Lạm thu dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh
Dù đã có quy định về những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu và không được phép thu nhưng nhiều ban đại diện vẫn đề ra la liệt các khoản thu khiến chính phụ huynh bức xúc.
Tiền tỉ quỹ phụ huynh chi cho nhà trườngPhụ huynh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bức xúc cho biết tuy là trường tư thục, về nguyên tắc học phí đã phải tính đúng tính đủ, nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) của trường này vẫn đề ra mức thu quỹ phụ huynh rất vô lý. Theo đó, riêng học kỳ 1, mỗi HS phải đóng 700.000 đồng quỹ phụ huynh trường… Trường này dự kiến thu tổng quỹ phụ huynh lên tới hơn 2,5 tỉ đồng, trong đó chủ yếu chi cho việc lễ tết, hiếu hỉ.
Ví dụ, dịp 20.11, dự kiến chi quà tri ân các thầy cô và nhà trường lên tới 750 triệu đồng; ngày 20.10 hỗ trợ hoạt động, tặng hoa cũng lên tới 200 triệu đồng; hỗ trợ các hoạt động khai giảng cũng 200 triệu đồng; hỗ trợ nhà trường và chúc mừng thầy cô đầu năm dương lịch 100 triệu đồng; tiền bưu thiếp, in phong bì cho cả năm học 15 triệu đồng; hỗ trợ các hoạt động văn nghệ vào các dịp lễ tết tới 240 triệu đồng; hỗ trợ hoạt động đoàn, đội 80 triệu đồng…
Vị phụ huynh này chia sẻ với PV Thanh Niên: “Nhìn những khoản dự kiến chi lên tới hơn 2,5 tỉ đồng cho 1 học kỳ, đồng nghĩa với việc hơn 5 tỉ đồng một năm học mà thực sự tôi thấy chóng mặt. Những khoản chi lớn nhất đều là chi cho nhà trường, hiếu hỉ… trong khi HS vẫn phải đóng quỹ phụ huynh lớp lên tới tiền triệu mỗi học kỳ”.
Học phí của Trường Lương Thế Vinh ở cấp THCS là 3,5 triệu đồng/tháng, tiền ăn là 40.000 đồng/bữa, tiền hỗ trợ bán trú là 2 triệu đồng/năm học. Ngoài ra còn khoản thu HS học các câu lạc bộ tự nguyện…
“Tôi cứ nghĩ vào trường tư thục thì nhà trường sẽ tính đúng, tính đủ trong học phí, không bị thu các khoản phụ phí nữa, ai ngờ việc thu các khoản tự nguyện nhưng cào bằng và bất chấp quy định hơn trường công”, vị này nói.
Những khoản thu vô lýNgoài ra, cũng theo một số phụ huynh, Trường Lương Thế Vinh còn thu một khoản rất vô lý là “phí sổ liên lạc điện tử” với mức 1,1 triệu đồng/năm học, trong khi hiện nay Hà Nội đã áp dụng các phần mềm sổ liên lạc điện tử miễn phí nhưng trường này không dùng mà tự làm một phần mềm liên lạc riêng không có gì khác biệt và thu tiền triệu mỗi năm. Với hàng nghìn HS, số tiền thu về là rất lớn, trong khi dùng các phần mềm liên lạc miễn phí thì không tốn kém.
Cũng tại một trường tư thục khác ở Hà Nội, Trường THPT Văn Lang, phụ huynh bức xúc phản ánh với báo chí về các khoản thu ngoài học phí đầu năm học 2022 - 2023 khi cộng các khoản phải đóng đầu năm cho học kỳ 1 lên đến 4,5 triệu đồng như: phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)…
Phí phát triển trường mỗi học kỳ được chia nhỏ nhiều mục khác nhau bao gồm: tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ vệ sinh, an ninh khuôn viên trường “xanh - sạch - đẹp” (1,5 triệu đồng/học kỳ); hỗ trợ học phẩm, học liệu thí nghiệm, điều hòa, máy chiếu, photo in ấn các tài liệu và đề thi chung của trường (500.000 đồng/học kỳ); hỗ trợ hoạt động ngoại khóa, hoạt động chung toàn trường (500.000 đồng/học kỳ). Bên cạnh đó là bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể toàn diện nằm trong khoản nhà trường thu hộ cũng được liệt kê. Tính trung bình một năm học, ngoài học phí, mỗi HS sẽ phải đóng thêm khoảng 10 triệu đồng như thông báo. Mức đóng góp này là nhiều và gây thắc mắc ở những khoản như quỹ phụ huynh lớp lại thêm quỹ phụ huynh trường, rồi phí phát triển nhà trường mà không rõ chi cho các khoản gì.
Một phụ huynh học sinh lớp 5 ở Hà Nội thì bức xúc vì ngoài đồng phục của trường, ban đại diện phụ huynh còn “đẻ” ra đồng phục lớp, đồng phục khối.
Trường mầm non cũng nghĩ cách để tận thu
Một số phụ huynh Trường mầm non Cự Khê (H.Thanh Oai, Hà Nội) đã làm đơn phản ánh với các cấp lãnh đạo về việc đầu năm học nhà trường giới thiệu tổ chức một số lớp dạy học theo cách tiếp cận mới, phương pháp mới. So với lớp bình thường, mức tiền đóng thêm của lớp này là 500.000 đồng/tháng.
Các phụ huynh cho hay họ mong muốn con mình được học trong lớp phương pháp mới nên xin vào các lớp học này. Tuy nhiên, đến buổi họp phụ huynh, họ mới “ngã ngửa” khi nhà trường cho biết với các lớp “xã hội hóa” này, số tiền 500.000 đồng/tháng mà họ phải đóng thêm sẽ được chia làm 2 phần: 50% nộp về cho nhà trường và 50% giữ lại ở lớp. 50% nộp về nhà trường được thông báo dùng để chi cho việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường (mái tôn sân chơi, sân sau các lớp, mua máy in, máy tính...). Bảng kế hoạch được nhà trường lập ra, nhưng phụ huynh cho hay chưa hề được họ đồng ý thông qua. Các phụ huynh không đồng tình bởi tiền đóng góp cơ sở vật chất đầu năm họ vẫn phải đóng như các lớp thường. Trường cũng có chi phí phân bổ sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất do huyện cấp hằng năm, vậy sao sửa chữa bổ sung lại chia riêng cho 6 lớp “xã hội hóa” chịu?
Xử lý nghiêm các sai phạm về thu, chi
Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2022 - 2023 yêu cầu UBND các quận, huyện, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm các sai phạm trong các đơn vị giáo dục trên địa bàn. “Đặc biệt, các sai phạm về thu, chi, dạy thêm, học thêm, vi phạm đạo đức nhà giáo”, chỉ thị nêu.
Họ cũng bất bình bởi dù nói là tự nguyện nhưng phụ huynh bị động trong việc chi tiêu các khoản tự nguyện, không được tham gia bàn bạc, thảo luận những việc nhà trường đã làm và thông tin chỉ mang tính chất thông báo. “Chúng tôi chưa đóng tiền tham gia lớp xã hội hóa nhưng một số hạng mục đã được thi công rồi”, một phụ huynh nói.
Ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thanh Oai, cho biết đã có buổi làm việc với trường. Theo ông Dũng, việc nhà trường quyết định giữ lại 50% số tiền của các lớp “xã hội hóa” là do hiệu trưởng nhà trường muốn trường đẹp lên, có mái tôn để che sân đỡ mưa nắng. Vấn đề nảy sinh từ việc trường chỉ thông qua ban đại diện cha mẹ HS nhưng sau đó lại yêu cầu tất cả phụ huynh thực hiện theo.
Ông Dũng cũng cho hay, do ở thời điểm này, phụ huynh và nhà trường chưa thống nhất về việc tổ chức các lớp ứng dụng cách tiếp cận mới, vì vậy Phòng GD-ĐT yêu cầu nhà trường tạm dừng tổ chức mô hình lớp học này.
Ý kiến
Không chấp nhận quỹ chồng quỹ
Tôi có 2 con hiện vẫn đang học phổ thông và hoàn toàn tự nguyện đóng góp nếu thấy đó là chính đáng. Tuy nhiên, với những khoản thu quỹ chồng quỹ thì tôi thực sự thấy chưa thuyết phục. Ví dụ, việc đã đóng quỹ phụ huynh lớp lại còn đóng quỹ phụ huynh trường mà chủ yếu là chi cho các hoạt động thăm hỏi, lễ tết các thầy cô. Hơn nữa, đó là khoản thu tự nguyện thì không thể áp một mức và bắt ai cũng phải nộp và nộp ít nhất số tiền như vậy là rất vô lý. Nhiều nhà trường dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh chỉ cho phép đóng bằng hoặc cao hơn, ai có ý kiến khác là bị “kỳ thị”, bị cho là không “quan tâm” đến chính việc học của con mình…
Bùi Thu Hiền (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội)
Đừng để phụ huynh không thấy vui với tin miễn giảm học phí
Các cơ quan quản lý công bố những tin về chủ trương miễn, giảm học phí, lẽ ra là rất vui với phụ huynh HS nhưng nhiều người ở khu vực thành thị lại không mấy hào hứng. Vì việc miễn giảm học phí chẳng thấm vào đâu so với các khoản phụ phí mà phụ huynh vẫn phải nộp. Ví dụ, HS tiểu học lâu nay được miễn học phí nhưng bố mẹ có con đi học đều biết vẫn phải đóng rất nhiều khoản lớn hơn nhiều lần học phí. Tất cả đều dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng khó từ chối.
Chương trình giáo dục tiểu học thì học 2 buổi/ngày là bắt buộc. Luật quy định tiểu học miễn học phí nhưng tại sao buổi 1 không thu tiền còn buổi 2 lại phải nộp tiền dưới danh nghĩa “hỗ trợ học buổi 2”. Bộ GD-ĐT phải có chỉ đạo dứt khoát về vấn đề này.
Ngô Huy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội)
Theo Thanh niên
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất