07:00 16/01/2025

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hành động quyết liệt phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Thu Trang

Trong năm 2024, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phát biểu chính kiến 38 vụ vi phạm quyền trẻ em; tư vấn 41 vụ và chiếm số lượng chủ yếu là 15 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Để kịp thời hỗ trợ pháp lý cho trẻ em và gia đình trẻ, Hội đã gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Con gái yêu của mẹ,

Con là cô bé rất thông minh, có đôi mắt trong veo như ngọc và luôn đặt câu hỏi “Mẹ ơi vì sao?” về thế giới xung quanh con. Thế nhưng chẳng ai ngờ được bi kịch ấy lại xảy đến với con gái của mẹ...

Chiều hôm ấy con chạy về nhà, áo quần xộc xệch, mái tóc rối bù, con khóc nấc, nghẹn lời: “Chú ấy… đã cởi quần áo của con...”. Mẹ vội ôm con vào lòng, nhưng tay chân mẹ bủn rủn như chẳng còn cảm giác gì, lần đầu tiên mẹ thấy lòng mình đau đớn mà lại bất lực đến vậy...

Đây là những lời từ một người mẹ, chị có con gái là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục khi bạn nhỏ mới chỉ 06 tuổi. Chị đã rất dũng cảm chia sẻ với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về sự việc đau buồn đã xảy ra với đứa con gái bé nhỏ của chị.

Trong năm 2024, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội) đã phát biểu chính kiến 38 vụ vi phạm quyền trẻ em; tư vấn 41 vụ và chiếm số lượng chủ yếu là 15 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Các trường hợp được thông tin trực tiếp đến Văn phòng Hội thông qua hình thức đơn thư, trong đó 01 vụ việc tố cáo hành động hiếp dâm trẻ em qua mạng bằng 01 video clip. Trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục chủ yếu dao động từ 6 đến 15 tuổi và thuộc giới tính nữ.

THCS Lê Quý Đôn
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với nhiều đơn vị, tích cực truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục.

Đáng chú ý, người bị tố cáo chủ yếu là người trong gia đình, là người thân quen, người trẻ tin tưởng như cha đẻ, anh em cùng huyết thống, anh em họ, hàng xóm, thầy giáo, người sử dụng lao động, khách hàng nơi trẻ đang làm việc. Người phát hiện và tố cáo hầu hết là mẹ ruột hoặc cô, dì ruột của trẻ, ngoài ra cũng có trường hợp do tài xế xe công nghệ cung cấp thông tin. Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra phổ biến tại các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An. 

Điểm đặc trưng của các vụ việc trên là trẻ em khi bị xâm hại có dấu hiệu phản kháng yếu ớt hoặc thậm chí không phản kháng. Các tài liệu do gia đình cung cấp đều cho thấy, hầu hết các bé gái bị xâm hại đều có biểu hiện sang chấn tâm lý nặng nề ngay sau khi sự việc xảy ra, trẻ có xu hướng không dám chia sẻ với gia đình vì sợ hãi bởi lời hăm doạ “hãy giữ kín” của những kẻ xâm hại. 

Tuy nhiên, có thể thấy điều đáng mừng là những người tố cáo đều đã có kỹ năng khi tiếp xúc với trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Họ đều kịp thời quan tâm và phát hiện các biểu hiện khác thường của trẻ về mặt tâm lý và thể chất, chủ động gợi mở, khai thác để trẻ tin tưởng chia sẻ lại về ký ức đau khổ vừa trải qua.

Để kịp thời hỗ trợ pháp lý cho trẻ em và gia đình trẻ, Hội đã gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước về hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại. Đồng thời cử luật sư là ủy viên BCH và hội viên của Hội phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo vệ trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục. 

Mặc dù tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, nhưng không thể phủ nhận công tác tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em dành cho cha mẹ đã từng bước có sự tác động tích cực đến việc chủ động tố giác tội phạm. Mặt khác, vấn đề cần lưu tâm hơn nữa là công tác trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ em.

Người gửi đơn cũng thường băn khoăn không biết phải làm gì để bảo vệ con không bị kẻ xấu xâm hại? Giáo dục cho con trẻ từ rất sớm, từ những điều nhỏ nhất là vô cùng cấp thiết, ví dụ như: 

  • Khi con muốn đi đâu ra khỏi nhà cần phải xin phép người lớn.
  • Không để trẻ ở một mình.
  • Luôn dặn dò con tuyệt đối không được giao tiếp quá mức thân thiện với người lạ hoặc để người khác đụng chạm vào cơ thể, đặc biệt là vùng nhạy cảm.
  • Dạy cách ứng phó khi bị xâm hại, ví dụ như khi bị ai đó không chế thì hét lên sau đó cố gắng vùng bỏ chạy. Không được im lặng, phải phản kháng.
  • Trang bị kiến thức pháp luật về dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, cũng cần được cung cấp cho trẻ em.
  • Hãy thẳng thắn, cởi mở, và là nơi tin cậy để con trẻ chủ động tâm sự. Tránh sử dụng bạo lực, có lời nói chỉ trích, trách mắng nặng nề với con khi muốn gặng hỏi về sự việc. Cần phải có sự kiên nhẫn để chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Thấu hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau.
  • Gia đình và nhà trường phải là môi trường an toàn để trẻ em đặt niềm tin và yên tâm phát triển. Cha mẹ và nhà tường cần tổ chức các buổi nói chuyện, các hoạt động tuyên truyền pháp luật, và các kỹ năng phòng, đấu tranh khỏi bị xâm hại. Khi có bất kỳ sự nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục, không nên im lặng trước các hành vi đáng lên án này, thay vào đó cần thông báo, tố giác kịp thời vụ việc để xứ lý nghiêm minh.

Trách nhiệm bảo vệ và giáo dục trẻ em có ý thức phòng, chống xâm hại tình dục không chỉ thuộc về gia đình, mà còn là của cả xã hội, đất nước, vì trẻ em là mầm non, là tương lai của cả một dân tộc. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận