Kỹ năng tốt sẽ giúp các bé bớt hoảng hốt khi bị bắt cóc
Vụ bắt cóc diễn ra tại khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con em mình.
Theo cơ quan công an, bước đầu, nghi phạm Nguyễn Đức Trung (SN 1992, quê Vĩnh Phúc) khai nhận do nợ nần nên nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc. Ngày 14/8, đối tượng đi ô tô vòng quanh khu đô thị Việt Hưng bắt cóc bé trai 7 tuổi đang đạp xe đạp đi chơi. Sau đó, chị H. (mẹ của cháu bé) nhận được điện thoại yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để chuộc con.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã triệu tập lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ về Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP, trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường với quyết tâm nhanh nhất giải cứu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cháu bé.
Sau gần 10 tiếng xuyên đêm, đến khoảng 5h ngày 15/8, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an quận Long Biên và các đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ được đối tượng gây án, giải cứu thành công cháu bé về với gia đình, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Anh C. (bố của cháu bé) cho biết, dù lo lắng cho an nguy của con, nhưng anh C. cố giữ bình tĩnh, động viên vợ phải vững vàng tâm lý, bản lĩnh trong mọi tình huống, gạt qua hết mọi nỗi sợ hãi, tập trung vào phối hợp với lực lượng chức năng trong việc giải cứu con.
"Việc đầu tiên tôi trình báo công an. Sau đó, kiểm tra camera giám sát an ninh nhà mình và hàng xóm, nơi diễn ra vụ việc để có tài liệu cung cấp cho lực lượng chức năng. Kẻ bắt cóc yêu cầu chỉ một mình mẹ cháu bé lái xe, không có người thứ hai, đặc biệt không được phép có đàn ông, khi đi phải chuẩn bị số tiền 15 tỷ đồng, trao tiền thì nhận con" - anh C. kể lại. Được sự động viên của chồng, người vợ đã bình tĩnh, đủ bản lĩnh để xử lý mọi việc theo sự trợ giúp của lực lượng chức năng.
Anh C. cho biết, tâm trạng con trai anh hiện đã ổn định. Sau khi được giải cứu, anh nghe con trai kể lại, tối qua, khi đang đạp xe thì người đàn ông lái xe đến hỏi “đây có phải nhà chú Tuấn không”. Bé trai quay về phía ngôi nhà đó, trả lời không phải. Nhân lúc bé trai không chú ý, nghi phạm bất ngờ ôm cháu lên ô tô từ hướng ghế lái, dán băng dính đen vào miệng và trói tay bằng dây thừng.
“Kẻ bắt cóc rút từ túi quần ra một khẩu súng, hỏi 'mày biết đây là cái gì không, mày mà bướng tao bắn', cháu sợ hãi, gật đầu im lặng. Trong quá trình đối tượng di chuyển, người mẹ cầu xin tên bắt cóc cho con được ăn uống. Nghi phạm mua bánh mì nhưng cháu bé không dám ăn bởi sợ bánh mì tẩm thuốc độc. Khi khát nước, bé trai xin kẻ bắt cóc uống nước nhưng hắn không đồng ý. Tôi hỏi con tại sao không ăn bánh mì lại dám uống nước, con nói con nhìn thấy chú ấy uống được thì mình cũng uống được” - người bố kể.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong chương trình tiểu học, trẻ đã được giới thiệu những kỹ năng rất cơ bản như phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống bắt cóc, phòng, chống xâm hại tình dục... Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kiến thức trên lý thuyết, các bé chưa có nhiều cơ hội thực hành.
Qua vụ việc chấn động vừa rồi, sẽ có những cha mẹ bắt đầu sợ sệt, cho rằng, tốt nhất là không đi ra ngoài, tốt nhất là không giao tiếp, vui chơi, ở nhà cho an toàn... Đây là suy nghĩ sai lầm. Không phải giữ rịt con ở nhà đã là tốt, không nên có suy nghĩ không quản được thì cấm. Khi trẻ không có cơ hội ra ngoài, các con càng mất đi cơ hội để rèn kỹ năng sống. Quan trọng là khi thấy môi trường ở xung quanh đứa trẻ không an toàn, cha mẹ cần giúp cho trẻ được sống và phát triển tốt hơn, để con có được một số kỹ năng cần thiết và áp dụng nó vào thực tiễn. Kỹ năng rất quan trọng. Bởi vì, thủ đoạn phạm tội có thể luôn đổi mới. Vì thế, kể cả là bố mẹ có cấm con, không cho ra ngoài thì đến lúc nào đó chính con chủ động trốn đi vì lời dụ dỗ của kẻ xấu.
Bé trai mới 7 tuổi, dù bị bắt cóc và đang rất sợ hãi nhưng vẫn nhớ và vận dụng rất tốt những kỹ năng đã được học. Sau khi được giải cứu, bé kể với bố, lúc bị bắt đi, bé không dám ăn đồ tên bắt cóc mua, chỉ dám xin nước, vì bé nghĩ “nhìn thấy chú ấy uống được thì mình cũng uống được”.
Hãy dạy trẻ những kỹ năng cần thiết như:
Khi bị bắt cóc, hãy giẫy đạp thật mạnh, kêu ầm ĩ: "Cứu tôi với !, Nếu thoát được khỏi tay kẻ bắt cóc, hãy chạy ngay đến chỗ đông người như: siêu thị, nhà hàng.
Nếu không thể thoát khỏi tay hắn, bé hãy vứt lại khăn, túi, giầy...của mình để làm dấu cho bố mẹ và cảnh sát biết.
Nếu bị bắt lên xe, bé đừng kêu khóc giãy đạp nữa, kẻo sẽ bị kẻ xấu đánh. Hãy ngồi yên, bình tĩnh nghĩ cách đối phó. Hãy dạy trẻ cách bình tĩnh, không quá nổi loạn và chờ đợi cơ hội thoát thân là kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc trẻ cần ghi nhớ. Hoảng sợ, la hét, quấy phá chỉ làm kích thích kẻ bắt cóc gây nguy hiểm cho bé.
Hãy nhìn kĩ khuôn mặt, dáng người, quần áo, số xe của kẻ xấu và quan sát cả những công trình kiến trúc lớn hai bên đường.
Nếu người xấu hỏi tên bố mẹ và điện thoại nhà bé, hãy trả lới hắn đầy đủ, kẻo sẽ bị đánh đập, tra khảo.
Hãy tìm cơ hội bỏ chạy. Khi kẻ xấu không chú ý, hãy mở cửa xe rồi chạy xuống thật nhanh. Nếu không chạy thoát được thì đừng kêu khóc, giẫy đạp. Hãy bình tĩnh, giữ gìn sức khỏe, chờ cảnh sát đến giải cứu.
Kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc: Đây là kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc cần ghi nhớ. Bọn tội phạm thường dùng bánh kẹo, đồ chơi bắt mắt để thu hút sự chú ý từ trẻ rồi thực hiện hành vi xấu xa của mình.
Không được mở cửa cho người lạ: Dạy trẻ không được mở cửa cho người lạ nhất là khi trẻ ở nhà một mình. Điều này sẽ giúp ngăn chặn kẻ gian đột nhập vào nhà bắt cóc trẻ.
Không nhận quà từ người lạ: Hãy dạy con đề cao cảnh giác với những món quà, đồ ăn, nước uống,… từ người lạ bởi chúng có thể đã được tẩm thuốc mê. Nếu người lạ tiến lại gần và mời con đi chơi hay cho quà, trẻ nên từ chối khéo rằng: “Cháu không nhận đâu ạ”, “Bố mẹ cháu không cho phép nhận ạ”,… sau đó hãy nhanh chóng tìm đến chỗ có người lớn hoặc bảo vệ đứng để tránh bị người lạ tiếp tục dụ dỗ.
Kỹ năng sử dụng mạng xã hội: Các em bé hiện nay rất thông minh và nhanh nhạy trong việc sử dụng các trang mạng xã hội, tuy nhiên việc công khai những thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, hình ảnh cá nhân lên mạng một cách công khai có thể đem lại mối nguy hại tiềm ẩn. Bởi chỉ với những thông tin này, kẻ xấu rất dễ dàng theo dõi, tiếp cận con với mục đích xấu.
Đối với các bậc cha mẹ nên:
Đón con đúng giờ: Đối với các bé trong độ tuổi đi nhà trẻ, học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, các bậc phụ huynh nên đưa đón trẻ đúng giờ, tránh đón trẻ muộn sẽ tạo cơ hội cho những kẻ xấu hành động.
Hạn chế khoe ảnh, làm lộ thông tin của con trên mạng xã hội: Một hành động vô ý nhưng có thể khiến con yêu trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người đó là việc cha mẹ công khai đăng ảnh con lên mạng xã hội. Thay vì để ảnh và thông tin của bé ở chế độ công khai, cha mẹ có thể để sang chế độ riêng tư hoặc hạn chế việc khoe ảnh con lên mạng.
Phối hợp quản lý chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường: Phối hợp với nhà trường, thường xuyên trao đổi với giáo viên phụ trách con em mình sẽ giúp cha mẹ nắm bắt được các hoạt động, sự thay đổi cảm xúc của bé. Nếu trẻ xuất hiện những biểu hiện tâm lý thất thường, hay lo lắng và sợ hãi điều gì đó, cha mẹ có thể trao đổi với nhà trường để cùng nhau theo sát, quan tâm con và ngược lại.
Theo Pháp luật và xã hội
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất