Đưa trẻ ra khỏi vòng tuần hoàn 'không lối thoát': Nguy cơ từ nhiều phía
Xâm hại tình dục trẻ em luôn là vấn đề nhức nhối, khiến phụ huynh cũng như cả xã hội lo lắng. Bởi, hệ quả của vấn nạn này đối với trẻ là vô cùng nặng nề. Nạn nhân thậm chí có thể rơi vào trầm cảm và tìm lối thoát tiêu cực.
Kẻ ngược đãi, xâm hại có thể là bất kỳ ai xung quanh trẻ từ người chăm sóc, bạn bè, hoặc người lớn tiếp xúc hằng ngày…
Tổn thương theo suốt đời
Nhiều phụ huynh cho rằng, xâm hại tình dục trẻ em là chuyện ở ngoài xã hội, chứ không thể xảy ra ở gia đình mình. Có lẽ, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít ông bố, bà mẹ lơ là trong việc giáo dục con về giới tính, cũng như dạy trẻ cách phòng chống xâm hại tình dục. Đến khi xảy ra chuyện, cha mẹ không khỏi sốc và ân hận. Những trẻ từng bị lợi dụng tình dục có nguy cơ tổn thương suốt cuộc đời. Thậm chí, có trẻ còn bị trầm cảm và nhiều lần nghĩ đến tự tử. Tuy nhiên, đáng báo động là, nhiều nạn nhân không kể với người lớn để được bảo vệ, giúp đỡ, hay hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ biết cách tự phòng chống, nhận diện chân dung kẻ xấu có ý đồ xâm hại, cũng như hành vi thủ đoạn của yêu râu xanh; Đồng thời, biết cách bảo vệ bản thân khi bị tấn công tình dục.
Những năm gần đây, nhiều thống kê cho thấy, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục tăng cao. Theo kết quả điều tra của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, từ năm 2011 - 2015, cả nước xảy ra 8.200 vụ xâm hại trẻ em với tổng số nạn nhân là 9.920 người, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Đặc biệt, tình trạng xâm hại tình dục bé trai có dấu hiệu tăng.
Trong khi đó, báo cáo của Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (UN Women) chỉ ra rằng, có 4,5 triệu người trên thế giới là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Trong đó, có 98% nạn nhân là phụ nữ và bé gái. Trung bình, cứ 4 bé gái thì có một trẻ bị lạm dụng tình dục. Cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có 1 người bị bạo hành thể xác hoặc tình dục, phần lớn là do những người thân.
Tầm quan trọng của nền tảng gia đình
Thạc sĩ tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên Nguyễn Tú Anh - nhà sáng lập dự án Happy Parenting - chia sẻ, ngược đãi trẻ em là khi trẻ dưới 18 tuổi bị trải qua bạo hành, bỏ mặc, phải chứng kiến hoặc các trải nghiệm kinh hoàng và tổn thương trong thời thơ ấu. Trong đó, bạo hành có thể bao gồm về thể chất, tình dục cũng như tinh thần.
Chuyên gia cho biết, đối tượng gây ra ngược đãi có thể là bất kỳ ai xung quanh trẻ. Đó có thể là người chăm sóc, ông bà bố mẹ, họ hàng, hàng xóm, thầy cô, các trẻ khác (anh chị họ, hàng xóm), hoặc người lớn tiếp xúc với trẻ trong cuộc sống hằng ngày. Tình trạng này có thể xảy ra trong gia đình, ở khu phố, khu chung cư, nơi vui chơi, trường học…
“Tất cả những điều đó đều có thể gây ảnh hưởng đến trẻ khi lớn lên. Sẽ có những đứa trẻ chỉ bị ngược đãi thoáng qua, hoặc trong thời gian ngắn và nhận được sự hỗ trợ, cùng với nội lực tự thân/sức bật bên trong của trẻ, mà lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường. Tuy nhiên, với những trẻ phải sống và lớn lên trong bất kỳ hình thức ngược đãi nào, trong thời gian dài và không được giúp đỡ, điều chỉnh và chữa trị. Hậu quả để lại là vô cùng khủng khiếp và sẽ theo suốt cuộc đời trưởng thành”, bà Tú Anh nhấn mạnh.
Trước hết, trẻ có nguy cơ gặp hậu quả về sức khỏe thể chất như lạm dụng chất kích thích, mắc bệnh hiểm nghèo, stress kinh niên, mất ngủ, tự làm tổn thương bản thân, tự tử… Ngoài ra, trẻ có thể bị rối loạn hành vi và cảm xúc. Cụ thể, trẻ sẽ khó kiềm chế bản thân, dễ bị kích động, rối loạn lo âu và cảm xúc, trầm cảm. Thậm chí, trẻ dễ nhận định sai lệch về bản thân, định hướng tình dục lệch lạc, mang thai sớm, mắc bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, những trẻ là nạn nhân của ngược đãi thường không có nền tảng giáo dục tốt, khó có được công việc và sự nghiệp tốt để ổn định tương lai. Đồng thời, không có khả năng hình thành các mối quan hệ lành mạnh với mọi người và tình cảm, cũng như trở thành những cha mẹ độc hại.
“Hệ quả nghiêm trọng nhất của ngược đãi chính là một vòng tuần hoàn không có lối thoát nếu không được chữa trị và hỗ trợ. Phần lớn những thủ phạm - đối tượng ngược đãi trẻ em đều là người có vấn đề tâm lý. Hoặc, chính họ ngày nhỏ là những đứa trẻ bị ngược đãi trong suốt quá trình lớn lên. Những đứa trẻ ngày nhỏ là nạn nhân bị ngược đãi, lớn lên sẽ lại có xu hướng trở thành chính tội phạm ngược đãi những đứa trẻ khác”, chuyên gia cảnh báo.
Vì vậy, theo bà Tú Anh, điều quan trọng là nâng cao nhận thức cộng đồng. Nhờ đó, để những hành vi ngược đãi dù là nhỏ nhất có thể được phát hiện ra, ngăn chặn, điều chỉnh và can thiệp ngay từ đầu. Đồng thời, phá vỡ vòng tuần hoàn của ngược đãi là cách hữu hiệu nhất. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng gia đình. Trong đó, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của trẻ.
“Vai trò của người mẹ trong gia đình, trong quá trình lớn khôn của con là vô cùng quan trọng. Ngoài việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, người mẹ hãy lưu tâm đến con mình. Từ đó, có thể nhận biết được những đổi thay và khác lạ dù là nhỏ nhất ở con, hỗ trợ và giúp trẻ kịp thời”, bà Tú Anh khuyến cáo.
Phán đoán nguy hiểm
Theo giáo viên Nghiêm Thị Thúy - Hệ thống Kỹ năng sống Cara, trẻ em luôn hiếu kỳ, tò mò và muốn khám phá những điều mới lạ. Tuy nhiên, trẻ chưa có kỹ năng để thu thập thông tin, phán đoán những mối nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân.
“Dạy kỹ năng bảo vệ bản thân giúp bé tư duy, phán đoán được những nguy hiểm có thể xảy ra và tìm cách tránh xa. Hoặc, trẻ tự vạch cho mình một khu vực bảo đảm an toàn để khám phá, tìm hiểu mọi thứ. Việc này sẽ giúp bé có khả năng xử lý tình huống, biết lên tiếng kêu cứu và tìm đến những sự trợ giúp đúng khi cần. Trẻ sẽ tự tin hơn và làm chủ cuộc sống của mình”, chuyên gia chia sẻ.
Trước hết, cha mẹ cần dạy trẻ phân biệt giới tính qua hình thức bên ngoài như: Màu tóc, quần áo, hình dáng bên ngoài, tính cách… Học cách nhận biết các “vùng riêng tư”, vùng đồ bơi. Ví dụ, với bạn nam, vùng riêng tư gồm mông và bộ phận sinh dục. Trong khi đó, ở bạn nữ, vùng riêng tư gồm mông, bộ phận sinh dục và ngực.
Cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ rằng, chỉ phụ huynh có thể chạm vào vùng kín của con khi bé còn nhỏ để giúp tắm. Lớn lên, trẻ sẽ tự chăm sóc vùng kín. Bác sĩ cũng có thể khám và chạm vào vùng kín để chữa trị nếu bị thương, nhưng phải được sự đồng ý và có mặt của cha mẹ. Trẻ cần hiểu rằng, không ai được nhìn thấy hay có quyền chạm vào vùng kín của bé. Nếu ai đó cố tình chạm vào vùng kín, trẻ cần báo cho người lớn.
Ngoài ra, theo giáo viên Nghiêm Thị Thúy, cha mẹ cần dạy trẻ quy tắc bảo vệ bản thân. Khi nhận thấy một người nào đó có những hành vi “báo động”, trẻ cần tránh xa, bỏ chạy và nói cho những người đáng tin để được giúp đỡ. Những báo động bao gồm: Nói, nhìn, chạm, một mình. Ví dụ, trẻ cần tránh xa khi có ai đó nói với bé về vùng kín, nhìn vào vùng kín của các con... Hoặc, khi ai đó chạm vào vùng kín của trẻ, hay muốn ôm dù không quen, các bé cần tìm sự trợ giúp.
Theo giáo viên Nghiêm Thị Thúy, phụ huynh cần dạy trẻ có ý thức bảo vệ vùng riêng tư. Ví dụ, trẻ không nên tự ý thay đồ chỗ đông người. “Giống như việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình, các phụ huynh cũng nên dạy bé chú ý không nên chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt, không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu”, nữ giáo viên chia sẻ.
Trẻ cần tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường, nếu chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ hoặc đến những nơi vắng vẻ, tối tăm, kín đáo.
Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, phụ huynh nên đưa ra các giả thuyết và hướng dẫn con mình cách chạy trốn. Cha mẹ có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét lớn. Nhờ đó, có thể cầu cứu người xung quanh. Hoặc, trẻ cần biết cách phản ứng tụt người xuống để thoát khỏi kẻ xấu nếu bị ôm từ phía sau...
“Do sự chênh lệch về sức khỏe, nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy, chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng để giúp trẻ thoát thân an toàn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của phụ huynh, số điện thoại khẩn cấp”, giáo viên Nghiêm Thị Thúy khuyến cáo.
Theo Giáo dục và Thời đại
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất