi hoặc thông tin nào mà cha mẹ chia sẻ với con luôn mang thông điệp rằng cha mẹ rất yêu thương con và muốn đảm bảo sự an toàn trong một môi trường lành mạnh để con có thể tiếp tục trưởng thành, phát triển."
Tiến sĩ cũng khuyên các cha mẹ nên cẩn thận để không bộc lộ ra sự xấu hổ khi con con cái có những hành vi tự ngược đãi bản thân. Thay vào đó, hãy thừa nhận cảm xúc của con mình là bình thường và không trừng phạt chúng.
Sẽ thật tốt nếu sự giúp đỡ của cha mẹ là điều trẻ đang tìm kiếm. Và, đừng ngại đặt những câu hỏi khó hoặc thậm chí nói về hành vi ngược đãi bản thân với con.
"Tuy nhiên, đừng hỏi những câu hỏi "vì sao", bởi chúng sẽ hiếm khi đưa ra những lời giải thích mà các bậc phụ huynh đang tìm kiếm. Thay vào đó, hãy hỏi xem cha/mẹ có thể làm gì để giúp con cảm thấy tốt hơn", Tiến sĩ Aslinia nói.
Việc học hỏi từ cha mẹ về các nguy cơ của hành vi tự ngược đãi bản thân và các lựa chọn thay thế cho hình thức đối phó này luôn tốt hơn việc “nghe lỏm” từ một người bạn xung quanh. Có thể, những người bạn của con cũng đang tham gia vào hành vi này, từ một phương tiện truyền thông hoặc xã hội nơi coi hành vi đó như một cách giải tỏa năng lượng.
Theo Very Well Family
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất